Đại biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Hào). Tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, Hội nghị này là để HĐND thành phố báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội với về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh; UBND thành phố báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022, phương hướng giải pháp các tháng cuối năm 2022; báo cáo về dự án đường Vành đai 3, nội dung mà Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư, với khối lượng công việc rất lớn và rất quan trọng đối với Thành phố. Không phải là để xin được nhiều đặc ân mà để Thành phố thực hiện tốt vai trò đầu tàu kinh tế Trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ: Thứ nhất, Nghị quyết 54 của Quốc hội, đã tạo nhiều điều kiện, cơ chế thuận lợi cho Thành phố phát triển, cụ thể như quyền được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án có diện tích đất lúa trên 10ha. Vừa qua, Thành phố đã quyết định 32 dự án với tổng diện tích 1.843ha; thứ hai là được quyết định các chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, Thành phố đã quyết định 6 dự án với tổng vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng; thứ ba là được phân cấp ủy quyền, qua đó, Chủ tịch UBND thành phố đã phân cấp ủy quyền cho lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, TP. Thủ Đức đến 85 nhiệm vụ. Điều này đã giúp cho việc giải quyết công việc được nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn; thứ 4, Thành phố được điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại địa phương từ 18 lên 21% trong năm 2022, cũng như việc ban hành một số chính sách về mức thu phí, lệ phí… điều này tạo ra nguồn thu cho thành phố; thứ 5 là thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, đây là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố. Tuy nhiên, cũng còn nhiều cơ chế chưa thực hiện được, có thể nói, mục tiêu tạo nguồn lực cho sự phát triển Thành phố chưa đạt được qua việc thực hiện Nghị quyết 54.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Hào). Đặc biệt về các cơ chế, ngân sách để tạo nguồn thu cho Thành phố, cụ thể Thành phố cũng chưa ban hành được quyết định cổ phần hóa, chưa thực hiện được 50% khoản thu từ việc thanh lý tài sản công của các đơn vị Trung ương, các đơn vị nhà nước đóng trên địa bàn Thành phố; các phí, lệ phí, điều chỉnh mức thuế và các chính sách đột phá để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học thì Thành phố cũng chưa thực hiện được nhiều. Đó là nhưng hạn chế mà trong thời gian sắp tới Thành phố cần phải đánh giá kỹ để có đề xuất trong nghị quyết mới. Về câu hỏi của báo chí Nghị quyết 54 có những điểm nào chưa phù hợp với Thành phố và Quốc hội có những tháo gỡ nào để Thành phố phát huy được những thế mạnh và nguồn lực liên quan. Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54, do những bất cập, những nguyên nhân của những bất cập đó, chúng tôi đang trong quá trình nhận diện, đánh giá. Chúng tôi thấy có nhiều vấn đề mà quy định pháp luật không đồng bộ nên dẫn đến quá trình thực hiện còn vướng mắc, vì thế có nhiều cơ chế, chính sách chưa triển khai được. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ những vấn đề này, chọn lựa những vấn đề trọng tâm, thiết yếu đối với Thành phố và có tính khả thi để tiếp tục đề xuất trong nghị quyết mới thay Nghị quyết 54. Có mấy định hướng mà chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, đối với những cơ chế vẫn còn giá trị nhưng có vướng mắc trong thời gian vừa qua thì phân tích rõ nguyên nhân, đề xuất, nghiên cứu những cách thức để triển khai như các cơ chế về tài chính, ngân sách; tiếp tục đề xuất những cơ chế có liên quan đến quản lý nhà nước về kinh tế - đầu tư, đô thị, môi trường, văn hóa - xã hội phải phù hợp với đặc thù của một đô thị lớn, một siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh; chúng tôi đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù cho Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, cơ chế đặc thù cho TP. Thủ Đức, thành phố trong thành phố, để TP. Thủ Đức hoạt động, phát triển được tốt hơn. “Có thể nói, những cơ chế, chính sách đặc thù mà chúng tôi đề nghị cho TP. Hồ Chí Minh không phải là chỉ để xin được nhiều đặc ân mà ở đây muốn làm sao giải phóng được năng lượng, nguồn lực của Thành phố để Thành phố tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu tàu kinh tế của mình, để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước" – đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ. |
Về câu hỏi có ý kiến cho rằng cần kéo dài Nghị quyết 54 thêm 2 năm nữa hoặc đề xuất nghị quyết mới thay nghị quyết 54. Đồng chí Phan Văn Mãi nói thêm, Thành phố đang tiến hành tổng kết về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 và đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết mới thay Nghị quyết 54, song song đó thì Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng đang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, đó là định hướng để phát triển Thành phố và đi liền với đó là những cơ chế, chính sách đặc thù như là Nghị quyết 54. Nói về việc hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, vấn đề này rất quan trọng vì sẽ tạo thêm không gian phát triển, thêm động lực, nguồn lực phát triển cho Thành phố. Thời gian qua, Thành phố đã có ký hợp tác với rất nhiều địa phương. Cụ thể trong quý II (tháng 5, 6) năm 2022, chúng tôi đã tiến hành sơ kết các chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương, theo đó, chúng tôi chú ý đến liên kết hợp tác giữa Thành phố với các địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ, với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đối với các chuyên đề như du lịch hay như các chuyên đề cụ thể khác thì chúng tôi sẽ có các liên kết riêng với các địa phương trong cả nước để có thêm nguồn lực, có thêm động lực và mở rộng không gian phát triển cho TP. Hồ Chí Minh với tư cách là một đầu tàu kinh tế của của nước, cùng cả nước phát triển. Nói về liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí minh và tỉnh Bình Dương, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, đối với các địa phương giáp ranh với Thành phố, trong đó có tỉnh Bình Dương thì chúng tôi rất quan tâm. Vì đây thực sự là không gian trực tiếp cho phát triển của Thành phố, do đó chúng tôi quan tâm đến công tác quy hoạch giữa các địa phương sao cho đồng bộ với nhau như kết nối giao thông, giải quyết các vấn đề về chính sách đất đai, về môi trường, về an ninh trật tự… vì giữa các địa phương này có mối quan hệ thiết thực, sát sườn với nhau.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Hoàng Hào). Cũng tại Hội nghị, Thường trực HĐND thành phố cho biết đang đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 để làm cơ sở cho Thành phố tiếp tục kiến nghị với Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố phù hợp với vai trò đầu tàu của Thành phố trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh ghi nhận một số kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 54. |
Hoàng Hào |