Quyền con người và quyền dân tộc thiêng liêng trong “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập truớc quốc dân đòng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945

Nếu như bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt (năm 1076) được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam; “Bình Ngô đại cáo” - Áng thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi (năm 1428) được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2; thì bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi từ vườn hoa Ba Đình ngày 2-9-1945 được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 3.  

Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh không chỉ trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào về quyền con người, quyền dân tộc thiêng liêng mà dân tộc Việt Nam đã anh dũng, kiên cường đấu tranh chống đế quốc và phong kiến tay sai gần thế kỷ, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà còn khẳng định với thế giới rằng: “Nước Việt có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1). Đây không chỉ là khát vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam mà còn là quyền “bất khả xâm phạm” của tất cả các dân tộc trên thế giới. Điều này đã được khẳng định hùng hồn trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp.  

Tôn trọng và kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định quyền độc lập dân tộc dựa trên công lý về quyền con người, khẳng định tư tưởng chủ đạo của bản Tuyên ngôn là độc lập, chủ quyền, tự do, dân chủ. Mục đích lớn nhất trong sự nghiệp cách mạng, trong cả cuộc đời 79 mùa xuân của Người là luôn trăn trở, tìm mọi cách khẳng định quyền đương nhiên mà dân tộc Việt Nam và nhân loại phải được hưởng. Trong đó, quyền con người và quyền độc lập dân tộc không thể tách rời nhau.  

Bản “Tuyên ngôn độc lập” đã ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam suốt chặng đường lịch sử gần thế kỷ với tinh thần kiên cường, gan góc, từ các phong trào nổi dậy của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đến các cao trào cách mạng của nhân dân đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đều hướng đến một mục tiêu cao nhất: Giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.   Bằng cách viết khéo léo, kiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mỹ, vừa kiên quyết nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng làm vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại của nước Pháp, nước Mỹ mà nhân dân hai nước đã đổ bao xương máu viết nên, nếu nhất định tiến quân xâm lược Việt Nam! Người đề cao tư tưởng chính trị chứa đựng trong những lời trích dẫn được ghi bằng chữ vàng trong lịch sử không chỉ của nước Mỹ, nước Pháp mà toàn nhân loại. Mặt khác, Người lên án những hành động xâm phạm, áp bức, chà đạp nhân quyền của bọn xâm lược. Qua đó, Người coi bản “Tuyên ngôn độc lập” của dân tộc mình như một thứ vũ khí pháp lý, ngoại giao sắc bén để chống lại kẻ thù, đồng thời mở ra bước đi đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được. Trong bối cảnh các thế lực thực dân, đế quốc không dễ gì chấp nhận một nước Việt Nam độc lập mà muốn tiêu diệt chính quyền cách mạng non trẻ của Việt Nam, Người đã dùng chính khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” mà kẻ thù đang lợi dụng trong công cuộc “khai hóa văn minh” ở Việt Nam cũng như ở các nước thuộc địa để khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc mình.  

Đọc “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc thấu hiểu bên trong tiếng nói của trí tuệ là tiếng nói của trái tim! Với tầm nhìn xa trông rộng, sự tiên đoán khoa học, sự nhạy cảm chính trị và thông hiểu tình hình thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Nước ta phải mất gần một thế kỷ, đổ bao máu xương mới giành được chính quyền. Nhưng để tất cả các nước trên thế giới công nhận nền độc lập mà ta vừa giành được còn khó gấp bội.  

Vào thời điểm ấy, thực dân Pháp đã và đang là kẻ thù chính, là mối đe dọa trực tiếp nền độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam nên Người hiểu rằng “mâu thuẫn giữa Anh - Pháp - Mỹ và Liên Xô có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương” (nhận định của Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ngày 15-8-1945). Đúng như nhận định, sau 21 ngày “Tuyên ngôn độc lập” ra đời, núp dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Nam bộ, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, sử dụng hai câu trích từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ và Pháp là một thâm ý sâu xa về chính trị, ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm quảng bá hình ảnh của một nước Việt Nam mới vừa giành được độc lập, tự do sau gần 100 năm chịu cảnh nô lệ; đồng thời khẳng định quyền độc lập, tự do là quyền bất khả xâm phạm của dân tộc ta trước toàn thế giới. Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lời lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn đầy cảm xúc. Đây là áng văn chính luận tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Người đối với dân tộc, nhân loại.  

“Tuyên ngôn độc lập” vừa là văn kiện chính trị quan trọng của dân tộc vừa là văn kiện lập quốc vĩ đại, chứa đựng những tư tưởng triết học, chính trị, pháp luật đặc sắc. Những tư tưởng của Người trong “Tuyên ngôn độc lập” không chỉ góp phần khai sinh ra nước Việt Nam mà còn là nền tảng, nguồn cổ vũ lớn lao để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chung sức đồng lòng viết nên những trang sử vĩ đại nhất ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vĩ đại ở thế kỷ XXI.  

Đã 66 năm trôi qua kể từ ngày 2-9-1945 khi bản “Tuyên ngôn độc lập” vang lên trên Quảng trường Ba Đình, lịch sử dân tộc ta đã sang trang mới, từng bước tạo ra thế và lực mới, vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong xu thế phát triển năng động ấy, bên cạnh những thuận lợi, dân tộc Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi mà kẻ thù luôn sử dụng những chiêu bài dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trước mọi thủ đoạn của kẻ thù, những lời suy rộng từ “Tuyên ngôn độc lập” năm nào lại vang lên: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do và “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
_______

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 4, tr.4.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất