Triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ được toàn hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm, tập trung mọi nguồn lực để triển khai các biện pháp hiệu quả theo từng giai đoạn, diễn biến của dịch. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, với sự tham gia của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh ủy viên là lãnh đạo UBND tỉnh và ngành Y tế; đồng thời, ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để kịp thời chỉ đạo, xử lý mọi tình huống dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch từ cấp tỉnh đến cơ sở được thành lập và đi vào vận hành đã kịp thời chỉ đạo các nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong phòng, chống dịch, điều trị các bệnh nhân cũng như đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung của tỉnh (Ảnh: Minh Huệ). Trong công tác điều trị, tỉnh đã thiết lập 7 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 3.722 giường theo mô hình tháp 3 tầng; trong đó: (i) Tầng 1 với quy mô 3.000 giường, tỉnh đã kích hoạt và đưa vào sử dụng Bệnh viện dã chiến số 01, số 02, số 03 để điều trị cho bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ; (ii) Tầng 2 với quy mô 630 giường gồm Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (230 giường); Bệnh viện đa khoa Khu vực 333 (300 giường); Bệnh viện Lao và bệnh phổi (100 giường) để điều trị cho bệnh nhân có mức độ trung bình; (iii) Tầng 3 gồm 1 đơn vị với quy mô 92 giường là Khu điều trị hồi sức Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để điều trị cho bệnh nhân ở mức độ nặng và nguy kịch. Các bệnh viện công tuyến huyện sẵn sàng phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 và xây dựng phương án huy động các bệnh viện tư nhân tham gia phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19. Về công tác tiếp nhận, vận động nhu yếu phẩm hỗ trợ công dân từ vùng dịch trở về tỉnh, từ ngày 27-4-2021 đến nay, đã tiếp nhận, sàng lọc đảm bảo an toàn cho hơn 170.000 người từ vùng dịch trở về tỉnh. Riêng từ ngày 2-10-2021 đến ngày 30-12-2021 tỉnh đã tiếp nhận hơn 53.000 người trở về; hỗ trợ cho hơn 3.600 người đi bộ từ các tỉnh phía Nam qua địa bàn tỉnh trở về quê; tổ chức 3 đợt đưa đón 1.095 công dân đang tạm trú tại vùng dịch trở về địa phương... Trong năm vừa qua, có thể nói, tỉnh Đắk Lắk đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động toàn thể cộng đồng tích cực chung tay phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, trở về từ vùng dịch; tăng cường xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ theo quy định gắn với đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã khẩn trương xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh; phương án tổ chức năm học mới 2021-2022; hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân trên địa bàn; đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, các mặt hàng thiết yếu và triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng ứng phó với dịch bệnh. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10699/KH-UBND để triển khai thực hiện trên toàn địa bàn, đáp ứng kịp thời các cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, kịp thời. Kinh tế - xã hội phát triển ổn định và có nhiều điểm sáng Trong năm vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đạt tăng trưởng kinh tế 5,1% so với năm 2020, cao gấp đôi tốc độ trung bình của cả nước; trong đó, có 9 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt Nghị quyết năm 2021 đề ra. Tổng sản phẩm xã hội ước thực hiện 52.481,1 tỷ đồng, bằng 98,3% KH; GRDP bình quân đầu người ước đạt 49,98 triệu đồng/người (KH: 48,07 triệu đồng/người). Đến ngày 31-12-2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.202,7 tỷ đồng, bằng 109,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao và bằng 152,8% kế hoạch Trung ương giao; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 16.422 tỷ đồng, bằng 107,1% dự toán Trung ương giao , chủ yếu tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công tác an sinh và phòng, chống dịch bệnh. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 42.027 tỷ đồng, bằng 141,03% KH. Công tác xây dựng Nông thôn mới được quan tâm, đến nay, đã có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương ứng 46,7%) và 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình.
Đồng chí Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm và làm việc tại Cụm Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp (Ảnh: Tuấn Hải). Trong năm 2021, các nhà máy sản xuất, chế biến, khai thác trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động, cơ bản ổn định, đa số sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ, nhất là sản lượng điện sản xuất tăng mạnh, góp phần làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng cao (tăng 23,8%) và GRDP ngành công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tăng 29,23% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, vừa qua, Bộ Công thương đã công bố số liệu thống kê giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh thực hiện thủ tục khai hải quan ở tỉnh và các tỉnh ngoài ước thực hiện 1.136 triệu USD, bằng 174,8% KH. Đây là những tín hiệu đáng khích lệ của kinh tế của tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng được chú trọng. Tỉnh đã tập trung triển khai việc lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 đảm bảo đúng định hướng, quy định và tiến độ kế hoạch đề ra. Đến nay, đã có Báo cáo đầu kỳ quy hoạch và đề ra một số định hướng, nghiên cứu các giải pháp đột phá để tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch. Ngoài ra, dự án Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và đã được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, cơ bản thống nhất hướng tuyến. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo; thể hiện tính chủ động, tích cực của Đảng bộ, chính quyền của tỉnh trong việc tranh thủ các nguồn lực cũng như sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương đối với tỉnh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Trong năm, đã tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 22 dự án, với tổng số vốn đầu tư 11.781,8 tỷ đồng. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh (Ban Chỉ đạo 321) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm của các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,75%; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3-4%, đạt kế hoạch đề ra. Ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai các nhiệm vụ đảm bảo theo hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho đối tượng khó khăn của tỉnh theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến nay đã huy động được 4,3 tỉ đồng. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đảm bảo; tập trung, chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động y tế dự phòng, nhất là phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các chỉ tiêu của ngành Y tế hoàn thành đảm bảo Nghị quyết đề ra. Việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm triển khai kịp thời. Các chính sách dân tộc được quan tâm triển khai thực hiện đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống. Các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện đồng bộ. Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ phục vụ tốt các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ làm việc qua môi trường mạng. Trung tâm quản lý, điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC) chính thức đi vào hoạt động đã góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của tỉnh trong tất cả các lĩnh vực. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với nhiều hình thức phong phú, đổi mới, sáng tạo. Công tác tuyên giáo đã làm tốt việc định hướng tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh trong năm; phổ biến, quán triệt triển khai các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và sơ kết, tổng kết các văn bản liên quan đến công tác tuyên giáo đảm bảo đúng tiến độ, nội dung, phương thức phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19; tổ chức tổng kết và trao thưởng Cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh”; chỉ đạo xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử của Người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” gắn với Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu, quán triệt, ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị; tổ chức quán triệt, học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và Chuyên đề năm 2021 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị; tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; triển khai Cuộc thi viết chính luận khoa học về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Công tác tổ chức đạt nhiều kết quả tích cực, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và xây dựng vị trí việc làm phù hợp. Công tác sơ kết, tổng kết và ban hành các văn bản liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng bảo đảm kịp thời, đạt chất lượng tốt. Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; việc điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, hiệp y, giới thiệu ứng cử... cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng quy định, phù hợp với năng lực và khả năng chuyên môn của từng cán bộ. Công tác luân chuyển và quy hoạch cán bộ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm chỉ đạo triển khai theo kế hoạch; nội dung, phương pháp từng bước được đổi mới và thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ, đào tạo theo vị trí việc làm và quy hoạch nhằm chuẩn bị tốt nguồn cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh; kết quả năm 2021, ước kết nạp được 1.960 đảng viên mới, đạt 105% kế hoạch. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường. Cấp ủy các cấp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30 Điều lệ Đảng đảm bảo quy định; tiến hành kiểm tra 764 tổ chức đảng và 26.252 đảng viên; giám sát 448 tổ chức đảng và 3.082 đảng viên. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật đối với 4 tổ chức đảng, 242 đảng viên. Ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành kiểm tra đối với 13 tổ chức đảng và 321 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 488 tổ chức đảng cấp dưới và kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 136 tổ chức đảng cấp dưới; giám sát đối với 295 tổ chức đảng và 398 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 92 đảng viên; giải quyết tố cáo đối với 4 tổ chức đảng và 62 đảng viên…
Đồng chí Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea H'leo (Ảnh: Hoàng Gia). Các cấp ủy thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, xây dựng các báo cáo chuyên đề, định kỳ, đột xuất về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nội dung; chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên nắm tình hình, tiến độ, kết quả các vụ án, vụ việc để kịp thời chỉ đạo, định hướng, nhất là các vụ việc, vụ án liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, tham nhũng; chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc về tình hình an ninh trật tự; xem xét xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, đông người trên địa bàn tỉnh. Công tác dân vận được triển khai đồng bộ; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận; tổ chức các hội nghị quán triệt, sơ kết, tổng kết về công tác dân vận bảo đảm quy định. Ban dân vận các cấp chủ động nắm chắc tình hình; thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để truyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có tôn giáo thường xuyên được quan tâm chỉ đạo; công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được phát huy trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, tổ chức vận động ủng hộ kinh phí, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh và hưởng ứng chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động (đến nay, đã vận động được hơn 39 tỷ đồng); huy động rau, củ, quả, trang thiết bị y tế và 2 xe cứu thương hỗ trợ và phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trị giá hơn 30 tỷ đồng; Thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong năm 2021 Quỹ Vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới 334 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá hơn 12,5 tỷ đồng. Công tác xây dựng chính quyền, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới và nâng cao chất hượng hoạt động. Chủ động giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND các cấp; thường xuyên theo dõi việc thực hiện chính sách, pháp luật của các ngành, địa phương; xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân. UBND các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là “Năm hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước”; triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. |