Nhiều đổi mới
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, nhất là sự phối hợp với các địa phương rà soát khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trước khi cấp phép, đến tháng 6.2018, đã cấp 131 giấy phép, gồm: 46 Giấy phép thăm dò và 85 Giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt: 94 báo cáo tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước số tiền là 866,6 tỷ đồng; 84 hồ sơ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản số tiền phê duyệt: 3.412 tỷ đồng. Tại khu vực phía Nam có 13/24 tỉnh trên cả nước đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 450 khu vực mỏ, trong đó đã tổ chức đấu giá thành công đối với 90 khu vực mỏ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn, việc triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý về khoáng sản và đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Cho đến thời điểm hiện nay công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động khoáng sản và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; các hoạt động khoáng sản đã đi vào nền nếp; đã cơ bản kiểm soát được việc chấp hành các quy định về môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; đã tạo được nguồn thu ngân sách khá lớn từ việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu đối với công tác thăm dò, khai thác khoáng sản. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được triển khai và thu được những kết quả bước đầu; Công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại các địa phương đã được chấn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy hoạch khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Tuy nhiên,vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc như cách tính thuế tài nguyên chưa hợp lý,; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến, chưa được xử lý dứt điểm; không ít doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, chưa quan tâm đầu tư vốn, công nghệ để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm KS trong khai thác, chế biến... Một số quy hoạch khoáng sản, vật liệu xây dựng, trong quá trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung chưa cập nhật đầy đủ các thông tin, dẫn đến việc một số hồ sơ đã tiếp nhận, đang thẩm định không có tên trong quy hoạch mới hoặc có nội dung không phù hợp với quy hoạch mới làm kéo dài thời gian thẩm định.
Tăng cường quản lý
Thời gian qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình với nhà nước như đôn đốc bằng văn bản, điện thoại trao đổi trực tiếp, đồng thời quy định phạt chậm nộp tiền đối với doanh nghiệp. Bằng nhiều giải pháp, các cơ quan chức năng địa phương đang cố gắng để thu được tối đa nguồn thu này. Vì vậy, sang các năm 2016 - 2017, số tiền nợ chưa nộp NSNN ở các địa phương giảm xuống còn khoảng 20%. Tính đến thời điểm hiện tại cả nước có 3.000 tổ chức, cá nhân đang thăm dò, KTKS với 4.071 giấy phép thăm dò, KTKS do cơ quan trung ương và địa phương cấp. Có 33 trong số 63 tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền KTKS cho 355 khu vực khoáng sản, đã có nhiều tỉnh, thành phố tổ chức đấu giá thành công, với giá trúng thầu đều vượt hơn 10% so với mức giá khởi điểm, như: Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Bình, Kon Tum, Bình Thuận, Đồng Nai... Đối với việc cấp quyền KTKS, Bộ TN và MT đã thẩm định 604 hồ sơ, thu tiền cấp quyền KTKS hơn 34 nghìn tỷ đồng. Có được những kết quả nêu trên một phần nhờ công tác hoàn thiện chính sách về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và triển khai có hiệu quả các quy định
Theo Phó Tổng cục trưởng Địa chất và KS Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định, tài nguyên KS là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tập trung hoàn thiện thể chế quản lý KS, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên KS của đất nước theo hướng công khai, minh bạch. Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và KS đã quy định rõ các mức phạt khác nhau phụ thuộc vào mức độ của hành vi và theo từng nhóm, loại KS khác nhau. Chẳng hạn, phạt tiền 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi không lập bản đồ hiện trạng mỏ, không lập mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác vàng, bạc, đá quý, KS độc hại...
Để nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên KS, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chiến lược KS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về KS, Bộ TN và MT cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông để trình Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đấu giá quyền KTKS; khoanh định và công bố khu vực có KS phân tán, nhỏ lẻ để giao cho địa phương quản lý; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tính tiền cấp quyền KTKS, tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò KS của Nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, KTKS cần được đẩy mạnh; tiến hành thống kê sản lượng KS khai thác thực tế; kiểm kê trữ lượng KS đã khai thác, trữ lượng KS còn lại trên toàn quốc một cách chính xác và hiệu quả.