Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, triển khai các chương trình, kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về xây dựng và phát triển văn hóa -xã hội, Huyện ủy Quốc Oai (TP. Hà Nội) đã luôn coi trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo để xây dựng và phát triển văn hóa; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát các hoạt động văn hóa; phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc thực hiện chiến lược xây dựng con người và phát triển văn hóa. Nhiều hoạt động văn hóa thu hút đông đảo người dân tham gia như: phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình được thực hiện có hiệu quả, chất lượng giáo dục, y tế ngày một nâng cao. Việc triển khai thực hiện nghị quyết gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khôi phục được những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Qua số liệu thống kê cho thấy, 100% số xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị của huyện đều bám sát chương trình hành động, nghị quyết, chỉ thị, đề án của huyện về phát triển văn hoá để có kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể hoạt động có hiệu quả, Huyện uỷ đã chỉ đạo xây dựng các qui chế, cơ chế phối hợp giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với Ban Tuyên giáo Huyện uỷ; giữa MTTQ và các tổ chức, đoàn thể nhân dân trong nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia; xã hội hoá giáo dục và các hoạt động văn hoá, thể thao…
Tổ chức thực hiện Chương trình 04 - CTr/TU ngày 18-10-2011 của Thành ủy về ”Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015”. Huyện ủy đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cụ thể hóa thành các quy ước, quy định thực hiện nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH). Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH đã xây dựng các tiêu chí chung về xây dựng con người mới và triển khai thực hiện các tiêu chí tới các ban, ngành của huyện và cơ sở. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa được gắn kết với phong trào TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư. Coi đây là một trong 4 giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm chỉ đạo, cùng với luôn chú trọng kiện toàn ban chỉ đạo để kịp thời tổ chức phong trào một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả.
Công tác xây dựng làng văn hoá trong huyện đạt được những kết quả đáng khích lệ, năm 2005 toàn huyện có 18 làng được công nhận làng văn hóa, đến 2010 có 62/93 làng được công nhận làng văn hóa. Năm 2013 toàn huyện có 75 làng văn hoá.
Với sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển. Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được ban vận động của thôn, cụm dân cư triển khai ngay từ đầu năm. Qua một năm phấn đấu của hộ gia đình, cuối năm ban vận động của thôn, cụm dân cư tổ chức bình xét và đề nghị UBND xã công nhận. Việc đăng ký, bình xét gia đình văn hóa được thực hiện dân chủ, công khai, theo đúng quy chế của UBND thành phố. Công tác biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa được thực hiện nghiêm túc. Với cách làm này, trong những năm gần đây số hộ đăng ký và được công nhận gia đình văn hóa ngày càng tăng, cụ thể: Năm 2008 có 27.587/33.572 hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH (82,1%); 2010 có 29365/34227 hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH (85%); 2011 có 35.385/42.135 hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH (85%0; 2013 có 39045/42325 hộ đạt tiêu chuẩn GĐVH (90%).
Đáng chú ý là, Mặt trận Tổ quốc và Hội Người cao tuổi đã thực sự làm nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động thực hiện. Đến nay, có nhiều đám hiếu thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, trang nghiêm, tiết kiệm. Hiện tượng mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, các đám tang không hút thuốc lá, không để thi hài quá 36 tiếng, chuyện cỗ bàn, ăn uống linh đình giảm dần, việc phúng viếng bằng bức trướng, vòng hoa giảm đi rõ rệt, không còn hiện tượng phúng bằng lễ chín như trước đây. 21/21 xã, thị trấn đã quy hoạch nghĩa trang nhân dân; việc hung táng, cải táng theo hướng dẫn của ban quản trang. Một số xã đã tổ chức cải táng vào một ngày do UBND xã quy định, đã có nhiều đám tang tổ chức hỏa táng (năm 2013 đã có 36 ca thực hiện hỏa táng) để đảm bảo vệ sinh môi trường, xây mộ đảm bảo đúng hàng lối, theo quy định.
Với sự chỉ đạo của huyện ủy trong tuyên truyền, vận động và thực hiện việc cưới theo nếp sống mới, hiện tượng tảo hôn trái với Luật hôn nhân và gia đình đã giảm đi rõ rệt; thực hiện tiết kiệm trong việc cưới có nhiều chuyển biến, nhiều đám cưới không hút thuốc lá, các nghi thức trước, trong và sau ngày cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ.
Quốc Oai có 59 lễ hội các loại, nhìn chung các lễ hội được mở đều đảm bảo đúng theo quy chế lễ hội do bộ Văn hóa - Thông tin ban hành. Đặc biệt, Quốc Oai có lễ hội chùa Thầy (hội vùng), 15 năm qua, huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo lễ hội và giao cho UBND xã Sài Sơn lập ban tổ chức, vì vậy đã không để xảy ra các hiện tượng vi phạm quy chế lễ hội nghiêm trọng.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn quan tâm củng cố, xây dựng, phát triển, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin đại chúng, toàn huyện có 21/21 đài truyền thanh, phát thanh của xã, thị trấn, 1 đài truyền thanh của huyện. Quản lý tốt 51 đại lý Internet, 85 trạm của 7 mạng di động.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút được đông đảo nhân dân như tuyên truyền nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tuyên truyền về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
Huyện ủy luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống như: nghệ thuật hát Dô xã Liệp Tuyết, Tuồng Dương Cốc xã Đồng Quang, hát chèo ở xã Đại Thành, hát Đối bằng tiếng Mường xã Phú Mãn đều được gìn giữ và phát huy. Quan tâm tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh như chùa Thầy, động Hoàng Xá, Đình Làng So, Chùa Cấn Xá, Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực... Các khu đô thị sinh thái Ngọc Liệp, đô thị Quốc Oai, Dương Cốc, Thắng Đầu với các khu, cụm, điểm công nghiệp được quy hoạch. Khu vui chơi giải trí quốc tế Sài Sơn với diện tích 200ha được tiếp nhận và triển khai. Các khu du lịch bán sơn địa thuộc các xã Phú Mãn, Hòa Thạch được tăng cường đầu tư và từng bước đi vào hoạt động.
Toàn huyện đã có 71/171 di tích được xếp hạng; 53 di tích được đầu tư tu bổ và tôn tạo với tổng kinh phí là 98.765 triệu đồng, trong đó kinh phí nhà nước là 54.423 triệu đồng, nhân dân ủng hộ là 44.342 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo đang hoạt động là đạo Phật, Cao đài, Công giáo. Trong những năm qua, Ban chỉ đạo tôn giáo của huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác tôn giáo, nhất là chính sách đối với tôn giáo. Hằng năm chỉ đạo MTTQ, các ngành, cơ quan tổ chức thăm hỏi, động viên các chức sắc tôn giáo, chỉ đạo các xã, thị trấn nắm bắt tình hình hoạt động tôn giáo và làm tốt chính sách văn hóa đối với tôn giáo.
Từ thực tiễn lãnh đạo phát triển văn hóa trong những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, từ đó thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp.
Hai là, phát triển văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa thực sự là động lực cho sự phát triển bền vững. Coi trọng công tác xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Ba là, nắm chắc nhu cầu phát triển văn hoá, kịp thời đưa ra các quyết định đúng đắn, điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu, chỉ tiêu, chủ trương phát triển văn hoá phù hợp với đặc điểm của địa phương. Trong quá trình lãnh đạo phải lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm, khâu đột phá, để tập trung thực hiện.
Bốn là, phải có quy hoạch và lộ trình thực hiện toàn diện, cụ thể cho các hoạt động, các phong trào, các thiết chế văn hóa, có như vậy, các hoạt động, các phong trào, các thiết chế mới phát triển vững chắc và phát huy tác dụng trong cuộc sống.
Năm là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá; củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở các cơ quan văn hoá là vấn đề quyết định lãnh đạo phát triển văn hoá đạt kết quả. Xây dựng lề lối làm việc khoa học, sát thực tiễn, giữ vững nguyên tắc, thực hiện đúng quy chế, qui trình công việc.
Sáu là, xây dựng và phát triển văn hóa cần gắn với phong trào thi đua yêu nước để tạo thành phong trào lớn thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy văn hóa phát triển mạnh mẽ và toàn diện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức để nhân dân tự giác tham gia các phong trào. Nhân dân đóng vai trò to lớn trong việc giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo các di sản văn hóa, khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống. Quá trình đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa sẽ huy động được sự tham gia của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, tạo nên nguồn lực mới cho sự phát triển văn hóa. Đồng thời phải có sự đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động, các phong trào trên lĩnh vực văn hóa.
TS. Trịnh Thanh Tâm
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh