Tuổi Giáp Tuất
Lý Công Uẩn (974-1028) là vị vua sáng lập vương triều nhà Lý trong lịch sử nước ta. Ông quê ở ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, tài năng, văn võ song toàn. Ông làm quan cho nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân thị vệ Điện tiền Chỉ huy sứ - một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô. Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mất, quần thần trong triều hội bàn suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Lý Công Uẩn lên làm vua, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Năm 1010, ông xuống chiếu rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La và đổi tên là Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Ông là vị vua nhân từ, chăm lo việc nước, thương yêu nhân dân. Trong những năm trị vì, ông chăm lo việc xây dựng vương triều, ổn định tình hình chính trị, củng cố thống nhất, phát triển kinh tế, văn hóa. Vốn xuất thân Phật giáo, ông trọng đãi tăng sĩ, chú trọng việc xây dựng và tu sửa chùa chiền, cho đúc nhiều chuông ở kinh thành và các nơi trong cả nước. Ông ở ngôi cho đến khi mất vào năm 1028, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.
Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là một nhà tư sản dân tộc nổi tiếng những năm đầu thế kỉ XX. Ông họ Đỗ, người làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Nhà nghèo, cha mất sớm, ông được một gia đình họ Bạch nhận làm con nuôi nên đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch. Ông đứng đầu Công ty Bạch Thái Bưởi ở Hải Phòng, chuyên kinh doanh giao thông đường thủy, cạnh tranh cùng tư sản nước ngoài. Ông được người đương thời gọi là “Chúa sông Bắc kỳ”, “Vua tàu thủy”. Ông cũng đầu tư vào khai thác than, được gọi là “Vua mỏ”. Ngoài ra, ông còn kinh doanh trên một số lĩnh vực khác như xay xát gạo, xây nhà máy nước, mua bán bất động sản... Trên lĩnh vực văn hóa, ông lập nhà in lớn ở Hà Nội mang tên “Đông Kinh ấn quán”, ra báo Khai Hóa cổ động cho phong trào thực nghiệp. Ông được coi là một trong 4 người giàu có nhất nước ta hồi đầu thế kỷ XX. Từ hai bàn tay trắng và chí làm giàu mà dựng nên cơ nghiệp, Bạch Thái Bưởi được coi là một doanh nhân kiệt xuất trong lịch sử nước ta, một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự cường dân tộc.
Tuổi Nhâm Tuất
Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị vua nổi tiếng anh minh thời Hậu Lê. Ông tên thật là Lê Tư Thành, lên ngôi năm 1460, đặt niên hiệu hai lần là Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), trị vì đến năm 1497. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt, được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam và có sức ảnh hưởng toàn khu vực Đông Nam Á. Ông còn là nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng. Ông lập ra Hội Tao đàn, sáng tác nhiều thơ văn, để lại nhiều tác phẩm có giá trị gồm thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm và văn xuôi. Ông được coi là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ thời Nguyễn, nhân dân thường gọi là Uy Viễn tướng công. Năm 1819, ông thi đỗ Giải nguyên, được bổ làm quan, trải nhiều cương vị khác nhau, thăng giáng nhiều lần, như ông đã tổng kết trong một câu đối: “Quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen”. Ông là vị quan thanh liêm, chính trực, một võ tướng thao lược, nhà khẩn hoang tài năng. Ông được vua cử làm Doanh điền sứ, có công lớn trong việc tổ chức khai hoang vùng ven biển, lập nên huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và mở rộng nhiều vùng đất khác ở ven biển phía bắc. Ông còn là một nhà thơ xuất chúng, cũng là người đưa thể ca trù (hát nói) đến hoàn chỉnh. Năm 1858, khi giặc Pháp xâm lược nước ta, dù đã tám mươi tuổi, ông vẫn dâng sớ xin đi đánh giặc. Đến nay trong nhân dân vẫn còn nhiều giai thoại thú vị về cuộc đời, sự nghiệp và phong cách sống độc đáo của Nguyễn Công Trứ.
Đỗ Nhuận (1922-1991) quê ở Hải Dương. Ông là một nhạc sĩ tham gia hoạt động cách mạng và từng bị địch bắt giam, tù đày. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia quân đội, có nhiều sáng tác gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957, là Tổng Thư ký Hội trong nhiều năm. Ông là tác giả của nhiều ca khúc, tác phẩm nhạc kịch, các bản khí nhạc nổi tiếng và là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết ô-pê-ra. Nhiều bài hát của ông đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng như: Du kích sông Thao, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Việt Nam quê hương tôi, Trông cây lại nhớ đến Người... Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người đặt nền móng cho âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật và nhiều huân, huy chương, giải thưởng khác.
Tuổi Canh Tuất
Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, quê ở Thanh Xuân, Hà Nội, sinh ra tại Vinh, Nghệ An. Đồng chí là một nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 17 tuổi gia nhập Hội Hưng Nam, sau đổi tên là Tân Việt Cách mạng Đảng. Năm 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc) làm việc tại văn phòng Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1935 là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và học tập tại Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Tại đây, Nguyễn Thị Minh Khai kết hôn với Lê Hồng Phong - một chiến sĩ cách mạng, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1936, đồng chí về nước tham gia Xứ ủy Nam kỳ và là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 7-1940, sau khi họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí bị địch bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, bị tra tấn tàn bạo nhưng đồng chí vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình đồng chí ngày 28-8-1941. Nguyễn Thị Minh Khai là tấm gương về một nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tạ Quang Bửu (1910-1986) là nhà toán học, nhà hoạt động khoa học và giáo dục nổi tiếng. Ông quê ở Nam Đàn, Nghệ An, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông du học ở Pháp, Anh, có bằng toán học cao cấp của Pháp, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Khi về nước, ông tham gia giảng dạy và chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách: Bộ trưởng Quốc phòng, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Giám đốc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông có nhiều đóng góp trong việc cải cách nền giáo dục nước nhà và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trần Đăng Ninh (1910-1955) tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, sinh ra ở Ứng Hòa, Hà Nội. Đồng chí đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1936 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia Thành ủy Hà Nội và Xứ ủy Bắc kỳ. Hai lần bị thực dân Pháp bắt giam nhưng đều tìm cách vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, Trần Đăng Ninh phụ trách công tác căn cứ địa, được cử làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tham gia Tổng Quân ủy, phụ trách Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng). Bị bệnh và mất năm 1955. Là người công minh, chính trực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Quân công hạng Nhì, Chiến thắng hạng Nhất, truy tặng Huân chương Sao vàng.
Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) là một luật sư tài năng, uy tín, một trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng trong nước cũng như trên thế giới. Năm 1948, đồng chí tham gia Mặt trận Liên Việt, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Lo sợ trước ảnh hưởng của Nguyễn Hữu Thọ đối với phong trào yêu nước của trí thức Việt Nam, chính quyền Pháp bắt giam đồng chí từ tháng 6-1950 đến tháng 11-1952. Sau đó, Nguyễn Hữu Thọ tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình, là Phó Chủ tịch Phong trào hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1954, đồng chí bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, sau khi được lực lượng cách mạng giải thoát, đồng chí ra vùng chiến khu tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1962, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập vào tháng 6-1969, đồng chí giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn. Đất nước thống nhất, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước, quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII, VIII. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Trương Thị Nguyệt (Tổng hợp)