Xây dựng Đảng về văn hóa gắn với xây dựng đạo đức xã hội
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không riêng Việt Nam, bất kỳ đất nước nào muốn phát triển mạnh và bền vững đều cần phải có một bộ tham mưu chân chính có trí tuệ, phẩm chất và năng lực.

Lâu nay, khi nói về xây dựng Đảng, các văn bản, tài liệu, ý kiến thường nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thực tế đã có không ít người hiểu sai rằng: Xây dựng Đảng về chính trị tức là Đảng phải nắm giữ cho chắc quyền lực; xây dựng Đảng về tư tưởng tức là mọi đảng viên phải nghĩ, nói, viết theo lãnh đạo bất kể đúng hay sai; xây dựng Đảng về tổ chức tức là mọi đảng viên phải hành động theo lãnh đạo (tất nhiên đây chỉ là số ít, còn nhiều người vẫn hiểu xây dựng Đảng về tổ chức là về công tác tổ chức bộ máy, tổ chức - cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ...). Hệ quả của tư duy ấy dẫn đến chăm lo quyền lực và tạo ra một tập thể thụ động, không có sự chủ động của từng người, mất năng lực tư duy độc lập và khả năng tự chủ, sáng tạo, Đảng trở thành xơ cứng, mất sức sống, không thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Ta thường nói, viết nhiều xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, ít thấy nói xây dựng Đảng về góc độ văn hóa. Phải chăng không cần? Chắc chắn không phải, chỉ có điều phải hiểu vấn đề văn hóa thông qua chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hiểu như thế không sai, vì trong chính trị, tư tưởng, tổ chức đều có văn hóa. Tuy nhiên, theo tôi, đúng hơn, một mặt, không được hiểu sai việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức như đã nói ở trên, mặt khác, cần phải nhấn mạnh việc xây dựng văn hóa Đảng. Nội hàm của vấn đề này rất rộng và phong phú, tôi chỉ xin nêu ý kiến về một số vấn đề sau đây để bạn đọc tham khảo. Văn hóa là những giá trị (chân, thiện, mỹ) do con người sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách. Văn hóa thuộc về con người, của con người, là chất người, tính người. Đảng là của con người, do con người, mà là những con người tiên tiến. Vì vậy, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất.

Trước đây, khi chưa giành được chính quyền, Đảng chưa có quyền lực, thậm chí luôn bị quyền lực truy đuổi, tiêu diệt, sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện bằng các giá trị văn hóa. Đó là chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng người, những tấm gương mẫu mực về nhân cách. Hồ Chí Minh khẳng định Đảng là đạo đức và văn minh. V.I.Lê-nin khẳng định Đảng là trí tuệ, danh dự và lương tâm. Đạo đức, văn minh, trí tuệ, danh dự, lương tâm đều là phạm trù của văn hóa. Qua đó, có thể hiểu, chính V.I.Lê-nin và Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất của Đảng trước tiên và quan trọng nhất là văn hóa.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội, cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền tảng. Tất nhiên, văn hóa rất rộng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định phải xây dựng Đảng trong sạch, sau này có thêm cụm từ vững mạnh. Trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Không trong sạch thì chắc chắn không thể vững mạnh. Trong sạch cũng chính là văn hóa. Trong sạch là không có mầm bệnh từ bên trong. Trong sạch nhân dân mới tin vào sự chân chính. Được nhân dân tin yêu mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho chiến thắng và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả.

Để có một Đảng trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Điều đó phải chứng minh bằng hành động cụ thể. Trong thực tế lịch sử, hàng chục vạn đảng viên, cán bộ của Đảng đã hy sinh, vào tù, hiên ngang ra chiến trường và bước lên pháp trường trong sáng vô tư vì nghĩa lớn được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, tự nguyện đi theo, tự nguyện thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để “lợi ích nhóm”, tiêu cực tha hóa, thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được lâu dài vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu ngược lại thì vai trò lãnh đạo của Đảng tất yếu sẽ giảm dần, mất dần và cuối cùng không còn nữa, chẳng phải do ai phá, tự mình tan rã và ngã đổ.

Tiếp theo mục đích phục vụ nhân dân, giữ vững tính chân chính của Đảng là việc thường xuyên chăm lo phát triển, làm giàu trí tuệ của Đảng - Bộ Tổng tham mưu của dân tộc. Thế giới đang phát triển nhanh, mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp. Trí tuệ ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Trí tuệ là sức mạnh lớn nhất mà con người có được để trở thành chúa tể của muôn loài, trở thành chủ nhân của vũ trụ. Trí tuệ ngày càng trở thành “quyền lực” vạn năng. Bộ tham mưu của một dân tộc nhất định phải có trí tuệ cao, thông minh, sáng tạo, liên tục động não, liên tục cập nhật kiến thức của nhân loại và dân tộc, liên tục tư duy, không để nghèo nàn, xơ cứng, tụt hậu về trí tuệ. Khi có một Đảng chân thành, khiêm tốn, giàu năng lực trí tuệ, làm được chức năng khai hóa văn minh cho dân tộc thì nhất định nhân dân sẽ tin yêu và tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng.

Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ, đảng viên thoái hóa, “lợi ích nhóm” hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to càng phản cảm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, là sự gương mẫu của đội ngũ này. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.

Thực hiện tốt việc xây dựng Đảng về văn hóa đảm bảo cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, đồng thời chắc chắn Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo lâu dài của Đảng. Nếu Đảng bị suy đồi về văn hóa thì chắc chắn chúng ta sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại.

Nhìn lại lịch sử nước nhà, các triều đại phong kiến Việt Nam lúc đầu được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ lên cầm quyền, lập được công tích lớn. Nhưng sau đó thoái hóa, giảm lòng tin ở nhân dân, cuối cùng bị nhân dân oán trách, căm ghét và dẫn đến sụp đổ. Triều đại sau lên thay thế và cũng lặp lại như vậy. Liên Xô cũng thế, lúc đầu được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, làm được nhiều việc lớn lao, nhưng sau đó thoái hóa và dẫn đến đổ ngã. Vậy là, quyền lực luôn có mặt trái là làm tha hóa những con người nắm giữ quyền lực nếu như họ không đủ nhân cách, tức là không đủ độ chín về văn hóa và nếu xã hội không có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát quyền lực.

Việc phát hiện và sử dụng nhân tài luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất để bảo đảm sự hưng thịnh. Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở nơi bìa rừng, ở nơi đồng nội, và họ ẩn dật, không đem ngọc bán rao - đó là cách nói của Nguyễn Trãi. Công việc của người làm công tác cán bộ là phải tâm huyết, hết lòng, đi sâu đi sát, lắng nghe chăm chú và tìm hiểu công phu để phát hiện nhân tài và tìm cách sử dụng họ vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, không thể ngồi chờ. Nhìn lại lịch sử nước ta thời phong kiến, nhiều lần khi Tổ quốc lâm nguy nhân tài tự tìm về hội tụ dưới cờ nghĩa để giúp nước, đến khi thắng lợi, hòa bình thì dần dần nhân tài lại thưa vắng trong triều chính, trong khi đó kẻ cơ hội thì tìm mọi cách chui sâu, leo cao, gây hại. Cần phải hết sức cảnh giác điều này. Cần dành nhiều công sức để nghiên cứu, ban hành cơ chế tuyển chọn, sử dụng cán bộ một cách khoa học và hiệu quả. Cơ chế tốt sẽ khách quan, chọn được những cán bộ có đức, tài.

Sĩ phu nói chung, nhân tài nói riêng, thường là những người có tính cách riêng, có tư duy độc lập, kể cả những suy nghĩ “không giống Thánh thượng”, và “những lời nói thẳng” để thể hiện chính kiến của mình chứ không thích “làm cảnh” hay nịnh nọt (như Ngô Thì Nhậm có lần nói với Nguyễn Huệ). Mà “trung ngôn thì nghịch nhĩ”, vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo phải rất khách quan, cầu thị và có đủ bản lĩnh, năng lực lắng nghe, phải biết “lấy lễ mà đãi” như cách nói của Nguyễn Trãi, thì mới sử dụng được nhân tài.

Trong công tác cán bộ phải luôn cảnh giác và luôn khắc phục khuyết điểm từ sự tác động bởi mặt trái của tư tưởng phong kiến và mặt trái của cơ chế thị trường. Đã có tình trạng chọn người là đệ tử, cùng phe cánh, trung thành, biết phục vụ, cung phụng cho cá nhân mình, mua quan bán chức. Đó chính là biểu hiện mặt trái của tư tưởng phong kiến và cơ chế thị trường. Toàn Đảng cần phải có quyết tâm chính trị để sửa chữa và ngăn ngừa để Đảng không bị suy thoái.

Đồng thời với việc xây dựng Đảng về văn hóa cần tập trung lãnh đạo, chăm lo xây dựng đạo đức xã hội. Đảng tồn tại trong xã hội, luôn chịu sự tác động hằng ngày, hằng giờ từ xã hội và luôn tác động trở lại xã hội. Sự tác động qua lại ấy, giữa Đảng và xã hội, có thể tích cực và cũng có thể tiêu cực, tùy thuộc vào Đảng tốt, môi trường xã hội tốt hoặc chưa tốt, không tốt. Trong mối quan hệ tác động qua lại ấy, Đảng phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không đổ lỗi cho xã hội, vì Đảng lãnh đạo, phải đủ dũng cảm và bản lĩnh để đối mặt với sự thật khách quan, nhằm tìm cách cải tạo nó.

Những năm qua, đạo đức xã hội có nhiều mặt suy thoái lo ngại, thậm chí có mặt nghiêm trọng, đáng báo động. Tình trạng đạo đức xã hội sa sút có nhiều nguyên nhân. Rất đáng lưu ý là hệ giá trị bị đảo lộn về vị trí, thang bậc. Nhân cách đáng ra phải luôn ở vị trí hàng đầu, trung tâm thì trong nhiều trường hợp đã xuống hàng thứ yếu, trong khi đồng tiền lại lên ngôi, chi phối nhiều mặt, nhiều việc. Vì tiền, con người ta đã vi phạm đạo đức, kể cả làm việc ác. Nhưng vì sao mà hệ giá trị lại bị đảo lộn? Đương nhiên có lý do từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng không thể đổ lỗi cho cơ chế ấy, bởi vì nó là vậy, có nhiều mặt tích cực, tạo động lực phát triển, sự lựa chọn cơ chế thị trường là đúng, có một số mặt tiêu cực cần phải phòng tránh. Khuyết điểm đáng lưu ý là khi bước vào kinh tế thị trường, chúng ta chưa lường hết sự phức tạp, tác hại và nhất là chưa có giải pháp hữu hiệu chủ động phòng tránh để hạn chế tác hại của nó. Nói cách khác, chưa tạo ra và thực hiện được những cơ chế quản lý hữu hiệu để hạn chế tác hại bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Mặt khác, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường lại trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền. Nhiều cán bộ, đảng viên có quyền lực, được giao quản lý tài nguyên, tài sản, tài chính, dự án và các mặt quan trọng của đời sống xã hội. Mặt trái quyền lực làm tha hóa con người khi không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực, để lựa chọn cán bộ có “đức trọng” mới giao “quyền cao”, để giám sát người có chức, quyền, dù lớn hay nhỏ. Khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường cộng hưởng với mặt trái của cơ chế quyền lực như hai con ngựa bất kham, trong khi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát còn nhiều sơ hở, khiếm khuyết; việc tự rèn luyện nhân cách của từng người không thường xuyên liên tục, không gương mẫu, tức là chưa đủ độ chín về văn hóa; còn khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, liêm sỉ, trong lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ.

Để phòng tránh và khắc phục những hạn chế trên, việc trước tiên là tiếp tục nhận thức sâu hơn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị. Đại văn hào Mắc-xim Goóc-ky đã nói, đối với ông, khi văn hóa lâm nguy còn đáng sợ hơn là Tổ quốc lâm nguy. Về sâu xa, ông nói đúng. Nếu Tổ quốc lâm nguy mà văn hóa còn bền vững thì người ta sẽ giữ được Tổ quốc, lấy lại được Tổ quốc khi đã mất; còn nếu văn hóa lâm nguy thì chẳng những mất Tổ quốc mà còn mất cả dân tộc.

Tiếp theo nhận thức là hành động. Phải có quyết tâm cao và hành động thiết thực, bền bỉ. Lấy việc xây dựng con người-nhân cách làm trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng văn hóa. Đồng thời xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, cộng đồng làng, phố đến việc xây dựng văn hóa trong chính trị, nhất là nhân cách người lãnh đạo, sử dụng nhân tài và kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa trong kinh tế, nhất là cơ chế quản lý đủ hiệu lực khống chế tác hại từ mặt trái của cơ chế thị trường. Các hoạt động văn hóa được tổ chức hiệu quả, giàu tính nhân văn nhằm gìn giữ, bồi đắp, sáng tạo và lan truyền các giá trị. Giáo dục, văn học, nghệ thuật, truyền thông là những công việc quan trọng bậc nhất trong các hoạt động văn hóa cần được tổ chức một cách rất khoa học, phù hợp quy luật văn hóa và quy luật tâm sinh lý con người, bảo đảm chất lượng và hiệu quả thiết thực, bền vững.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất