Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19




Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gởi lẵng hoa đến Lễ tưởng niệm (ảnh Hoàng Hào).



Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quý đại biểu dâng hương tưởng niệm (ảnh Hoàng Hào).

Lễ tưởng niệm diễn ra lúc 20h30 tối ngày 19-11 ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM; Hà Nội và TP.HCM đồng loạt diễn ra các hoạt động thắp nến, dâng hương, thả đèn hoa đăng, các cơ sở tôn giáo rung chuông tưởng niệm; các con tàu neo đậu trên thành phố sẽ kéo còi; người dân tắt đèn thắp nến tưởng niệm; các tỉnh, thành phố có các chương trình phụ hợp để hưởng ứng chương trình.

Chương trình được trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM với 2 điểm cầu: điểm cầu tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM và tại Công viên Thống Nhất, TP. Hà Nội. 

Tham dự Lễ tưởng niệm tại Hội trường Thống Nhất có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, và lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN TP.HCM và các sở, ngành.

Tham dự Lễ tưởng niệm tại Hội trường Thống Nhất còn có các đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế; tổ chức tôn giáo; các đơn vị, lực lượng tham gia phòng, chống dịch; đại diện thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Tham dự Lễ tưởng niệm tại điểm cầu Hà Nội có Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (ảnh Hoàng Hào).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên (ảnh Hoàng Hào).

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến phát biểu (ảnh Hoàng Hào).

Tại Lễ tưởng niệm, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu:

Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận T,ổ quốc Việt Nam tôi xin bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh và tử vong trong đại dịch Covid-19. Xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.

Trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí chống dịch như chống giặc, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Trong khó khăn, hoạn nạn đã xuất hiện nhiều những nghĩa cử cao đẹp thắm đậm tình đồng chí nghĩa đồng bào, chan chứa yêu thương lay động lòng người như ATM gạo, ATM oxy, chợ 0 đồng, siêu thị 0 đồng, suất ăn miễn phí, nhường cơm sẻ áo cho nhau trong lúc khó khăn thiếu thốn thật là trân quý. Hàng triệu phần quà, túi an sinh, hàng vạn tấn lương thực thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch để chia sẻ khó khăn với nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam; cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục ngàn tỷ đồng để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân. Nhân dân ở các vùng phong tỏa, các khu cách ly, giãn cách xã hội trong một thời gian dài đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, đồng lòng chung sức để phòng, chống dịch. Hàng vạn nhân viên y tế, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm xông pha vào tâm dịch với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị cho người bệnh như người thân yêu ruột thịt của mình. Nhiều cán bộ, chiến sỹ hoãn ngày cưới gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ, có những người khi bố mẹ qua đời không thể về chịu tang thật là xót thương.

Trong cuộc chiến cam go ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sỹ tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, cán bộ cơ sở đã nhiễm bệnh. Trong đó có hàng trăm người đã qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí..


Hình ảnh tại Lễ tưởng niệm tối ngày 19-11-2021 tại TP.HCM






5h chiều tại khu vực trước Chùa Pháp Hoa, Q.3, TP.HCM, một trong những địa điểm diễn ra Lễ tưởng niệm (ảnh Hoàng Hào).


BS. Trịnh Đình Thắng xúc động tại Lễ tưởng niệm.

“BS. Trịnh Đình Thắng, công tác tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương TP.HCM, tham gia đội ngũ y tế tuyến đầu từ những ngày đầu chống dịch. Tại Lễ tưởng niệm, BS Thắng chia sẻ: “cảm xúc của tôi ngay sau Lễ tưởng niệm buồn đau khó tả - với tâm trạng của một bác sỹ tuyến đầu chống dịch, tôi thấy những nỗi đau mất mát của bệnh nhân quá lớn và thấu hiểu nỗi đau của chính gia đình mình (tôi có bà mợ bị mất vì Covid). Lễ tưởng niệm cầu mong cho hàng chục ngàn hương linh siêu thoát. Tham dự được buổi lễ, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản hơn rất nhiều”.


“Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ anh Cường đã mang di ảnh chồng tham gia Lễ tưởng niệm tại Hội trường Thống Nhất.

Anh Vũ Quốc Cường - Chủ quán cơm chay xã hội được mọi người thường gọi với cái tên thân mật là Cường Béo, người rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện tại TP.HCM đã qua đời vì nhiễm COVID-19, anh mất đi để lại vợ và 2 con”.

Theo chia sẻ của chị Tuyết Lan, hai vợ chồng chị đã mở 2 quán cơm chay xã hội Cường Béo (151/4 Tôn Thất Đạm, Quận 1, TP.HCM) này từ rất lâu rồi. Ban đầu cơm bán với giá 5.000 đồng/phần, nhưng sau đó vợ chồng anh chị quyết định không nhận tiền mà anh chị bỏ sẵn một cái thùng rồi tùy tâm mọi người đóng góp. Dù nằm trong hẻm nhỏ nhưng quán cơm của vợ chồng anh Cường luôn là nơi ấm áp nghĩa tình, là địa chỉ thân thuộc của hàng ngàn người nghèo tại TP.HCM.

 Một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm (Hội trường Thống Nhất)








Tại Lễ tưởng niệm, BS. Trịnh Đình Thắng đã chia sẻ cùng mọi người bài thơ được bác sỹ viết ra từ những cảm nhận thức tế trong những ngày tham gia phòng, chống dịch của mình:

Cầu Siêu!

Đêm nay thành phố lặng yên
Triệu người kính cẩn cầu siêu thoát trần
Hơn hai chục vạn sinh phần
Không may vướng phải nợ nần CoNa
Đau lòng lắm phải nói ra
Bão Covid-4 đi qua kinh hoàng
Bao nhiêu già, trẻ, giàu sang
Gái trai, lớn bé đều mang CoV
Nỗi đau khắp trốn, mọi thì
Chết không kịp biết, chia ly bất ngờ
Bao nhiêu cha mẹ thẩn thờ
Không nơi nương tựa bây giờ bơ vơ
Bao nhiêu gương mặt trẻ thơ
Mất cha mất mẹ bây giờ nương đâu
Bao nhiêu gia cảnh đớn đau
Anh em ly tán tìm nhau rối bời
Nỗi đau tới tận ông trời
Ngàn năm một thuở kiếp người thấu chăng
Hôm nay dưới ánh trăng rằm
Mưa thu lất phất, cõi âm thấu lòng
Cầu mong cho mỗi linh vong
Xa lìa cõi tạm, nhận vòng vãng sanh
Cầu mong thế giới an lành
Việt Nam rồi cũng đỏ, cam, xanh dần
Cầu mong mọi chốn xa gần
CoV đi khỏi lòng dân yên bình
Cầu mong bằng tấm chân tình
Nhà nhà hạnh phúc, nghĩa tình đậm sâu!


Hoàng Hào (bài và ảnh)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất