Những kỷ niệm đời thường về đồng chí Lê Đức Thọ

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, tác giả Ngô Minh Giang, người có nhiều năm giúp việc đồng chí Lê Đức Thọ nhớ lại những câu chuyện cảm động về nếp sống thanh bạch, giản dị, tiết kiệm, phong cách đĩnh đạc rất gần gũi, thân thương của đồng chí Lê Đức Thọ, một người cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Chuyện về chiếc La-da

Hồi ấy Ban Tài chính Quản trị Trung ương mua về một số xe Vol-ga đời mới, có ý định thay xe cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí Lê Đức Thọ quen sống giản dị, không muốn dùng của công sang trọng, tốn kém. Suốt nhiều năm đồng chí chỉ dùng chiếc xe Lada màu sữa nhạt. Khi bàn về phân phối xe, đồng chí nói: Tại sao các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí trong Trung ương không đi xe Lada, vừa nhỏ, vừa đỡ tốn xăng? Xe Vol-ga giá đắt, lại tốn nhiều xăng (lúc đó xe Lada 90 ngàn rúp, xe Vol-ga là 120 ngàn rúp; xe Lada đi 100km/9 lít xăng, xe Vol-ga tốn 12-15 lít. Sau này, tôi thấy hầu hết các đồng chí Bộ Chính trị đều đi xe Lada như đồng chí Trường Chinh, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Đức Tâm… tấm gương ấy đã tác động tới nhiều đồng chí Trung ương. Chiếc xe Lada của đồng chí Lê Đức Thọ theo đồng chí đi đến cuối đời…

Tôi cũng thường được đồng chí dặn dò: Đi công tác địa phương đừng để phải đưa, đón. Vào năm 1985, đồng chí đi Huế thăm các di tích thời chống Mỹ, công an tỉnh bèn đưa xe cảnh sát dẫn đường, đồng chí đã yêu cầu thông báo là chỉ cần người dẫn đường đi cùng xe với đồng chí. Nhưng xe công an được lệnh bảo vệ vẫn đi theo. Nhiều lần đồng chí nói với lái xe của mình tìm cách đi đường khác. Khi về, đồng chí nói với các đồng chí ở địa phương: Nên tin vào dân và tìm cách khác để bảo vệ.

2. Trang phục

Đồng chí Lê Đức Thọ sống giản dị, là học trò của Bác Hồ về cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Khi tiếp khách nước ngoài, đồng chí mặc bộ quần áo may kiểu Tôn Trung Sơn, màu dạ tím, dáng vẻ lịch sự, đầy ấn tượng, phong cách ngoại giao lịch thiệp. Suốt nhiều năm, khi đi Pari, Trung Quốc, Liên Xô, Lào… tôi chỉ thấy ông mặc bộ đồ đó. Sau này, khi ông đi Liên Xô chữa bệnh, bộ phận Tài chính Quản trị Trung ương có đề nghị may thêm bộ đồ mới ông cũng không đồng ý. Những lần sang họp Bộ Chính trị hay đi công tác địa phương đồng chí mặc bộ đồ bằng vải kaki màu cỏ úa, đã qua nhiều năm nên bạc màu… Sau này, khi chúng tôi được giao biên soạn và xếp đặt tất cả những tài sản của ông để giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì chỉ thấy có bộ Tôn Trung Sơn ấy là sang nhất…

3. Phòng làm việc

Căn nhà đồng chí Lê Đức Thọ ở nằm trên đường Nguyễn Cảnh Chân. Căn nhà ấy có một phòng chính rộng 15m2 đồng chí làm phòng tiếp khách. Đồng chí Trường Chinh, Phạm Hùng, Tố Hữu, các bộ trưởng, các lão thành cách mạng, các cán bộ, người dân bình thường… đều được tiếp ở căn phòng đơn giản này, không có thảm, chỉ treo những bức tranh dân gian rất đẹp.

Tranh Lý Thường Kiệt, đứng giữa mây trời, núi sông, với mấy câu thơ bất hủ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,

Như hà, nghịch lỗ, lai xâm phạm,

Như đẳng hành khan, thủ bại hư.

Tranh Trần Hưng Đạo đeo gươm, tư thế lẫm liệt, hiện rõ khí phách anh hùng của vị tướng ba lần đánh bại quân Nguyên – Mông xâm lược.

Tranh Lê Lợi toát lên niềm tự hào, hùng khí đánh bại quân Minh xâm lược.

Tranh Nguyễn Trãi vẻ hiền hậu, nhân đức, văn võ song toàn, một lòng vì nước, vì dân, liêm khiết, anh minh.

Tranh Quang Trung hùng dũng hiện rõ khí phách trăm trận trăm thắng, thần tốc đánh đuổi 20 vạn quân Thanh.

Với đồng chí Lê Đức Thọ, những bức tranh mang phong cách dân gian ấy tựa như những bức tranh thờ tổ tiên, biểu hiện của tinh thần yêu nước, thương dân, của ý thức gìn giữ xây dựng đất nước.

4- Phong cách

Đồng chí Lê Đức Thọ có phong cách đĩnh đạc, giọng nói sang sảng, mạch lạc, khúc triết, nhất là khi nói chuyện ở các hội nghị lớn hay đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Pari. Ông dường như không biết mệt mỏi, giọng lúc nào cũng mạch lạc, dõng dạc, thu hút và thuyết phục người nghe. Nhiều lần ông nói suốt cả ngày về công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ (Chỉ thị 46) tại hội trường Ba Đình, hay nói  chuyện với cán bộ công an về 6 điểm cụ thể để thực hiện Nghị quyết 21 về an ninh quốc phòng. Ông thường lý giải sắc bén, có thực tế phong phú minh chứng nên thuyết phục người nghe. Còn nhớ, khi chuẩn bị Nghị quyết 21, ông đã đi khảo sát thực tế nhiều tháng trời lên tận biên giới, các điểm chiến lược ở địa đầu Tổ quốc. Bài thơ “Điểm tựa” đầy tình thương yêu người lính đã ra đời chính vào dịp này. Ông kể, nhờ những thực tế sinh động thu thập được đã giúp ông trình bày rõ vấn đề và đã tạo sự nhất trí cao khi Bộ Chính trị thông qua.

Đồng chí Lê Đức Thọ có tác phong làm việc khoa học, tuân theo chương trình kế hoạch ngày, tháng, quý… nên nếu đã hẹn gặp cán bộ, người dân, nhưng vì bận đột xuất, đồng chí yêu cầu thư ký báo cho người cần gặp yên tâm và hẹn nhất định gặp sau. Nếu đồng chí giao cho ai giải quyết, thì đồng chí trả lời cho người có yêu cầu gặp biết địa chỉ và yêu cầu nơi giải quyết phải trả lời cho đồng chí, sau bao ngày… Đồng chí rất nhớ công việc đã giao, sau một thời gian thường hỏi lại tình hình đã giải quyết. Tôi còn nhớ, khi biết tin con đồng chí T và con đồng chí 5x (đều là cán bộ lãnh đạo ở địa phương) làm ở tàu viễn dương (thời đó đi tàu viễn dương là nghề hái ra tiền), đồng chí giao cho thư ký truyền đạt ý kiến của mình là “đưa các cháu lên bờ” để gìn giữ uy tín và lòng tin của dân. Sau đó cứ một tháng đồng chí lại cho kiểm tra xem yêu cầu đã được thực hiện chưa.

Sáng nào đồng chí cũng nghe điểm các báo, thấy có vấn đề gì thì yêu cầu thư ký ghi ý kiến của mình để truyền đạt đến nơi cần giải quyết. Những vấn đề có liên quan tới cán bộ, nhất là những biểu hiện tham nhũng, đồng chí phát hiện rất nhanh, kịp thời yêu cầu kiểm tra, giải quyết.

Khi tuổi cao, sức yếu đồng chí hay đi dạo, tôi thường đi theo. Có lần đồng chí nói: Cháu xem, rồi đây lịch sử nước ta thế nào? Điều đó phụ thuộc một vấn đề lớn là nội bộ thượng tầng có đoàn kết hay chia năm xẻ bảy. Nếu điều đó xảy ra thì chế độ sẽ suy, dân sẽ khổ cực.

Đồng chí thân tình nói: “Đời mình chủ yếu là làm tổ chức đảng, kể từ Đại hội II đến nay là Đại hội VI, trong công tác khó khăn này, mà bố trí đúng 70% số cán bộ là hạnh phúc lắm. Trong các nghề lãnh đạo thì nghề làm cán bộ là khó nhất, người làm cán bộ trước hết phải có cái tâm”.

Bảy mươi chín tuổi, 60 năm hoạt động cách mạng, với nhiều bệnh tật, cuối đời bệnh ung thư dày vò đồng chí. Nhưng nhiều lần tôi vào thăm, đồng chí rất bình tĩnh, không kêu rên, rất tỉnh táo và đón chờ cái chết như là một quy luật. Khi bệnh tật đau đớn tột cùng, ông đã bình tĩnh nói với bà:

“Em thương anh thì để anh ra đi…”

Thương ông, hiểu ông, bà đồng tình ý nguyện của ông… Khi bác sĩ bỏ tất cả các phương tiện… ông ra đi từ từ, êm ả …

5. Ngôi nhà và cây nhãn

Trên đường Nguyễn Cảnh Chân yên tĩnh, có một ngôi nhà nhỏ, kiến trúc theo kiểu Pháp. Thời Pháp thuộc, ngôi nhà nằm trong khuôn viên Trường Am-be-sa-rô. Sau giải phóng Thủ đô ngôi nhà trở thành nhà công vụ, nằm trong khuôn viên Văn phòng Trung ương.

 Trước cửa sổ hai căn phòng tầng một, cây nhãn đã có tán lớn, giữa khoảng sân hẹp, được lát bằng những tấm bê tông vuông vắn, nhỏ nhắn, tạo nên sự mộc mạc, hài hòa, giản dị.

Những lúc thư giãn sau một ngày làm việc, sau một thời gian đi xa, những lúc suy ngẫm điều hệ trọng của Đảng, Nhà nước… đồng chí Lê Đức Thọ thường dạo quanh cây nhãn. Cây nhãn còn đấy, như người bạn thân chứng kiến, ghi đậm bao tâm tình, suy tư của đồng chí Lê Đức Thọ. Đã 20 năm rồi, nhà đã có người khác làm việc, mỗi khi có dịp đi qua, tôi bồi hồi nhớ những kỷ niệm xưa…

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất