Đưa tỉnh Bình Dương thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Quốc tế Miền Đông.

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Tấn Lợi, Chủ tịch Hội đồng trường, cho biết từ năm 2019, trường đã triển khai dự án đào tạo y khoa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đến nay công tác mở rộng đào tạo gặp nhiều khó khăn. Hiện trường đang đẩy mạnh hợp tác với các bệnh viện và trường trong nước, kết hợp với bệnh viện tại các quốc gia như Thái Lan, Xin-ga-po, Hàn Quốc đào tạo 6 năm theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó năm học đầu tiên bắt buộc sinh viên phải đạt được chuẩn Anh văn ít nhất là 6.5 IELTS.

Theo ông Nguyễn Tấn Lợi, để đào tạo sinh viên có đủ khả năng theo học suốt chương trình đào tạo và lấy bằng đạt chuẩn quốc tế, bằng chuẩn Mỹ về sau, hiện nhà trường đang gặp khó khăn do thiếu hụt đội ngũ giảng viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.  

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC cho biết công ty sẵn sàng đầu tư vào trường để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y khoa trong thời gian tới.

Trong khi đó, PGS, TS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc tỉnh Bình Dương chọn mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực là hướng đi đúng đắn, tỉnh hoàn toàn có thể thực hiện được. Tỉnh cần lưu ý là tổ chức khóa học nâng cao chất lượng cho đội ngũ y, bác sĩ và chất lượng của các bệnh viện, cụ thể là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quốc tế Becamex, hướng đến không để bệnh nhân nặng phải chuyển viện đi TP. Hồ Chí Minh. Ông cũng cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y tế ở trung tâm y tế sẽ trở thành lực lượng nòng cốt cho công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Lợi cho biết đây là thời khắc quan trọng của Bình Dương trong việc chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”. Do vậy, việc đào tạo đội ngũ y khoa để điều trị Covid-19 tại Bình Dương là cần thiết.

Chính vì vậy, việc thành lập Khoa Y thuộc Trường Đại học Quốc tế Miền Đông là cần thiết nhằm bổ sung đội ngũ bác sĩ; hệ cao đẳng y tế của tỉnh tập trung đào tạo để bổ sung đội ngũ cho trạm xá, trạm y tế lưu động để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất ý kiến về lộ trình trong năm học tới là tuyển sinh được sinh viên để đào tạo đội ngũ nhân sự để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. “Trong thời gian tới, ngoài chủ trương phát triển hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai đưa tỉnh thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả khu vực, cùng với các công trình nghiên cứu chuyên khoa trong lĩnh vực mang tầm cỡ trong khu vực. Chắc chắn, chủ trương kêu gọi đầu tư lĩnh vực này sẽ được các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Trường Đại học Quốc tế Miền Đông do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư tại thành phố mới Bình Dương, được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 1789/QĐ-TTg ngày 27-9-2010. Trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2011, đến nay đã tuyển sinh được 9 khóa; tổng số sinh viên đại học hiện khoảng 2.728 sinh viên.

Trường Đại học Quốc tế Miền Đông định hướng trở thành một đại học đa ngành - đa lĩnh vực được kiểm định, xếp hạng quốc tế; và là một trung tâm văn hóa, một trung tâm nghiên cứu ứng dụng - chuyển giao công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Trường Đại học Quốc tế Miền Đông là đại học của doanh nghiệp (Becamex IDC), vận hành theo mô hình nhiều đại học trong một đại học; nơi thu hút và tập trung giảng viên tốt nghiệp từ nhiều nước Âu - Mỹ; đào tạo sinh viên theo hướng nghiên cứu - ứng dụng, giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ, theo tư tưởng chủ đạo là quan hệ chặt chẽ - hỗ tương và phục vụ cộng đồng; đào tạo theo nhu cầu phát triển của thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

H.H


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất