Hậu Giang tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022”


Đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Lễ phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022”

Phát biểu tại buổi Lễ phát động, đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: trong nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng công tác an toàn, vệ sinh lao động và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp và người lao động, cũng như sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Hưởng ứng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực diễn ra từ ngày 1-5 đến ngày 31- 5- 2022, với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, chủ động phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và tài sản của doanh nghiệp, gáp phần tăng năng suất lao động và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp bền vững.

Cũng tại buổi Lễ, đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động đã có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong năm qua.


Đồng chí Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao Giấy khen của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho 2 cá nhân đã có nhiều thành tích về công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2021.

Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp chưa cao như: chưa xây dựng quy trình, nội quy an toàn lao động; chưa đảm bảo cấp phát đúng, đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; đặc biệt là không huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động, dẫn đến việc người lao động thiếu hiểu biết về quy trình lao động an toàn và không sử dụng đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động; một phần cũng do tâm lý chủ quan, bất cẩn của người lao động nên dẫn đến những tai nạn, hậu quả đáng tiếc.


Quang cảnh tại Lễ phát động.

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và tổ chức hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân lao động, đồng chí Hồ Thu Ánh đề nghị các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, tăng cường thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, các văn bản pháp luật có liên quan, văn bản mới ban hành.

- Tổ chức các hoạt động thiết thực như: tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nội quy, thỏa ước lao động, quy trình an toàn; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; Tổ chức triển khai, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách an toàn, vệ sinh lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động để từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nhiệp trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho công nhân lao động bị tai nạn lao động.

- UBND huyện, thị xã, thành phố cần chú trọng việc bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động địa bàn quản lý.

* Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai các hoạt động chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

- Chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động, tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

- Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo quy định hiện hành. Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

- Phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hội thi, tọa đàm, ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các phân xưởng, tổ, đội; tổ chức các cuộc thi, sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

H.Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất