Doanh nhân Việt kiều Ca-na-đa Nguyễn Hoài Bắc từng trải lòng về “triết lý kinh doanh” của mình là “kiếm tiền một cách mềm mại”, tức là nghĩ nhiều về người khác chứ không chỉ chăm chăm cho bản thân, là kiếm tiền gắn với trách nhiệm cộng đồng chứ không phải kiếm tiền bằng mọi giá. Hơn nữa, trong tác phẩm “Một đảng, tại sao không?” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử ngày 19-7-2021, ông viết: “Một đảng, nếu như làm tốt, lắng nghe ý kiến phản biện tích cực của người dân, của doanh nhân, của các nhà khoa học, chuyên gia để lấy quyền lợi, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân là tối thượng thì tại sao không?”. Hôm nay, trò chuyện cùng ông trong ngày cuối năm nhiều bộn bề mới thấy lý tưởng của ông, đích đến của ông thật cao đẹp, đó là khát khao được đóng góp công sức, trí tuệ và tiền bạc cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Mất ý chí tiến thủ mới đáng lo!
Không khó để tìm doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc trên Google. Khi thì thấy báo chí đưa tin ông làm từ thiện ở một địa phương hay ở nơi nào đó; khi thì thấy ông nhường trường nghề của doanh nghiệp mình để làm nơi cách ly cho bệnh nhân F0; khi thì thấy ông đóng góp tiền cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống COVID-19… Ông nói, cứ chỗ nào khó khăn cần sự giúp đỡ là ông có mặt. Cuộc sống hiện tại sung túc, đủ đầy nhưng ông vẫn không quên được những năm tháng cực nhọc nơi xứ người, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Năm 1988, ông quyết rời quê hương để tìm đến “miền đất hứa” và quốc gia nằm ở cực Bắc của Bắc Mỹ - Ca-na-đa chính là “miền đất hứa” ấy. Sự thực không dễ dàng như ông tưởng. Ông kiếm sống ban đầu bằng nghề rửa chén bát thuê và phải nói ông là một trong số ít người Việt có sức chịu đựng giỏi trong cuộc mưu sinh đầy cay đắng và cơ cực ở xứ người.
Nhưng rồi với ý chí, quyết tâm và nỗ lực, chỉ sau 3 năm ở đất khách, ông đã mở Công ty A Dong Travel International, chuyên làm dịch vụ xuất nhập cảnh và nhập khẩu áo quần từ Việt Nam sang bán ở thị trường Ca-na-đa. Công việc làm ăn đi vào ổn định, năm 2002, ông về Hải Dương mở Công ty Home Deco chuyên sản xuất chăn, ga, gối, nệm với số vốn đầu tư 2 triệu USD. 2 năm sau ông mở thêm Công ty Phát triển và Đầu tư Đại Sơn, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại Chí Linh. Tháng 2-2009, ông và các cộng sự đã khánh thành Trường Trung cấp nghề Việt Nam - Ca-na-đa với tổng vốn đầu tư gần 11 triệu USD cũng tại Chí Linh. Với ông đó là dự án tâm huyết và tốn nhiều công sức nhất bởi ý tưởng ban đầu là chỉ xây một trung tâm đào tạo công nhân xuất khẩu lao động. Theo gợi ý của bà Deanna Horton, Đại sứ Ca-na-đa tại Việt Nam, ông đã xây dựng thành trường đào tạo nghề Việt Nam - Ca-na-đa và lo luôn đầu ra, cho học viên sang làm việc tại các công ty ở Ca-na-đa. Trong thời gian xây dựng trường, giá nguyên vật liệu tăng đã khiến ông mất gần 18 tỉ đồng nhưng ông nói: “Mất tiền không phải là chuyện lớn, mất ý chí tiến thủ mới đáng lo!”.
“Bởi tôi là người Việt Nam”
Hiện doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc sở hữu nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn tại Việt Nam nhưng thực lòng tôi vẫn muốn hỏi ông: “Vì sao khi có nhiều cơ hội làm ăn ở Ca-na-đa nhưng ông lại muốn trở về đầu tư tại Việt Nam?”. Không chút đắn đo, ông thẳng thắn đáp: “Bởi đơn giản tôi là người Việt Nam. Tôi sinh năm 1958, mạng Mộc, có nghĩa là cây. Tôi là cây ở đồng bằng đã được thuần hóa rồi, không mọc hoang dại tự do như cây trên rừng nên tôi biết điểm dừng của mình. Và điểm dừng đó không đâu bằng Việt Nam quê hương tôi. Ca-na-đa chỉ có thể mang lại cho tôi cuộc sống ổn định, bình yên, còn chuyện làm giàu thì khó thực hiện được. Do đó, tôi mang khát vọng đó trở về thực hiện ở quê nhà, làm giàu cho quê hương và làm giàu cho người dân Việt Nam thân yêu”.
Người ta nói “thương trường như chiến trường” quả không sai. Những ngày đầu về Việt Nam đầu tư, ông đã vô cùng khó khăn, vất vả bởi ngày ấy các chính sách và luật pháp nước ta mới tiếp cận với thế giới bên ngoài, mới xây dựng luật trên nền tảng sẵn có và tiếp thu tinh hoa của các nước phát triển. Trong kinh doanh, đầu tư, ông luôn tôn trọng luật pháp nước sở tại, nhẫn nại, biết chia sẻ, đôi khi nhận thiệt thòi về bản thân. Bởi vậy mà dù đại dịch COVID-19 hoành hành suốt 2 năm qua ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, nhưng doanh nghiệp của ông vẫn có những đóng góp tích cực vào cuộc chiến phòng, chống dịch. Như khi dịch bùng phát ở Hải Dương, ông sẵn sàng ủng hộ chính quyền cơ sở vật chất là trụ sở Trường Trung cấp nghề Việt Nam - Ca-na-đa để làm địa điểm cách ly cho hàng nghìn F0 và F1 lưu trú. Đến nay, doanh nghiệp của ông đã ủng hộ phòng, chống COVID-19 và người dân vùng bão lụt miền Trung số tiền lên tới hơn 8,6 tỷ đồng. Năm 2021, ông đã đến Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để trao số tiền 100 triệu đồng và 5 tấn gạo ủng hộ bà con Bắc Ninh và Bắc Giang.
“Chúng tôi hy vọng tất cả bà con kiều bào dù gặp khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc trên tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự hảo tâm của mỗi cá nhân, tùy theo năng lực của mình để hướng về Việt Nam. Bởi vì Việt Nam là quê hương. Tôi tin dù mỗi người có chính kiến khác nhau nhưng quê hương thì chỉ có một. Tôi luôn nhớ một điều rằng, tôi luôn và mãi mãi là người Việt Nam, việc làm của tôi chỉ mong được góp sức cùng cộng đồng xã hội chia sẻ một phần nào khó khăn cho bà con của mình trong đại dịch”, ông nhấn mạnh.
Biến những thứ không thể thành có thể
Không chỉ kinh doanh giỏi, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc còn thường xuyên bày tỏ những quan điểm, nhìn nhận của mình trước những vấn đề lớn lao của Đảng, của dân tộc qua ngòi bút sắc bén. Trên trang Facebook cá nhân, mỗi bài viết của ông luôn thu hút lượng đông đảo người xem và “bình luận”. Các bài viết của ông đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí, trong đó đặc biệt là chuyên mục “Diễn đàn” của Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, luôn nhận được sự quan tâm của độc giả. Đó đều là sự đau đáu, trăn trở của ông với mong muốn đất nước và nhân dân Việt Nam sẽ hùng cường, vươn lên mặc dù trước mắt vẫn nhiều khó khăn. Khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc kết thúc, ông có bài viết “Văn hóa gắn liền với sự tồn vong của dân tộc”. Khi kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV kết thúc, ông có bài viết “Giải pháp nào cho kinh tế Việt Nam năm 2022”. Khi cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Giáo dục và Đào tạo kết thúc, ông có bài viết “Làm ngay hoặc không bao giờ”. Rất nhiều những bài viết cuốn hút, cách lập luận chặt chẽ, thuyết phục được tuôn chảy từ ngòi bút và tấm lòng tha thiết với Đảng, với đất nước của ông, như: “Tình hình “bất thường” phải có quyết sách “phi thường”, “Quyết sách nên làm ngay”, “Cơ hội nào trong lúc nguy nan”, “Tin giả tác hại thật”, “Vắc-xin và phương châm sống chung với COVID-19”…
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ và trò chuyện (ngày 24-11-2021).
Đặc biệt tác phẩm “Một đảng, tại sao không?” của ông đăng trên trên chuyên mục “Diễn đàn” của Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử đã được Hội đồng chung khảo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021 đánh giá cao, quyết định trao Giải B và Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là tác phẩm mà ông cảm thấy hài lòng bởi cách nhìn nhận của mình dưới góc độ khác, trung thực và không xu nịnh, nói lên sự thật và những việc cần phải làm đối với Đảng trong giai đoạn mới. Quan điểm của ông trong tác phẩm đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của người Việt Nam ở trong nước mà còn ở đại đa số kiều bào ta ở nước ngoài vì đã nói đúng, nói trúng con đường Đảng ta đã và đang đi trên hành trình 92 năm qua, đó là con đường vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngoài ra, ông đã thẳng thắn chỉ ra điều mà Đảng ta đã dũng cảm nhận ra, đó là “người thực hiện, triển khai đã từng bước làm sai lệch các nội dung đã được ban hành, vô hiệu hóa nhiều điều quan trọng trong nghị quyết đã nêu…”. Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc nhấn mạnh, việc nhận 2 Giải Búa liềm vàng với ông là niềm động viên lớn, bởi ông không phải nhà báo, nhà văn và không phải là đảng viên. Đây là động lực to lớn với một doanh nhân như ông bởi chính ông đã biết chuyển hóa những thứ không thể thành có thể trong kinh doanh và khi cầm bút.
“Văn hóa còn, dân tộc còn”
Là người đã trải qua 2/3 cuộc đời, đã đi và nghiên cứu nhiều thị trường trong khu vực châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ…, đặc biệt là thị trường Việt Nam nên doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc nhận biết được nhiều vấn đề về chính sách, luật pháp khác biệt của các quốc gia bởi mỗi thể chế đều có cái riêng và cái chung để duy trì và phát triển. Nhưng tựu trung tỷ lệ tương đồng chiếm phần lớn. Theo ông, sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 và sẽ còn kéo dài thêm nữa, Việt Nam đã và đang ứng phó tương đối tốt, mặc dù trong lúc triển khai phòng, chống COVID-19 vẫn còn nhiều lúng túng, đã có những “hạt sạn” do một số cá nhân và tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền bất chính. Việt Nam vẫn giữ được ổn định chính trị và an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, vẫn thu hút được các nhà đầu tư FDI và năm 2021 tăng trưởng GDP dương (+) khoảng hơn 2,5%, đây cũng là kỳ tích trong khu vực và thế giới.
Cuộc trò chuyện không dài nhưng tôi cảm nhận dường như ngoài việc làm kinh tế, vấn đề luôn thường trực trong ông chính là văn hóa, là việc giữ gìn và phát huy được nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Với chiếc điện thoại trên bàn, ông hồ hởi cho biết mới cùng các đại biểu vinh dự được lắng nghe những lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. “Văn hóa bao gồm nội hàm vô cùng lớn. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “văn hóa còn, dân tộc còn” rất đúng với thực tế Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều luôn duy trì, phát huy và lan tỏa. Hiện nay người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 5,3 triệu người và mỗi ngày lại tăng thêm. Ở đâu có tiếng Việt, chữ Việt thì ở đó có văn hóa Việt, có bản sắc của dân tộc và có quê hương trong mỗi trái tim người Việt xa xứ. Minh chứng câu nói của Bác Hồ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là rất đúng cho mọi thời đại” - Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc nhắc lại những điều tâm đắc.
Triều Mây