TP. Hồ Chí Minh: Quán ăn phục vụ tại chỗ được bán kèm nước uống có cồn tùy theo cấp độ dịch từng địa phương; ngày 22-11 tiêm vắc-xin đợt 2 cho trẻ từ đủ 12 đến 17 tuổi


Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì Họp báo.

Quán ăn phục vụ tại chỗ được bán kèm nước uống có cồn tùy theo cấp độ dịch từng địa phương.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thành phố có cho phép các quán ăn phục vụ tại chỗ được bán kèm nước uống có cồn trên toàn thành phố hay không (Thành phố đã thực hiện thí điểm tại Quận 7 và TP. Thủ Đức), Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, ngày 16-11 vừa qua UBND thành phố có ban hành Văn bản số 818, văn bản này cho phép các quán ăn phục vụ tại chỗ được bán kèm nước uống có cồn nhưng tùy theo cấp độ dịch của từng địa phương. Cụ thể, những địa phương cấp độ 2 được bán nước uống có cồn tại chỗ, các địa phương cấp độ 3 thì tỷ lệ hàng quán được bán kèm nước uống có cồn là 50% và địa phương nào cấp độ 4 thì không được bán kèm nước uống có cồn; thời gian bán đến 22g hằng ngày, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện này. Thời gian thí điểm từ ngày 16-11 đến 30-11, sau đó Sở Công thương sẽ có đánh giá tổng hợp và báo cáo lại UBND thành phố.


Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu.

Hiện nay, hầu hết giá cả các mặt hàng đều ổn định, tuy nhiên có một số mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm tăng giá từ 10 đến 30%, một số mặt hàng như dầu, đường, xăng, dầu gas có tăng giá. Do giá cả trên thị trường thế giới có sự biến động nên kéo giá cả trong nước cũng tăng theo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí phòng, chống dịch và đây cũng là nguyên nhân làm cho giá cả hàng hóa tăng lên. Để bình ổn giá và thực hiện các giải pháp kích cầu trong giai đoạn cuối năm, Sở Công thương có những chương trình khuyến mãi, kết nối hành hóa từ thành phố với các tỉnh thành, thực hiện các chương trình bình ổn giá; Sở Công thương cũng sẽ kiến nghị với Bộ Công thương để sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để cho giá cả trở lại bình thường.

Hiện nay đã có 177/234 chợ truyền thống tổ chức hoạt động trở lại, theo dự kiến đến đầu tháng 12 các quyện, huyện cũng có phương án để các chợ truyền thống còn lại được tiếp tục hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.

Vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc dạy và học trực tiếp

Tại buổi Họp báo, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Trịnh Duy Trọng cho biết, Sở đã có tờ trình cho UBND thành phố 30-10-2021, sáng ngày 19-11 Sở sẽ có báo cáo chi tiết cho lãnh đạo UBND thành phố về việc dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, việc cho phép học sinh đi học trực tiếp trở lại thì UBND thành phố sẽ cân nhắc, dựa theo tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố để có quyết định cụ thể.

Thành phố có thể điều trị 120.000 F0 trong cùng một thời điểm

Về trường hợp số lượng F0 trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng, F0 khó liên hệ được với trung tâm y tế địa phương để được cấp các gói thuốc điều trị, Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai  cho biết, Sở Y tế đã có công văn chấn chỉnh việc này đối với các đơn vị trực thuộc. Sở Y tế đã củng cố lại các lực lượng để hỗ trợ, kích hoạt lại mạng lưới vận hành với trên 2.500 bác sỹ.

Cũng theo Chánh Văn phòng Sở Y tế, TPHCM hiện có 9.100 bác sỹ và trên 19.600 điều dưỡng. Lực lượng này có kinh nghiệm, có thể đáp ứng cùng lúc điều trị trên 120.000 F0. Sở Y tế đã xây dựng 7 kịch bản theo từng số lượng F0 để đáp ứng điều trị.


Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai phát biểu.

Liên quan đến việc người dân đăng ký túi thuốc C, nhưng các trạm y tế không cấp thuốc, bà Nguyễn Huỳnh Mai giải thích, chúng ta đang thử nghiệm lâm sàng túi thuốc C. Sử dụng túi thuốc này có điều kiện cụ thể, chỉ định cho F0 điều trị tại nhà có triệu chứng. Người từ 18 đến 65 tuổi và không có bệnh nền như suy gan, suy thận; nhóm phụ nữ có thai, đang cho con bú, hoặc có kế hoạch có thai trong 6 tháng tới thì không dùng túi thuốc C. Do vậy không phải cứ F0 là sử dụng túi thuốc C. Qua việc này Sở Y tế đã có tập huấn, hướng dẫn lại cho hệ thống y tế phường, xã. Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã có báo cáo xin thêm 100.000 túi thuốc C để đảm bảo không thiếu thuốc cấp cho người dân.

Ngày 22-11 tiêm vắc-xin mũi 2 cho trẻ từ đủ 12 đến 17 tuổi

Thông tin về đội đặc nhiệm HCDC, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Nguyễn Hồng Tâm cho hay, đây là một mô hình mới, kế thừa và nâng cấp từ một số tổ chức chống dịch trước đây. Đội đặc nhiệm được giao bám sát thông tin, tình hình dịch bệnh và quá trình kiểm soát dịch của TP Thủ Đức và 22 quận, huyện. Từ đó hỗ trợ, phân tích tình hình phòng, chống dịch, đề xuất những phương án để các địa phương điều chỉnh kịp thời. Tuy hoạt động trong thời gian ngắn nhưng mô hình trên đã được một số quận, huyện đánh giá cao và có nhận xét tích cực. 

Về chiến dịch tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi dự kiến được tiến hành từ ngày 22-11, với những kinh nghiệm rút ra được từ lần tiêm thứ nhất, HCDC, Sở Y tế cùng các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp để đợt tiêm lần thứ 2 được tổ chức chặt chẽ và đạt hiệu quả cao nhất.

Trả lời phản ánh của báo chí về việc tiêm vắc-xin cho người dân trở lại thành phố làm việc và sinh  sống có cần đăng ký tạm trú hay chỉ cần chứng minh nhân dân là được, Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm cho hay, chủ trương của thành phố là tiêm vắc-xin cho tất cả người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc nhập dữ liệu tiêm chủng vào hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia có nhiều khó khăn, nhiều người tiêm đủ 2 mũi vẫn chưa có thông tin. Vừa qua, Bộ Y tế ra Văn bản 8938 về hướng dẫn quy trình xác minh thông tin người dân trước khi tiến hành tiêm vắc-xin, đầu tiên công an địa phương sẽ xác minh thông tin người dân và sau đó chuyển thông tin này qua cho ngành Y tế tiến hành tiêm, quy trình này sẽ để đảm bảo cho người dân sau khi tiêm xong là có ngay thông tin trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.


Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm phát biểu tại buổi Họp báo.

Có phải thành phố có chủ trương cho người dân sống chung với F0 hay không, hiện có nhiều F0 tự do đi lại và tiếp xúc với nhiều người. Phó Giám đốc HCDC giải thích, “sống chung nhưng mà thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả”, mọi người nhớ câu đó. Khi F0 và F1 sống chung một nhà sẽ được dán bảng cảnh báo, cách ly tuyệt đối 14 ngày và không được đi ra ngoài. Việc một số F0 đi ra ngoài như phản ánh là có thật là do các địa phương thiếu nhân sự dẫn đến việc thực hiện quản lý F0 chưa được tốt, đó không phải là chủ trương của thành phố - Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất