Chuyện về những con người “như chân lý sinh ra” trên mỗi chuyến tàu không số
Tượng đài Đoàn tàu không số tại bến Vàm Lũng - Cà Mau

Cách đây 50 năm, trước yêu cầu bức thiết chi viện vật chất và tinh thần cho nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị đã họp và ra Nghị quyết về “Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam”. Ngày 23-10-1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân với tên gọi “Đoàn tàu không số” để làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang thiết bị bằng đường biển cho miền Nam.  

Ngày 11-10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy không số đầu tiên mang tên Phương Đông I chở vũ khí dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Ngày 16-10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, khai thông tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển nối liền hai miền Nam - Bắc. Từ đây, cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông là tuyến chi viện chiến lược sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu không số với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt” đã âm thầm hy sinh tình cảm riêng tư, xác định ra đi là cảm tử, chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn, thử thách. Mỗi chuyến đi của họ là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, sóng gió. Vượt lên tất cả là sự chiến thắng chính mình, đòi hỏi ý chí kiên định, sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và ý thức chấp hành kỷ luật nghiêm minh, góp phần quan trọng cùng dân tộc Việt Nam viết nên trang sử chói lọi nhất ở thế kỷ XX.  

Lật lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của thời cả nước cùng ra trận, dân tộc Việt Nam mãi mãi không quên những người có công với Tổ quốc nói chung, những “Yết Kiêu” của thời đại Hồ Chí Minh nói riêng. Những chiến sỹ Đoàn tàu không số đã không quản hy sinh, lấy máu xương của mình âm thầm, lặng lẽ cùng nhân dân Việt Nam từng bước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Hình tượng chân thực của những con người “như chân lý sinh ra” cùng với những chiến công huyền thoại trên mỗi chuyến tàu không số là minh chứng hùng hồn về sự sáng tạo, mưu trí của dân tộc Việt Nam. Họ - những con người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, là những người con Việt Nam bình dị nhưng chiến công của họ đối với Tổ quốc vô cùng lớn lao, trở thành huyền thoại, mãi mãi là gương sáng cho thế hệ hôm nay, mai sau học tập và noi theo. Trong Nhật ký “Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên trên biển Đông”, Thuyền trưởng Lê Văn Một đã kể lại hải trình đầu tiên: “Thủy thủ đoàn trên con tàu không số năm nào đã gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trước sóng gió của biển khơi, đã mưu trí, dũng cảm, khôn khéo thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù trong suốt hải trình 9 ngày đêm”. Có lúc nguy quá Lê Văn Một nói với Bông Văn Dĩa: “Nếu phải thủ tiêu tàu để một mình tôi ở lại! Anh cùng anh em cố gắng thoát, may ra còn sống sót về Trung ương báo cáo...”.  

Đồng chí Sáu Lai, một thành viên của tàu Phương Đông I kể: “Có lúc gặp tàu địch bám theo hướng của ta, nã pháo dữ dội. Anh em nhanh trí xổ cả buồm lái cho thuyền căng gió lướt trên ngọn sóng. Thuyền trưởng Lê Văn Một phát lệnh chiến đấu. Toàn tàu xác định, khi cần dùng tốc độ vượt lên, đẩy tàu địch về phía sau rồi cho nổ bom phá áp tàu giặc, dùng tiểu liên, lựu đạn đánh địch, tàu cứ chạy. Nếu không thoát thì cho nổ 3 trái bom còn lại, quyết không để tàu và vũ khí rơi vào tay giặc”. Đồng chí Một và đồng chí Dĩa đã bàn bạc, nếu địch bắt cả tàu thì lợi dụng trời tối cắt dây cho anh em bơi vào bờ, còn hai người ở lại dùng bom thủ tiêu tàu.  

Đồng chí Ngô Văn Tân - người trẻ tuổi nhất trên con tàu Phương Đông I kể lại: Trước giờ xuất phát, Phó thủ tướng Phạm Hùng đã đến căn dặn 12 thành viên: “Đây là chuyến đi đầu tiên nên cực kỳ quan trọng. Đây là một việc hệ trọng và lâu dài, do vậy nếu gặp địch phải khôn khéo, mưu trí, trường hợp xấu phải hủy hàng, hủy tàu để giữ bí mật con đường. Các đồng chí nên nhớ, người đi lo một, người ở lại chờ tin, lo mười...”.  

Do yêu cầu “tuyệt đối bí mật” của con đường Hồ Chí Minh trên biển nên những người làm nhiệm vụ trên những con tàu không số không được cho ai biết việc làm của mình, kể cả người thân. Chẳng hạn như người anh hùng Bông Văn Dĩa trong một lần đến thăm Nhà máy sắt tráng men Hải Phòng - nơi con trai đang công tác, cha con đã gần chục năm trời vắng bặt tin nhau nhưng đồng chí vẫn không dám nhận con mà chỉ “lén” nhìn: “Mặt ông Hai Dĩa đanh lại, hai hàm răng cắn chặt, mím môi như cố không để bật ra tiếng nói. Chắc ông đã mãn nguyện khi được ngắm nhìn đứa con trai yêu quý”. Hay có chiến sĩ ra đi làm nhiệm vụ mà không thể tạm biệt người yêu khiến anh bị cho là kẻ bội bạc. Rồi anh hy sinh, nỗi oan tình ấy được anh mang theo vào lòng biển cả...  

Câu chuyện về thuyền trưởng lừng danh Hồ Đức Thắng (Ba Thắng) và nỗi oan của người vợ đã làm hàng triệu con tim xúc động. Năm 1961, Ba Thắng là một trong 6 người, được Tỉnh ủy Trà Vinh đặt tên theo khẩu hiệu: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi vượt biển ra Bắc xin Trung ương vũ khí. Ba Thắng đã tham gia trên 20 chuyến tàu không số, đặt chân đến hầu hết các bến bí mật ở miền Nam như: Rạch Gốc, Bồ Đề, Gành Hào, Vàm Lũng… đến Phổ An, Sa Kỳ, Hòn Khói, Vũng Rô… Anh đã kể câu chuyện éo le của gia đình với nhà văn Nguyên Ngọc, sau đăng trong cuốn “Có một con đường mòn trên biển Đông”: “Năm 1961, lệnh rút 6 anh em chúng tôi vượt biển ra Bắc là lệnh trực tiếp của Tỉnh ủy, hết sức bí mật. Ngay trong Tỉnh ủy cũng chỉ có một hai đồng chí biết, còn Huyện ủy, Chi ủy không biết tôi đi đâu, làm gì. Vợ tôi lúc đó là đảng viên, tôi cũng không dám hé răng tâm sự. Tôi ra Bắc rồi đi tàu bí mật trở về đúng bến Trà Vinh. Tới bến, xuống hàng, giấu xong tàu là rút vào rừng nghỉ, tuần sau lại giong tàu ra Bắc đi chuyến khác. Nhớ nhà, nhớ vợ con lắm mà không dám gặp. Ngày tôi ra đi vợ chồng mới có một mặt con. Vợ tôi là chi ủy viên, hoạt động bí mật trong ấp chiến lược. Nhưng tuyệt đối không dám nghĩ đến thư từ liên lạc, nói gì đến việc về thăm, gặp mặt… Đến chuyến thứ 9, cuối năm 1964, tàu tôi lại về bến Trà Vinh. Lần này đồng chí phụ trách bến gọi tôi lên hỏi: “Có muốn gặp vợ không?”. Tôi trả lời: “Không dám nghĩ tới chuyện đó đâu. Tùy tổ chức thôi!”. Ai dè, các anh thương, bố trí cho vợ chồng tôi gặp nhau thật. Công phu lắm. Một chị giao liên về tận làng tôi, nói với vợ tôi là trên rút đi công tác đặc biệt. Phải giả đi buôn ở Cần Thơ. Giao liên dẫn đi vòng vo mấy ngày, cuối cùng mới quay lại bến. Anh em bố trí vợ chồng tôi một “căn lều hạnh phúc” trong rừng kín. Ở với nhau hai ngày, vợ tôi lại vòng lên Cần Thơ mua ít hàng trước khi trở về nhà. Từ đó cho đến hết chiến tranh, tôi đi chục chuyến nữa, nhưng không về Trà Vinh, nên không biết gì về tình hình vợ con cả. Tôi không biết sau hai ngày chung sống, vợ tôi có mang. Vợ tôi không thể khai thật. Bụng càng ngày càng to. Thế là bố mẹ chồng khinh bỉ và đau khổ. Chi bộ kiểm điểm. Cuối cùng vợ tôi nói liều: Đi buôn Cần Thơ, lỡ dan díu với một người! Chi bộ quyết định kỷ luật đình chỉ công tác, khai trừ Đảng. Vợ tôi sinh được một cháu gái, nhưng cha mẹ tôi không cho lấy họ tôi. Vợ tôi đau khổ, không thanh minh được cùng ai suốt 10 năm trời, cho đến ngày giải phóng miền Nam, tôi trở về…”. Nếu anh Hồ Đức Thắng - trong những chuyến tàu chở hàng về Nam sau đó - không may hy sinh thì ai sẽ “minh oan” cho vợ anh? Đó là sự hy sinh âm thầm mà vô cùng lớn lao của những chiến sĩ tàu không số cũng như những người thân yêu của họ.  

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng kể về sự kiện tàu không số chở hàng vào bến Vũng Rô: Sự kiện tàu sắt 143 vào tới bến Vũng Rô - khu vực ngay dưới chân đèo Cả, ranh giới của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thì bị địch phát hiện và tấn công. Sau đó địch nghi ngờ ta có đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông. Thế là, chúng không chỉ phong tỏa hàng loạt cảng, điểm tập kết, lên xuống "hàng" mà còn tập trung lực lượng, phương tiện ngày đêm lùng sục tất cả những nơi nào mà chúng nghi ngờ. Trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, Khu 9 đã áp dụng biện pháp vận chuyển công khai bằng những con tàu đánh cá hoặc tàu buôn bán hợp pháp nhưng có những “đáy” bí mật giấu vũ khí. Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn thông suốt nhờ “căn cứ lòng dân”.  

Những chiến công mà các thuỷ thủ, chiến sĩ hải quân trên tuyến đường vận tải biển mang tên Bác Hồ kính yêu khiến thế hệ hôm nay trào dâng miền xúc động lẫn kính phục những con người “mình đồng da sắt”. Tác giả Mã Thiện Đồng đã ghi trong “Hồi ký tàu không số”: Bằng những con tàu đơn sơ, máy móc cũ kỹ, hậu phương lớn miền Bắc đã đều đặn chi viện cho chiến trường miền Nam vượt qua sự săn lùng của hạm đội Mỹ và tàu tuần tra Ngụy. Có những lúc phải hủy tàu, cả đoàn hy sinh, tàu bị bắt, cán bộ chiến sĩ ta bị sát hại... Có lần, tàu vừa cập bến Vàm Lũng thì bị mắc cạn mà trời lại gần sáng. Nơi mắc cạn nằm gần đồn địch. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta huy động lực lượng “xuồng con ghé lại đỡ vũ khí. Người lội nước ngập tới ngực, mang vác tăng gấp hai, ba lần sức người bình thường, bốc vác từng thùng vũ khí nặng hàng tạ băng băng”. Có những con tàu phải tự hủy, cán bộ, chiến sĩ ta bị địch bắt, tra khảo nhưng “những đòn tra tấn dã man ấy chỉ cướp đi sức khỏe của các anh, còn lời khai thì dù ở chỗ nào, bị nhốt riêng hay chung, những người con trung kiên, dũng cảm đã được rèn luyện trong nước sôi lửa bỏng đều thống nhất lời khai được chuẩn bị từ trước: chỉ biết phụ việc nấu cơm, dọn dẹp trên tàu hoặc đánh cá.... Những chuyến tàu đã cập bến, bà con miền Nam vui mừng không kể xiết. Đồng bào đã háo hức đến tận tàu để tận mắt xem những con người “mình đồng da sắt” và phụ giúp khuân vác vũ khí: “Khi lên tàu, các bà, các má, các chị đều khóc òa, níu tay từng người vì cảm động, vì thương anh em thủy thủ cực khổ quá, dũng cảm quá... và cũng vì sung sướng quá!”.  

Đại tá Phạm Duy Tam, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, nguyên Thuyền trưởng tàu không số được mệnh danh là “Ông già biển cả”, người chỉ huy lực lượng đặc biệt kể lại: Thời khắc cấp bách, không thể lỡ mất thời cơ, ông nhận lệnh đạp sóng gió suốt hành trình gần 500 hải lý để tiếp cận quần đảo Trường Sa, truy kích địch và giải phóng hoàn toàn quần đảo vào rạng sáng ngày 29-4-1975. Trong hàng ngàn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Hòn Hèo vinh dự được mang tên người anh hùng tàu không số Nguyễn Phan Vinh - người cùng đồng đội anh dũng hy sinh tại đây năm 1968… Còn không biết bao tấm gương hy sinh âm thầm giữa muôn trùng sóng dữ để đất nước “hồi sinh”, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trên trường quốc tế.      

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn, xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Từ 1961 đến 1975, cán bộ, chiến sỹ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, táo bạo; vượt qua sóng to, gió lớn; vượt qua sự phong toả ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục ngàn lượt người đã từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn, trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Mỗi câu chuyện của những “chứng nhân lịch sử” đã đem đến người đọc sự xúc động, tự hào về bản lĩnh, phẩm chất của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - những “Yết Kiêu” của thời đại Hồ Chí kiên trung, bất khuất, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Rạch biển Đông giữ lấy sơn hà”.  

Hình ảnh Con đường Hồ Chí Minh trên biển và những con người Việt Nam bất khuất, kiên cường là câu trả lời đầy đủ nhất cho câu hỏi lớn mà thế giới băn khoăn “Vì sao Việt Nam thắng Mỹ?”. Những con người làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ có tầm quan trọng, quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn giữ vai trò, vị trí không thể thiếu đối với sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam hôm nay. Chiến công và tầm vóc thời đại của các anh trên con đường biển mang tên Bác mãi mãi là niềm tự hào, sự kiêu hãnh, là bệ đỡ vững chắc của dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập.

Phản hồi (1)

Nguyễn Văn Hưởng 26/10/2011

Bài rất cảm động và rất hay.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất