Tham dự buổi tiếp và làm việc về phía phái đoàn Châu Âu có: Giám đốc chương trình EU tại Việt Nam; Đại sứ Áo tại Việt Nam; Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam; Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Phó Đại sứ Bỉ tại Việt Nam; Bí thư thứ nhất về môi trường, bảo tồn thiên nhiên, xây dựng và phát triển đô thị Đức và đại diện Đại sứ quán Italia tại Việt Nam.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế; Tổng cục Môi trường; Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng Bộ.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự vui mừng được tiếp và làm việc với ông Bruno Angelet và các đại sứ thuộc Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, ông luôn cảm nhận mình luôn nhận được sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ của các Đại sứ thuộc Phái đoàn Châu Âu đối với nhiều hoạt động trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng khẳng định, những gì đã cam kết ông sẽ thực hiện một cách hiệu quả nhất để có thể nhận được sự đánh giá tốt của các Đại sứ thuộc Phái đoàn Châu Âu.
Tại buổi làm việc, ông Bruno Angelet đánh giá cao về kết quả các chương trình hợp tác của Phái đoàn Châu Âu với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua và mong rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Bruno Angelet đã đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi về một số nội dung như: Kỳ vọng của EU đối với Hội nghị COP 24; Tiến độ triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam; Quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị COP 24 liên quan đến Đối thoại Talanoa, các nguyên tắc triển khai Thỏa thuận Paris, giảm phát thải khí nhà kính… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã lần lượt trao đổi với Phái đoàn Châu Âu về những nội dung trên.
Về tiến độ triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết: cho đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thông qua Dự án tăng cường năng lực thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (CBICS) và GIZ đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại 3 miền Bắc, Trung Nam để phối hợp và hỗ trợ các sở Tài nguyên và Môi trường thuộc các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris cấp tỉnh. Hiện đã có 47 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp tỉnh triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các bộ, ngành và các bên liên quan rà soát, cập nhật NDC phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia; chuẩn bị thông tin phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu, xây dựng kế hoach thích ứng quốc gia về BĐKH và các chương trình, dự án liên quan cho phù hợp với tình hình mới… Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Việt Nam đang càng ngày càng khẳng định hơn quyết tâm nhằm đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh trong thời gian qua và cho đến bây giờ, người dân Việt Nam đã đối mặt với nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Người dân đã hiểu tác động, tác hại của biến đổi khí hậu nên sẽ hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. Với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP 24 sắp tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam sẽ bàn thêm về hướng phát triển và khẳng định sẽ thể hiện mục tiêu hành động quyết liện hơn trong triển khai Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng cũng thông tin đến Phái đoàn Châu Âu về sự quyết tâm, đồng lòng của các Bộ, ban ngành Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Đồng thời các địa phương đều quyết tâm trong việc thúc đẩy triển khai thực hiện thỏa thuận Paris theo quyết đinh số 2053/QĐ-TTg của chính phủ. Bộ trưởng cho biết các hoạt động đã và đang thực hiện đến 2020 là phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong NDC và yêu cầu của Thỏa thuận Paris nên không cần có những điều chỉnh lớn trong quá trình triển khai thực hiện.
Về quan điểm của Việt Nam đối với các vấn đề cụ thể tại COP24, Bộ trưởng cho biết: Việt Nam sẽ bám sát các quan điểm bảo vệ lợi ích và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia trong khu vực và quốc tế; góp phần xây dựng các quy định thực hiện ứng phó với BĐKH toàn cầu phù hợp với năng lực quốc gia và không làm tăng gánh nặng cho Việt Nam;
Việt Nam coi Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Thoả thuận Paris là nền tảng cho ứng phó BĐKH toàn cầu; các nội dung nêu trong các Văn bản này cần được tôn trọng, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản của UNFCCC; không thảo luận lại, không cố tình hiểu sai các nội dung đã thống nhất; các quy định và hướng dẫn phải thuận lợi cho các bên thực hiện; phương pháp luận, tính toán đảm bảo tránh tính trùng, đảm bảo sự toàn vẹn môi trường, tính minh bạch, có thể so sánh và nhất quán, chú ý cân nhắc xây dựng trên kinh nghiệm đã có và đảm bảo có thể áp dụng phù hợp với NDC.
Việt Nam cũng coi NDC là cốt lõi của Thoả thuận Paris, trọng tâm triển khai thực hiện Thoả thuận Paris là triển khai thực hiện NDC; thực hiện NDC vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội. Vì vậy cần sớm thống nhất về nội dung, hình thức NDC để NDC vừa mang tính đặc thù với cách tiếp cận linh hoạt thể hiện điều kiện, hoàn cảnh, nỗ lực, định hướng phát triển kinh tế xã hội của từng nước; vừa mang tính phổ quát để có thể so sánh được trách nhiệm của mỗi quốc gia trong đóng góp ứng phó với BĐKH toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng tương đương của việc ứng phó với BĐKH giai đoạn trước năm 2020 và sau 2020, trong đó việc tăng cường cam kết giảm phát thải KNK và hỗ trợ tài chính trước 2020 của các quốc gia phát triển là tiền đề để triển khai các hoạt động sau 2020 của tất cả các nước. Các quốc gia phát triển cần tiếp tục tiên phong, đẩy mạnh hoạt động giảm nhẹ thông qua các chỉ tiêu giảm phát thải tuyệt đối trong toàn ngành kinh tế và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện cam kết trong NDC.
Đồng thời Bộ trưởng coi trọng tác động trực tiếp của các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tới mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, trong điều kiện mức phát thải khí nhà kính và mức độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp, việc ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển trước hết là để bảo vệ người dân, sinh kế, hệ sinh thái... và để phát triển kinh tế - xã hội từ đó mới có khả năng đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Vì vậy, các nội dung thảo luận không chỉ tập trung cho vấn đề giảm nhẹ mà phải có sự cân bằng với các nội dung về thích ứng với BĐKH và cung cấp nguồn lực để các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu…
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Bruno Angelet và các đại sứ thuộc Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam đã thảo luận nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.