Là người trực tiếp giúp việc cho Anh khi Anh là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương (khoá IX); nhân ngày giỗ Anh lần thứ 3, tôi nghĩ về Anh và nhớ lại những điều đã học được trong thời gian trực tiếp giúp việc cho Anh. Với tình cảm chân thành, kính trọng từ đáy lòng của người “học trò”, tôi viết mấy dòng cảm xúc về Anh và xem đó là một nén tâm nhang để kính viếng hương hồn Anh nơi chín suối.
1. Sau Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Anh được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan tổ chức, cán bộ của Đảng và một trung tâm đào tạo cán bộ lớn nhất của cả nước, Anh đã giành nhiều thời gian, công sức, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần, trực tiếp làm việc với hơn 50 vụ, đơn vị trực thuộc của Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để vừa nắm tình hình, vừa nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và có những chỉ đạo cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ của hai cơ quan này. Được gần gũi và trực tiếp giúp việc cho Anh, điều tôi cảm nhận sâu sắc và học được nhiều từ Anh, đó là một cán bộ lãnh đạo tâm huyết, có tầm nhìn chiến lược và tấm lòng nhân hậu, hết lòng, hết sức vì công việc chung, thực sự là tấm gương để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Tôi nhớ mãi câu nói của Anh trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ giúp việc cho Anh: “Công việc lúc này rất nhiều, anh em chúng mình phải cố gắng giải quyết xong các công việc trong ngày, không để việc hôm nay tồn đọng sang ngày mai”. Vì thế, chương trình làm việc trong mỗi ngày của Anh dày đặc và Anh thực hiện rất nghiêm túc; dù đi họp hay làm việc ở đâu trong Hà Nội thì cuối giờ chiều Anh đều trở về cơ quan để giải quyết công việc. Hằng ngày, Anh thường đến cơ quan lúc 7 giờ sáng và khi ra khỏi phòng làm việc thì trời đã tối, đường phố Hà Nội đã lên đèn.
2. Là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với tầm nhìn và tư duy chiến lược về xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Anh đã chủ động đề xuất với Bộ Chính trị về chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý nhằm đưa những cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có hệ thống và có khả năng phát triển ở các cơ quan Trung ương về tham gia lãnh đạo ở các địa phương nhằm đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ một cách toàn diện trong thực tiễn, góp phần phá vỡ tư tưởng cục bộ địa phương, khép kín trong công tác cán bộ lúc đó. Vì vậy, chỉ trong 6 tháng, kể từ khi nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Anh đã chỉ đạo việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và xây dựng Đề án về luân chuyển cán bộ để trình Bộ Chính trị. Đề án này đã được Bộ Chính trị thống nhất cao và ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp”. Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) mà Anh vừa là “người thiết kế”, vừa là “người chỉ đạo thi công” đã đi vào cuộc sống, tạo một số chuyển biến tích cực về công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng. Nhiều đồng chí sau khi đi luân chuyển, đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan Trung ương và địa phương, trong đó một số đồng chí đã được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X và khoá XI.
3. Quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong nhiệm kỳ Đại hội IX của Đảng, Anh luôn quan tâm chỉ đạo và gương mẫu thực hiện việc phát huy dân chủ trong Đảng, mà trước hết là trong tập thể Lãnh đạo Ban. Khi bàn bạc, thảo luận các công việc chung, Anh luôn lắng nghe các ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều và thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình một cách công tâm, khách quan và thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện của tư tưởng cục bộ địa phương, cá nhân chủ nghĩa. Mặc dù phải lo nhiều công việc chung của toàn Đảng, song Anh rất quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng nội bộ cơ quan. Anh thường xuyên làm việc với lãnh đạo các vụ, đơn vị để vừa nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên. Những đề án của các vụ, đơn vị đã chuẩn bị xong cần trình Lãnh đạo Ban, Anh đề nghị các đồng chí Lãnh đạo Ban họp ngoài giờ hoặc vào các ngày nghỉ để công việc không bị tồn đọng và các vụ, đơn vị không phải “xếp hàng” chờ đợi để báo cáo Lãnh đạo Ban. Khi nghe các đề án của các vụ, đơn vị, Anh luôn cho ý kiến chỉ đạo rất cụ thể, giúp cho các vụ, đơn vị có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các đề án.
4. Anh rất trân trọng và luôn quan tâm đến các đồng chí đảng viên lão thành và các đồng chí cán bộ lãnh đạo thuộc các thế hệ đi trước. Dù bận nhiều công việc, nhưng Anh vẫn dành thời gian ngoài giờ đến nhà riêng thăm hỏi sức khoẻ, động viên và trao đổi, học tập kinh nghiệm. Anh cho rằng các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các thế hệ cán bộ lãnh đạo đi trước là tài sản và vốn quý của Đảng, cách mạng. Anh là người đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thành lập lại Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương và Anh đã được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban. Với trách nhiệm là Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương, Anh đã chỉ đạo việc xây dựng hệ thống Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khoẻ cán bộ ở các địa phương và đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc chữa trị, chăm sóc sức khoẻ đối với cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nói riêng mỗi khi đau, yếu. Đối với mọi cán bộ, đảng viên khi có việc cần và đăng ký gặp, Anh đều thu xếp thời gian, chủ yếu là ngoài giờ để tiếp và trao đổi một cách chân tình, cởi mở. Những đơn, thư góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến Anh, Anh đều tranh thủ thời gian xem và có thư trả lời hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
5. Là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhưng trong cuộc sống đời thường, Anh là người sống giản dị, trong sáng, liêm khiết và thường xuyên quan tâm đối với cán bộ dưới quyền. Anh luôn cảm thông, chia sẻ với cán bộ, công chức trong cơ quan khi có việc vui, việc buồn và những lúc gặp khó khăn. Hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Anh bảo tôi nắm lại xem trong cơ quan đồng chí nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để Anh đến thăm hỏi, động viên. Khi biết nhiều cán bộ trong cơ quan rất khó khăn về nhà ở, Anh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nhà chung cư kết hợp với nhà để xe của cơ quan để giải quyết khó khăn về nhà ở cho cán bộ, công chức. Nhiều cán bộ trong cơ quan Ban Tổ chức Trung ương còn nhớ mãi câu nói của Anh với Ban Quản lý dự án nhà chung cư là: “Đây là công trình xây dựng nhà ở cho cán bộ trong cơ quan theo phương thức góp vốn. Tôi biết nhiều anh chị em rất khó khăn, phải vay tiền ngân hàng để nộp. Vì vậy, công trình này không phải chỗ để cho bên A và bên B chèo hái; giá thành của công trình phải được tính toán một cách chặt chẽ, chính xác trên cơ sở thực tế và các khoản chi phí hợp lý”. Những gia đình cán bộ ở Nhà chung cư này luôn nhớ đến Anh.
Tuy Anh đã đi xa, nhưng tình cảm và những đóng góp của Anh đối với Đảng nói chung và đối với các cơ quan mà Anh đã làm thủ trưởng nói riêng, trong đó có cơ quan Ban Tổ chức Trung ương vẫn còn mãi. Nhiều cán bộ, đảng viên và công chức ở cơ quan Ban Tổ chức Trung ương vẫn thường nhắc đến Anh với tình cảm chân thành và lòng tiếc thương, kính trọng.
Nguyễn Đức Hà