Bài 1: Văn hoá soi đường cho quốc dân đi
Một góc Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại Hà Nội, ngày 16-11-2021. Ảnh: TL
Xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm nhất quán về vị trí, vai trò hết sức quan trọng của lĩnh vực văn hóa. “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) ra đời khi Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng nhưng chưa giành được chính quyền. Lần đầu tiên Đảng nêu cương lĩnh văn hóa, nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Đề cương nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hóa mới dân tộc, khoa học, đại chúng và mục tiêu lâu dài là xây dựng “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng phải nắm vững ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa”.
Triển khai đề cương văn hóa của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những câu nói bất hủ về văn hóa, vẫn vẹn nguyên tính thời sự đến ngày nay. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Người nói: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ: vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình. Người nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Sau này, Bác tiếp tục nói về vai trò của văn hóa và văn nghệ sỹ: “Vǎn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Không thể phủ nhận rằng, những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết... truyền cảm hứng, góp phần làm nên sức mạnh Việt Nam. Sức mạnh đó đã giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn cả trong chiến tranh lẫn thiên tai, dịch bệnh, đưa dân tộc chúng ta từ nô lệ, nghèo đói vươn lên thành một nước độc lập, Nhân dân làm chủ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây đựng đất nước có cơ hội, vị thế và uy tín lớn trên thế giới như hôm nay.
Bước sang thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng có nhiều nghị quyết về văn hóa văn nghệ, nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa, thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận, năng lực đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới; chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng, nhân văn và khoa học.
Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo có sự đổi mới, có giá trị về cả lý luận và thực tiễn: Một là, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; Hai là, nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Ba là, nền văn hoá Việt Nam là nên văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bốn là, xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Năm là, văn hoá là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.
Trong đó, quan điểm văn hóa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ, khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị và kinh tế.
Nghị quyết khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương...
Có thể khẳng định, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ.
Để phù hợp tình hình mới, Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đã xác định mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với những nội dung cụ thể: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khai mạc Triển lãm Tuần Văn hóa tại Khai Trí Tiến Đức, ngày 7-10-1945. Ảnh: TL
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Vì vậy, cần khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.
“Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, khi “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, đồng thuận xã hội, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, dân tộc cường thịnh, trường tồn, nhân dân ấm no, hạnh phúc là phương hướng cơ bản đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tất cả các cấp, các ngành phải quán triệt sâu sắc và ra sức tổ chức thực hiện bằng được. Khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc cần và phải là động lực tinh thần to lớn đưa nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam phát triển hiện đại “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Còn nữa)
Trần Công Huyền