Phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc ứng phó với đại dịch COVID-19

40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước

Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của GHPGVN. Sau 40 năm, Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, kiện toàn và nâng tầm hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Hiện tại, Giáo hội quản lý 10 Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội.

40 năm xây dựng và phát triển, GHPGVN đã kế thừa và phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đồng hành với quốc gia, dân tộc bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Giáo hội luôn động viên bà con nhân dân, phật tử thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nay là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Giáo hội coi trọng việc lồng ghép các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật phù hợp với giáo lý đạo Phật để tuyên truyền và giảng giải cho tín đồ phật tử. Ví dụ, việc trồng cây bảo vệ môi trường, hạn chế sát sinh, không săn bắt các loài thú hoang dã, không phá rừng, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt văn hóa giao thông mà GHPGVN và Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã ký kết.

Nhiều năm qua, GHPGVN đã có những hoạt động thiết thực để góp phần làm giảm sự suy thoái đạo đức trong thanh thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, các trại hè, các hoạt động phật pháp cho thanh thiếu niên. Thông qua đó giáo dục các em hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội, phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô, quốc gia và xã hội... để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, đạo đức.

Phật giáo giúp giảm gánh nặng cho xã hội bằng việc chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, sớm ổn định cuộc sống thông qua công tác phúc lợi xã hội như khám, chữa bệnh miễn phí tại các chùa, tự viện trên cả nước, đào tạo miễn phí nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên. Công tác từ thiện xã hội được Giáo hội quan tâm chỉ đạo, các tăng ni, phật tử các chùa, tự viện, các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời.

Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và hoạt động tôn giáo của đồng bào cả nước. Phật giáo các cấp, đông đảo tăng ni, phật tử đã có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực, hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, chung tay cùng các cấp chính quyền và người dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, người tàn tật, neo đơn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội và GHPGVN các cấp, tăng ni, phật tử trong toàn Giáo hội đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch như: Tham gia, đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, hỗ trợ đồng bào vùng dịch, khu phong tỏa, cách ly. Chỉ tính riêng trong 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-2021), GHPGVN đã ủng hộ 2 tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống COVID-19 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; 3,5 tỉ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19; 135 tỉ đồng cho MTTQ các tỉnh, thành phố. Giáo hội cũng ủng hộ nhiều thiết bị y tế như máy thở, máy tạo oxy, quần áo bảo hộ, khẩu trang, thực phẩm, 5 triệu suất ăn cho người dân khó khăn ở vùng dịch, các y, bác sĩ tuyến đầu, tổng trị giá ước tính 382,5 tỉ đồng. GHPGVN cũng đã tích cực kêu gọi tăng ni, phật tử, tín đồ quyên góp cho Chương trình Triệu túi an sinh do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”, đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ thuộc các tôn giáo trong cả nước đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, trong đó phong trào “Cởi áo cà sa, khoác áo blouse trắng phòng, chống dịch”; đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 diễn ra sôi nổi. Hình ảnh các tăng ni tình nguyện lên đường vào tâm dịch chung sức cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch thể hiện hành động, nghĩa cử cao đẹp, tinh thần từ bi của người con Phật, tích cực đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, GHPGVN đã tiếp nhận đơn đăng ký tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch của 1.250 tăng ni, trong đó có 150 người đã tham gia tại Bệnh viện dã chiến số 10, 13 ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Các vị tăng sư tình nguyện lên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

“Hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” - Trích “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành trong cả nước đều có các hoạt động ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, đóng góp và ủng hộ hàng nghìn tấn gạo, nông sản các loại, các nhu yếu phẩm, hàng trăm ngàn suất ăn chay, hàng trăm nghìn khẩu trang y tế và nhiều thiết bị phòng, chống dịch.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, trao tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh 1 tỷ đồng để mua vắc-xin. (Ảnh: TTXVN).

Sáng 18-11-2021, tại Việt Nam Quốc tự, Ban Trị sự GHPGVN TP. Hồ Chí Minh tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân mất vì COVID-19. Đúng 20 giờ ngày 19-11-2021, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đồng loạt thỉnh chuông và thắp nến, dâng hương, tưởng niệm, cầu siêu cho đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sỹ hy sinh do dịch COVID-19.

Tiếp tục vững vàng Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra 8 mục tiêu để nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng, GHPGVN tiếp tục đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và phát triển Giáo hội, đồng hành cùng đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh:

Một là, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp tăng ni, phật tử các sơn môn, hệ phái trong Giáo hội. Phát huy trí tuệ, giữ vững kỷ cương, giới luật, lấy nguyên tắc Lục hòa cộng trụ, vận dụng Tứ nhiếp pháp trong điều hành và triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội nhằm xây dựng, phát triển GHPGVN vững mạnh trong lòng dân tộc và hội nhập quốc tế theo lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.

Hai là, tăng ni, phật tử GHPGVN không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, lấy sự nghiệp truyền bá chân lý giác ngộ của đức Phật phụng sự vì phúc lợi, vì an lạc, vì hạnh phúc cho nhân loại là trách nhiệm phổ quát, cao quý của mỗi tăng ni, phật tử và các cấp Giáo hội. Luôn luôn đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn đồng bào phật tử phù hợp và đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội, sao cho phù hợp với xã hội hiện đại, góp phần làm đẹp đạo đức xã hội. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo trở thành kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, phật tử, của tổ chức GHPGVN các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, tập trung giáo dục, đào tạo tăng ni vừa có đạo hạnh mô phạm, uyên thâm về giáo lý, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa am hiểu lịch sử dân tộc; trang bị đầy đủ kiến thức xã hội cho họ để vừa thâm nhập thực chứng trong tu tập, vừa có đầy đủ năng lực truyền tải giáo lý ứng dụng vào đời sống của quảng đại quần chúng và đồng bào phật tử nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra của xã hội.

Năm là, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bảo đảm có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phật học và nâng cao học thuật, tập trung nghiên cứu có định hướng và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.

Sáu là, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới. Mở rộng quan hệ quốc tế của GHPGVN trong hoạt động đối ngoại đa phương, ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo thế giới, các tổ chức Giáo hội Phật giáo các nước, các tổ chức tôn giáo thế giới vì hòa bình. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bảy là, phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo. Bên cạnh việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, công tác từ thiện xã hội cần tập trung nâng cao năng lực để tham gia vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… như xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, bảo hiểm xã hội, tham gia vào lĩnh vực giáo dục, y tế cộng đồng.

Tám là, nâng cao năng lực quản trị hành chính của Giáo hội. Ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để cải cách hành chính của Giáo hội ở tất cả các cấp, các chùa và cơ sở tự viện. Xây dựng và đẩy mạnh mô hình Giáo hội kiến tạo phát huy sáng tạo của tăng ni, phật tử để góp phần phát triển Giáo hội nhập thế mạnh mẽ, phụng sự nhân sinh. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng ni theo đúng giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN và pháp luật của Nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất