Huyện ủy Krông Pắc (Đắk Lắk) lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phát biểu tại hội nghị sơ kết 9 tháng xây dựng nông thôn mới.

Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) có 16 xã, thị trấn, với 284 thôn, buôn, tổ dân phố, huyện có 23 dân tộc chung sống, dân tộc thiểu số chiếm 34,7%, đồng bào có đạo chiếm 23,2%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 10,15%.

Nhận thức rõ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của huyện đã tích cực triển khai kế hoạch, biện pháp thiết thực, đưa các chủ trương, chính sách, nội dung xây dựng nông thôn mới vào thực tiễn, được đông đảo nhân dân góp sức thực hiện và đã đạt nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến trong phát triển nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được nâng lên.

Huyện ủy Krông Pắc đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 1-4-2011“về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Thành Ban chỉ đạo, Tổ điều phối, Ban quản lý và Ban phát triển từ huyện đến thôn, buôn. Nội dung Nghị quyết 04 của Huyện ủy đã được UBND huyện cụ thể hoá bằng kế hoạch; các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn cơ sở thực hiện. Các cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo thống nhất trong nhận thức và hành động, đồng thuận trong xã hội, phát huy tính chủ động, khắc phục khó khăn thực hiện thắng lợi Chương trình, đồng thời xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Đến tháng 12-2014, huyện có 2 xã đạt 17 tiêu chí (xã Ea Kly và Hòa Đông), 1 xã đạt 15 tiêu chí (xã Ea Kuăng), 1 xã đạt 13 tiêu chí (xã Hòa An), 2 xã đạt 12 tiêu chí (xã Tân Tiến, Ea Phê), 1 xã đạt 11 tiêu chí (xã Ea Kênh); 1 xã đạt 10 tiêu chí (xã Ea Yông); 7 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (gồm các xã Krông Buk, Ea Knuếc, Ea Hiu, Hòa Tiến, Vụ Bổn, Ea Uy, Ea Yiêng). Không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí. Đây là kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng để các xã tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới.

Qua triển khai, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, lập và thẩm định đồ án, đề án xây dựng nông thôn mới ở cấp xã được 15/15 xã (đạt 100%). UBND huyện đã ban hành Kế hoạch xây dựng xã Ea Kly và Hòa Đông hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào tháng 6-2015. Đồng thời chủ động điều chỉnh một số tiêu chí trong nghị quyết xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn địa phương, như: điều chỉnh chỉ tiêu số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 từ 5 xã xuống còn 2 xã (Ea Kly và Hòa Đông); điều chỉnh chỉ tiêu số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 từ 8 xã xuống còn 5 xã.

Qua 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ hơn và từng bước hiện đại; có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất phát triển hợp lý, xã hội nông thôn ổn định, an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; việc học hành, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phục vụ các nhu cầu về sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư nông thôn tốt hơn, bộ mặt nông thôn đổi thay đáng kể. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Krông Pắc còn bộc lộ những hạn chế: Công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết và bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn hình thức; việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn ở một số xã chưa sát với thực tế; việc hướng dẫn lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới chưa tốt dẫn đến chất lượng đồ án, đề án chưa cao, chưa sát với tình hình thực tế của một số địa phương. Một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế về chuyên môn, chưa hiểu sâu nội dung và phương châm thực hiện Chương trình, còn trông chờ vốn đầu tư; tiến độ giải ngân chậm…

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Krông Pắc xác định tập trung triển khai những giải pháp trọng tâm sau:

1- Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, nêu và nhân rộng kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, mô hình sản xuất có hiệu quả, các điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.

2- Tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao hơn nữa vai trò người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong lãnh đạo tổ chức thực hiện. Gắn với cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’ với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ điều phối cấp huyện, ban quản lý cấp xã và ban phát triển các thôn, buôn. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hành cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, trọng tâm là cán bộ xã, thôn, buôn.

3- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn lồng ghép khác; ưu tiên bố trí ngân sách huyện hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Tranh thủ sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư nâng cấp thêm cơ sở vật chất ngành giáo dục để các trường ở khu vực nông thôn có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Lồng ghép các nguồn lực để sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời tiếp tục vận động nhân dân tự chỉnh trang nhà ở, đảm bảo phù hợp, thuận tiện cho việc sinh hoạt, cải tạo nâng cấp những công trình cũ và xây mới các công trình đảm bảo vệ sinh môi trường…

4. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng đến chất lượng dạy nghề và công tác hướng nghiệp cho người dân nông thôn; gắn công tác đào tạo nghề với các đề án tạo việc làm, đề án giảm nghèo nhằm nâng cao mức thu nhập cho dân cư nông thôn và tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, tập trung ưu tiên cho các xã điểm.

5- Kịp thời biểu dương, khen thưởng, vinh danh những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Chương trình một cách có hiệu quả. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất