Công tác KTTV là không có biên giới, tất cả các nước cùng chịu tác động và các nước đều cần có thông tin. Do đó, công tác hợp quốc tế trong lĩnh vực này rất quan trọng. Từ 5 năm trở lại đây, quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, chúng ta không chỉ còn thu nhận những thông tin quốc tế, mà chúng ta còn đóng góp lại cho quốc tế nguồn lực về nhân lực, tài chính và sản phẩm công nghệ.
Đặc biệt từ năm 2017 - 2018, Tổ chức khí tượng thế giới đã chính thức công nhận Việt Nam là một mắt xích quan trọng đối với thế giới, là một thành viên chủ động. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã được công nhận là trung tâm dự báo khu vực. Bên cạnh việc chúng ta tiếp nhận các số liệu, các chia sẻ thông tin kỹ thuật từ các nước khác thì Việt Nam đã trở thành trung tâm để thay mặt cho tổ chức khí tượng thế giới hỗ trợ cho các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines trong công tác dự báo, cảnh báo. Đây là nỗ lực khá lớn được Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận đạt chuẩn là Trung tâm Dự báo khu vực.
Ông Trần Hồng Thái tại buổi Tọa đàm “Hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn – nhìn từ công tác dự báo” |
Ảnh: Duy Thông |
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã trở thành trung tâm hỗ trợ cho công tác đào tạo về lũ quét, sạt lở đất. Từng bước tham dự các hoạt động đào tạo của thế giới, các tổ chức đa phương… chúng ta đã đăng cai tổ chức nhiều khóa đạo tạo của thế giới về lũ quét sạt lở đất. Qua đó, số chuyên gia người Việt Nam được tham gia đào tạo tăng lên rất nhiều, góp phần rất tốt cho công tác dự báo và Thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Ngoài phối hợp đa phương, Việt Nam đã phối hợp nhiều song phương, chúng tôi thiết lập nhiều kênh thông tin với các nước bạn như Nhật, Hồng Kông, Trung Quốc để trao đổi thông tin, cùng đưa ra nhận định về dự báo và cảnh báo bão. Đây là kênh thông tin hết sức hiệu quả trong công tác dự báo bão khi chưa cập bờ. Chúng ta cũng đã phối hợp với một số nước như Phần Lan hay Nhật Bản để tăng cường năng lực quan trắc của mạng lưới radar. Chúng ta đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ không hoàn lại cho hai radar và hỗ trợ kỹ thuật ở Vinh và Phù Liễn…
Bên cạnh đó, chúng ta có quan hệ rất tốt với nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc để hỗ trợ kỹ thuật cho chúng ta. Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hệ thống quan trắc tự động, công nghệ truyền tin…
Bên cạnh những đóng góp cho Tổ chức khí tượng thế giới, những tổ chức ở khu vực và bên cạnh đó là việc cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính, về kỹ thuật của các nước phát triển, Việt Nam đã từng bước nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế và khu vực. Chúng ta đã chủ động hơn, có tiếng nói nhất định trong Tổ chức khí tượng thế giới. Tổ chức Khí tượng thế giới cũng rất quan tâm đến tiếng nói của Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng ta cũng cố gắng tiếp cận theo hình thức để các chuyên gia tham gia vào các sự kiện tầm thế giới. Tôi cho rằng đây là chiến lược hợp tác quốc tế mà Tổng cục rất quan tâm.
Ở một khía cạnh khác, để giữ tình đoàn kết trong khu vực cũng là nâng cao vai trò của KTTV thì ngành KTTV đang có những dự án hỗ trợ cho các nước bạn Lào, Campuchia, tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, dự báo thiên tai cho các nước bạn trong khu vực. Chúng ta làm như vậy vừa tăng cường lực của chúng ta, vừa tăng cường lực cho bạn, vừa tăng cường lực hợp tác quốc tế giữa ngành KTTV Việt Nam với Ngành KTTV của hai nước bạn. Mặt khác, các số liệu quan trắc từ Lào và Campuchia phục vụ rất hiệu quả cho công tác dự báo của Việt Nam.
Theo thông tin nghiên cứu của Tổ chức khí tượng Thế giới và Ngân hàng Thế giới, “Đầu tư một đồng cho KTTV sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, từ việc giảm thiệt hại về kinh tế xấp xỉ 28-30 đồng”, chưa tính đến những thiệt hại về sinh mạng con người. Do đó tôi nghĩ đầu tư vào KTTV là đầu tư quan trọng nhất. Đầu tư là hết sức cần thiết. Đầu tư theo hướng xây dựng mạng lưới trạm công nghệ mới. Tuy nhiên đầu tư khí tượng thủy văn không thể tách rời đầu tư cho các bộ ngành, việc phối hợp với các bộ ngành, địa phương là rất quan trọng bởi ở trung ương không thể dự báo được chi tiết tất cả các khu vực.
Hà An