Cái nóng gay gắt dịu dần khi xe chúng tôi bắt đầu đi vào địa phận xã Thuận Hưng, cửa ngõ của cuộc hành trình đi về đền thờ Bác thuộc xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cũng như khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, TP Trà Vinh. Gặp hai người con gái đang làm công việc thuyết minh ở hai khu di tích, chúng tôi thấy ấm lòng hơn khi thấy đâu đâu trên khắp đất nước ta, những người trẻ hôm nay vẫn ngày ngày đóng góp phần việc nhỏ bé của mình để thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước, Bác Hồ kinh yêu đối với nhân dân mình cũng như đồng bào ngoại quốc khi đến thăm đất nước của chúng ta.
Hoạt bát, nhanh nhẹn, nhiệt tình, phong cách dẫn chuyện cuốn hút, đó là nhận xét chung của nhiều người đến tham quan khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, TP Trà Vinh về thuyết minh viên Bùi Thị Mỹ Linh, người đã và đang gắn bó nghề nghiệp với khu di tích. Sinh ra trên quê hương Long Đức anh hùng, Mỹ Linh luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương.
|
Mỹ Linh tại nơi làm việc.
|
Sau khi tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Cần Thơ, Linh vào làm tại đây từ năm 2007. Linh tâm sự: “Với sự say mê công tác và tỏ lòng kính yêu đối với Bác, là thuyết minh viên, Mỹ Linh luôn đề ra cho mình một kế hoạch tự học tập rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn, tham khảo kỹ lưỡng những tư liệu có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bác, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề, nhất là phương pháp thuyết minh. Muốn thuyết minh hay, cuốn hút khách tham quan, phải nắm chắc nguồn tư liệu, biết hoá thân vào sự kiện, nắm bắt tâm lý người nghe để trình bày hướng dẫn phù hợp. Quan trọng nhất là biến lòng kính yêu đối với Bác vào những bài thuyết minh đầy sinh động…”.
Ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức là vùng "đất thép" giàu truyền thống cách mạng của quân và dân Trà Vinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cuối tháng 3-1970, Thị ủy Trà Vinh, Đảng bộ và nhân dân xã Long Đức khởi công xây dựng Đền thờ Bác Hồ dưới tầm đạn pháo của địch. Miệt mài gần 10 tháng làm việc, bất chấp bom đạn, sự đánh phá ngăn cản của địch, quân dân Long Đức - Trà Vinh (gồm các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa) đã chung sức, đồng lòng hoàn thành Đền thờ Bác Hồ và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Nguyên Đán năm 1971. Năm 1989, Đền thờ Bác Hồ đã được công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia. Sau ngày giải phóng, Đền thờ Bác được trùng tu tôn tạo, trở thành một khu di tích lịch sử văn hóa rộng hơn 7 ha.
Mỹ Linh cho biết thêm “Khó khăn ban đầu em gặp phải là hạn chế trong giao tiếp bằng ngoại ngữ. Em đã cố gắng học tập nên khá hơn nhiều, thấy công việc “thuyết minh” không đơn giản chút nào. Mỗi khi gặp khó khăn, nghĩ tới Bác là em thấy lòng nhẹ nhõm và có thêm sức mạnh để vượt qua…”.
Có nhiều cơ hội chuyển sang công việc khác tốt hơn nhưng Linh đã từ chối, Linh tâm sự: “Làm việc trong Khu Di tích Đền thờ Bác là sự may mắn và là hạnh phúc lớn đối với em rồi, em sẽ gắn bó lâu dài với công việc, đây cũng là tình cảm để tỏ lòng trân trọng, kính yêu của mình đối với Bác…”
* Dù là giờ nghỉ trưa nhưng biết chúng tôi là khách từ phương xa đến viếng đền thờ, chị Nguyễn Thị Trúc Xuân, thuyết minh khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vui vẻ hướng dẫn chúng tôi tham quan các hạng mục như điện thờ Bác, phòng trung bày, nhà tiếp lửa truyền thống, thư viện Hồ Chí Minh, khu đền thờ cũ…
Chị Xuân kể: "Có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến đây tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ, nhất là nghe kể về chuyện cất đền thờ dưới bom đạn của quân thù. Những ngày tháng đó hào hùng lắm…”.
Rất nhanh nhẹn và thuần thục khi vận hành máy chiếu phim tư liệu về cuộc đời của Bác, chị Xuân còn khiến cho đoàn chúng tôi rất xúc động qua lời kể ấm áp, thu hút khi giới thiệu về bộ quần áo ka ki, chiếc mũ cối, chiếc gậy hành quân, đội dép lốp của Bác Hồ kính yêu.
Nguyễn Thị Trúc Xuân sinh năm 1984 ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ chị đã nhiều lần nghe ba mình vốn là cán bộ ngành văn hóa thông tin kể về Bác Hồ với niềm kính yêu vô hạn. Chị trân trọng và xúc động trước câu chuyện quân dân xã Lương Tâm đội bom đạn, dựng đền thờ để tỏ lòng thương nhớ Bác đã vĩnh viễn ra đi.
Tốt nghiệp THPT, chị Xuân vào công tác tại khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, Chị nhớ lại cảm giác hạnh phúc khi được nhận vào làm việc tại đây: “…Tôi sung sướng vô cùng vì đã hoàn thành tâm nguyện được sớm hôm chăm sóc khu di tích lịch sử, thắp hương dâng Bác mỗi ngày, được kể những câu chuyện xúc động về Bác cho mọi người cùng nghe để học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu.
Theo chị Xuân, muốn thu hút và thuyết phục người đến thăm khu di tích, trước tiên, bản thân mình phải có tấm lòng tôn kính Bác, tự nghiên cứu rất nhiều tài liệu về Bác Hồ, rèn luyện kỹ năng thuyết minh nhuần nhuyễn, nắm bắt tâm lý, khả năng tiếp nhận của khách thì mới thành công. Vì thế, chị đã tự học tập nâng cao trình độ, nhất là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh với khách nước ngoài đến tham quan. Bản thân chị Xuân cũng đã tốt nghiệp đại học ngành Văn hóa Du lịch nên công việc thuyết minh của chị ngày một thuận lợi và chất lượng cao hơn.
Em Lê Thị Thùy Dung, học sinh trường THCS Lương Tâm cho biết: “Trường chúng em thường xuyên tổ chức cho học sinh đến đây báo công dâng Bác những kết quả học tập, rèn luyện tốt. Chúng em còn được biết thêm nhiều câu chuyện rất cảm động về Bác, nhất là tình cảm Bác giành cho các cháu thiếu niên nhi đồng…”.
Theo lời kể của Trúc Xuân: Sau khi Bác Hồ mất năm 1969, quân dân xã Lương Tâm quyết định lập đền thờ tại Văn phòng Đảng ủy xã với nghi thức trang trọng, nhiều lần địch đánh phá nhưng đền Bác vẫn vững vàng trong bom đạn quân thù. Mỗi lần xuất kích dân quân Lương Tâm đều đến thắp hương và hứa với Bác sẽ mang thắng lợi về. Đặc biệt sau khi xây xong đền thờ, quân dân Hậu Giang đã liên tục tấn công 34 mục tiêu quân sự, tiêu diệt gần 400 tên địch. Tại xã Lương Tâm, quân dân ta đã tiêu diệt đồn Vàm Cấm, đồn Tô Ma, đồn Đường Đào diệt 40 tên địch.
Chị Xuân tâm sự “Tôi phấn đấu công tác tại Đền thờ Bác Hồ lâu dài, đây là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm tự hào của tôi vì được làm người kể chuyện về Bác cho thế hệ hôm nay học tập và làm theo tấm gương của Người dù đó là một công việc rất đỗi bình thường”.
Trương Thanh Liêm
Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Cần Thơ
170 Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ