Lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn liền với nhiều tên tuổi kiệt xuất. Họ đã góp phần làm rạng rỡ núi sông, tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đón xuân mới Ất Mùi, “lắng hồn núi sông ngàn năm”, chúng ta cùng điểm lại tên tuổi và sự nghiệp của danh nhân Việt Nam tuổi Mùi.
Lý Thường Kiệt (1019-1105)
Lý Thường Kiệt sinh năm Kỷ Mùi, tên thật là Ngô Tuấn, được vua nhà Lý ban họ, lấy tên là Lý Thường Kiệt. Ông người làng An Xá, huyện Quảng Đức, sau dời về phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Ông là một danh tướng trải qua ba triều vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, là người có công đầu trong việc đánh bại quân Tống năm 1075-1077 với trận quyết chiến chiến lược trên dòng sông Như Nguyệt. Ông là một vị tướng nổi tiếng trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam.
Trần Bình Trọng (1259-1295)
Trần Bình Trọng vốn họ Lê, dòng dõi Lê Đại Hành, tổ phụ làm quan cho nhà Trần, có nhiều công trạng, được mang họ vua. Ông sinh năm Kỷ Mùi. Năm 1285, quân Nguyên- Mông sang xâm chiếm Đại Việt, ông được quyền coi giữ phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Khi giặc đánh xuống, vì lực lượng yếu, ông bị giặc bắt, mặc dù tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, dọa nạt, dụ dỗ nhưng ông kiên quyết không phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Đó là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm, trở thành biểu tượng tinh thần bất khuất của mỗi người con đất Việt.
Nguyễn Phi Khanh (1335-1428)
Nguyễn Phi Khanh sinh năm Ất Mùi, đỗ Thái học sinh (tiến sĩ ) năm 19 tuổi, ra làm quan dưới thời Hồ Hán Thương, là thân sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Quân Minh sang xâm lược năm 1407 khiến đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, Nguyễn Phi Khanh bị Trương Phụ bắt và giải về Trung Quốc. Khi đó, Nguyễn Trãi đã khóc chạy theo cha đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh dặn dò con trai: quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đại hiếu. Ông còn để lại rất nhiều áng thơ văn trong tuyển tập văn học Việt Nam.
Trịnh Huệ (1703-?)
Trịnh Huệ còn gọi là Trịnh Tuệ, hiệu Cúc Tâm, người làng Bất Quần (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ông sinh năm Quý Mùi, đỗ Trạng nguyên năm 1736, làm quan đến tế tửu Quốc Tử Giám. Là dòng dõi cháu chắt của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng nên khi ông thi đỗ, bị dư luận cho là có sự dựa dẫm. Ông đã tổ chức một cuộc gặp gỡ ở Kinh Đô cho mọi người chất vấn mình. Kết quả là ông giải đáp được bất cứ câu hỏi nào trên mọi lĩnh vực. Trịnh Huệ là vị Trạng nguyên cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam, sau ông không có danh hiệu Trạng nguyên nữa.
Nguyễn Khuyến (1835-1909)
Nguyễn Khuyến quê ngoại làng Văn Khế (ý Yên, Nam Định), sau về sống ở quê nội làng Yên Đổ (Bình Lục, Hà Nam), đỗ đầu ba khoá: Thi hương, thi hội, thi đình nên người ta gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Ông sinh năm Ất Mùi, được bổ làm quan ở nhiều nơi: Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, rồi lên Tổng đốc Sơn Hương Tuyên. Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực. Ông làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn, nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được. Nguyễn Khuyến dường như bất lực, không thể làm gì để thay đổi thời cuộc nên ông đã cáo quan về dạy học ở quê nhà. Ngày nay, trong dân gian còn lưu lại nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông còn là người có tâm hồn rộng mở, để lại nhiều áng thơ giàu cảm xúc trước cuộc sống và thiên nhiên.
Phan Đình Phùng (1847-1895)
Phan Đình Phùng sinh ra trong một gia đình nho học ở làng Đông Thái, xã Châu Phong (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông sinh năm Đinh Mùi, đỗ tiến sĩ, làm quan thời Tự Đức. Ông nổi tiếng về tính cương trực, nhiều lần tố cáo các việc làm khuất tất của quan lại trong triều. Vì chống cường quyền nên ông bị cách chức, lui về quê ở ẩn. Năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu cả nước đứng lên đánh Pháp, Phan Đình Phùng tích cực tham gia và là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê - khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp dùng mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, thậm chí còn lợi dụng các cộng sự như Lê Kinh Hạp, Hoàng Cao Khải viết thư lấy tình xưa, nghĩa cũ để khuyên hàng, nhưng trước sau ông vẫn một mực cự tuyệt. Người Pháp lại dùng Nguyễn Thân và những cộng sự khác ra sức đàn áp, bắt thân nhân và khai quật mồ mả tổ tiên ông, vẫn không làm ông sờn lòng. Phan Đình Phùng xứng đáng là một danh sĩ của đất Hồng Lam văn hiến.
Hàm Nghi (1871-1943)
Hàm Nghi là hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh năm Tân Mùi, tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, từ nhỏ sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ ruột. Ông lên ngôi khi 13 tuổi. Mặc dù còn ít tuổi nhưng Ưng Lịch đã sớm thể hiện ý định chống Pháp. Được sự phò trợ của Tôn Thất Thuyết, năm 1885 Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống Pháp. Năm 1888 ông bị thực dân Pháp bắt, chúng dùng thủ đoạn ngon ngọt, dụ dỗ song không thành công. Chúng đày vua Hàm Nghi sang An-giê-ri (châu Phi).
Lê Duẩn (1907-1986)
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 tại xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị), trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước. Là người sớm có ý thức giác ngộ lý tưởng cách mạng, Lê Duẩn tham gia Đảng Tân Việt năm 1928, trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Qua các giai đoạn cách mạng, đồng chí đều giữ các vị trí quan trọng trong Đảng, hoạt động cách mạng kiên trung, đồng chí bị địch bắt, kết án tù nhiều năm và lần lượt bị giam ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Duẩn trong cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Với dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam năm 1956, Lê Duẩn thực sự là một tổng công trình sư, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển, cụ thể hóa và hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất. Đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng thời gian tại vị lâu nhất với hơn 25 năm.
Trường Chinh (1907-1988)
Đồng chí Trường Chinh tên chính là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường (nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều phong trào đấu tranh yêu nước.
Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 8-1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí là một trong những người đặt nền móng cho công cuộc Đổi mới (1986).
Đồng chí Trường Chinh xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.
Thế Lữ (1907-1989)
Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, quê làng Phù Đổng (Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh năm Đinh Mùi trong một gia đình viên chức nghèo. Từ năm 1932, ông tham gia nhóm Tự lực văn đoàn, viết bài cho các báo Ngày nay, Phong hóa, Tiểu thuyết thứ bảy… Từ năm 1937, hoạt động sân khấu, làm đạo diễn, diễn viên trong các ban kịch Tinh hoa, Anh Vũ ở Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, là ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật đoàn sân khấu Việt Nam, về sau phụ trách đoàn kịch Chiến thắng của quân đội. Từ năm 1957 Thế Lữ là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong và có công đầu với phong trào Thơ mới.
Nguyễn Thị Kim Dung (sưu tầm)