Lễ hội mùa xuân ở nước ta như dòng nhựa chảy khắp ba miền Bắc Trung Nam. Từ Đền Hùng (Phú Thọ), Đống Đa, Chùa Hương, Chùa Và (Hà Nội), Cửa Ông, Yên Tử (Quảng Ninh), Hội Hai (Lạng Sơn), Côn Sơn (Hải Dương). Đền Mai Hắc Đế (Nghệ An), Hội An (Quảng Nam), núi Bà Đen (Tây Ninh), Đền Ông, Đền Bà (Bình Dương), đến Bà chúa xứ núi Sam (An Giang)... Mỗi lễ hội đều có ý nghĩa riêng về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng...
Đặc biệt, có một lễ mùa xuân hết sức thiêng liêng và trang trọng. Nó hội đủ sức mạnh quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi người, mỗi gia đình cho đến mỗi phường, mỗi xã đến mỗi địa phương hay mỗi đơn vị. Đó là lễ hội giao quân mùa xuân. Biểu hiện sự thiêng liêng của lễ hội giao quân mùa xuân ở yếu tố truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nó ẩn chưa trong những thiên cổ hùng văn: Từ “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn đến những áng văn hùng tráng như bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sỹ” của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi hay “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới... Từ truyền thống của các thời đại, các vùng địa linh nhân kiệt cho đến các anh hùng dân tộc, truyền thống của mỗi làng, xã, dòng họ và các gia đình nối tiếp truyền thống cha ông...
Sổ tay phóng viên của tôi còn ghi được những dòng cảm tưởng hay những trang nhật ký của biết bao tân binh:
“Chiến tranh đã qua đi, tuổi trẻ chúng tôi được sống trong hòa bình, nhưng điều đó càng giúp chúng tôi thấy rõ ý nghĩa của nghĩa vụ và trách nhiệm của mình phải tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nước Việt Nam XHCN ngày càng giàu đẹp, văn minh. Là con cháu vua Hùng, chúng tôi càng tự hào, vững vàng tin tưởng theo bước chân Đại đoàn quân tiên phong làm theo lời dạy của Bác Hồ, xin hứa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành những thanh niên ưu tú nhất” (tân binh phát biểu trong lễ giao quân tổ chức tại thành phố Việt Trì).
“Trước khi lên đường làm nghĩa vụ quân sự mình đã được xem vở cải lương “Đức thánh Trần linh hồn Đại Việt”. Mình đã thấy hào khí Đông A, thấy thiên tài quân sự của Trần Hưng Đạo: 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, thấy lòng yêu nước thương dân của vị anh hùng dân tộc để non sông muôn thủa vững âu vàng... Rồi mình còn tham gia trồng cây lưu niệm - một tục lệ của người dân Nam Định mỗi khi tiễn đưa con em lệ đường làm nghĩa vụ quân sự. Tất cả, như tiếp sức cho mình trong môi trường rèn luyện mới để trở thành người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” (nhật ký một tân binh thành Nam).
“Hôm nay, tôi chính thức được làm anh bộ đội, khoác trên mình màu áo anh, sao trên mũ và quân hàm trên vai. Tôi rất tự hào khi trở thành người chiến sĩ mới trong đợt nhập ngũ này, kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh đi trước, tự hào về truyền thống gia đình mình: bốn đời là “Bộ đội cụ Hồ”... Những bài học dành cho người chiến sĩ mới sẽ giúp tôi trưởng thành. Tôi sẽ xung phong đến với tuyến đầu Tổ quốc: trái tim biển của Tổ quốc - Trường Sa. Ở đó, đang cần những người lính như chúng tôi. Ước mơ của tôi, như cha tôi ngày nào đã gắn bó với con tàu HQ...Hải quân anh hùng...” (Mai Hoàng, thành phố Vũng Tàu).
“Mình lên đường đúng hôm thanh niên toàn tỉnh tổ chức lễ ra quân “Tháng Thanh niên” năm 2013 đầy chí khí nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trên quê hương Bác Hồ “thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vào lúc này, mình không thể không ghi vào nhật ký những vần thơ cháy bỏng tâm hồn của Tố Hữu:
Đi! Bạn ơi! Đi sống đủ đầy
Sống tràn sinh lực – sống hăng say
Sống trong sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh dù trong một phút giây...
Nhất là qua giao lưu trò chuyện với các bác cựu chiến binh và các anh vừa hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về, mình càng tin vào thế hệ cha anh đã xứng danh “Bộ đội cụ Hồ” (nhật ký của một tân binh thành Vinh).
Mai Trang