Cầu Hiền Lương – Khát vọng cho thống nhất non sông



Toàn cảnh cụm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Ảnh: Báo Nhân Dân).

Từ những cuộc chiến xoay quanh một chiếc cầu...

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời nhưng với âm mưu xâm lược và chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ đã biến sông Bến Hải từ một dòng sông hiền hòa, thơ mộng trở thành nơi “chia mặt, cách lòng”, oằn mình để làm mốc phân chia đất nước Việt Nam. Nỗi đau chia cắt như một định mệnh khắc nghiệt làm cho đôi bờ Hiền Lương đi vào lịch sử như là một chứng tích bi hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Hiếm có nơi nào trên thế giới mà cuộc chiến tranh đã diễn ra gay go, quyết liệt, dưới nhiều hình thức như cuộc chiến trên cầu Hiền Lương và bên bờ Hiền Lương. Một cuộc đấu tranh lúc bằng lý trí, khi thì bằng cả sự sống còn của thân phận con người dưới mưa bom, bão đạn. Một cuộc chiến đấu bằng mọi phương thức, thủ đoạn: đấu khẩu, đấu màu sơn của cầu, đấu loa và đấu màu cờ 2 bên bờ Bến Hải. Một cuộc chiến âm thanh và màu sắc.

Trong số những cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam, cột cờ Hiền Lương sẽ được rất nhiều người nhớ tới với nhiều tình tiết lịch sử, đặc biệt là cuộc “chọi cờ” có một không hai. Bây giờ, mỗi lần đi trên Quốc lộ 1A qua bến Hiền Lương, hình ảnh đập vào mắt cao nhất, rõ nhất, đẹp nhất và cũng thiêng liêng nhất là cột cờ Hiền Lương. Với nhân dân Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của lòng yêu nước, cho ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do và cho khát vọng thống nhất đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành hai: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa. Cột cờ Hiền Lương được ra đời trong ý nghĩa nhằm xây dựng một biểu tượng để nhân dân đôi bờ Hiền Lương thấy được niềm tin, khơi nên một khát vọng cháy bỏng cho ngày thống nhất. Tại nơi này, từ năm 1956 đến năm 1967 đã diễn ra cuộc “chạy đua” độc đáo nhằm giành ưu thế về chiều cao của cột cờ và chiều rộng của lá cờ.

Cuộc chiến bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc trên đầu cầu giới tuyến kéo dài suốt 1.440 ngày đêm với 11 lần bị kẻ thù đánh gãy cột bằng bom đạn nhưng cột cờ này gãy xuống cột cờ khác lại mọc lên, hiên ngang trong lửa đạn như thách thức với quân thù. Dù trong chiến tranh ác liệt, quân và dân Vĩnh Linh bằng mọi giá, dù phải ngã xuống vẫn luôn giữ cho màu cờ Tổ quốc tung bay trên quê hương. Cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang Vĩnh Linh vẫn luôn chiến đấu với lời thề quyết tử: “Ngày nào tim còn đập thì lá cờ còn tung bay”.

Ngày nay, sông Hiền Lương không còn là “sông Tuyến” nữa, cầu mới được xây dựng song song với cầu Hiền Lương cũ được phục chế nguyên vẹn. Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2005) được tổ chức tại bến Hiền Lương, 2 đoàn đại biểu của tỉnh Lạng Sơn và Cà Mau đã đặt 2 nắm đất ở 2 đầu Tổ quốc trước kỳ đài Hiền Lương như báo với hồn thiêng sông núi rằng: Thưa các anh, điều các anh mong đợi đã trở thành hiện thực. Từ nay ngọn cờ sẽ mãi mãi tung bay trong gió, sẽ mãi đỏ thắm như máu các anh đã ngã xuống cho khát vọng thống nhất của dân tộc.

Đến những địa danh làm nên các chiến tích lịch sử của Quảng Trị

Có lẽ không ở nơi đâu như Quảng Trị lại có mật độ dày đặc các địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Địa đạo Vĩnh Mốc – “Lâu đài trong lòng đất” thể hiện ý chí và quyết tâm chiến thắng và là thành quả tuyệt vời của tinh thần lao động sáng tạo. Đó là công trình quân sự độc đáo mang màu sắc huyền thoại của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Cồn Tiên - Dốc Miếu - Hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra là những cái tên nhức nhối đối với quân xâm lược nhưng lại là niềm tự hào của người dân Quảng Trị. Hàng rào điện tử này được người Mỹ gọi là “con mắt thần”, là công trình của 47 nhà khoa học kỹ thuật quân sự tài ba nước Mỹ, ngốn chi phí hoạt động 800 triệu đô-la Mỹ trong 1 năm đã tan thành mây khói bởi cuộc tiến công chiến lược xuân hè 1972 của quân và dân Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị nằm trong một thị xã chưa đầy 3km2 nhưng đã chịu đựng một thử thách vô cùng khốc liệt qua 81 ngày đêm làm nên một mùa hè đỏ lửa. Thành cổ Quảng Trị đã trở thành một chứng tích lịch sử nổi tiếng khắp thế giới. Ngày 16-9-1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh của cấp trên rút toàn bộ sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói và rét, đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và dòng sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, suốt 16 năm chiến đấu và chiến thắng oanh liệt vẻ vang trước mưa bom, bão đạn của quân thù, làm tròn sứ mệnh vẻ vang của hậu phương với tiền tuyến, của miền Bắc với miền Nam ruột thịt.

Đường 9 - Khe Sanh, con đường chiến lược huyết mạch mà kẻ thù sử dụng cho các cuộc chiến tranh bẩn thỉu đã trở thành nỗi kinh hoàng của chúng. Với người Mỹ, Khe Sanh trở thành “khe tử”, là nơi quân viễn chinh Mỹ phải trả giá đắt bằng máu và nơi ghi đậm chứng tích thảm bại của chúng ở Việt Nam.

Đảo Cồn Cỏ hiên ngang giữa trùng khơi, quân và dân của hòn đảo này đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ đảo, đánh tan cuồng vọng đen tối của kẻ thù. Đảo đã 2 lần được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và được Bác Hồ gửi thư khen.

Kỷ lục cho độ khốc liệt là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Những chiến sĩ giải phóng vào chiến đấu Thành cổ Quảng Trị của mùa hè năm ấy phần lớn là các sinh viên ở các trường đại học ở Hà Nội đã nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, xếp bút nghiên, rời giảng đường vào chiến trường đánh giặc. Mưa bom, bão đạn khủng khiếp của quân thù không làm sờn lòng các chiến sĩ giải phóng khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Các anh vẫn ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không rời trận địa, người này ngã xuống, người khác lại lên thay. Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu.

Sông Thạch Hãn, sông Ba Lòng, suối La La... đã đi vào thi ca và còn sẽ vang vọng mãi. Đặc biệt, dòng sông Thạch Hãn - “dòng sông mang nặng phù sa” người lính như là một “nghĩa trang dưới nước” là nơi an nghỉ của nhiều người lính giải phóng quân. Các anh đã cùng nằm lại dòng sông Thạch Hãn, mang phù sa, bãi bồi nên đất, nên người, hòa vào bản anh hùng ca bất tử của lịch sử dân tộc. Để rồi nhà thơ Lê Bá Dương khi nhớ về đồng đội của mình đã phải thổn thức “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”.

Chẳng có địa phương nào như Quảng Trị lại “sở hữu” tới 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và 70 nghĩa trang liệt sĩ khác. Kỷ lục của sự mất mát, thương đau đó đã biến Quảng Trị thành “cõi thiêng” trong tâm khảm nhân loại tiến bộ.

Hãy giáo dục thế hệ trẻ biết tôn trọng và giữ gìn những giá trị của lịch sử

Với những thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1975 nói chung và các thế hệ học sinh phổ thông hiện nay, ký ức về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải chỉ được tái hiện qua những cuốn sách giáo khoa Lịch sử, những hình ảnh của các bộ phim tư liệu, qua in-tơ-nét.

50 năm giải phóng Quảng Trị, 47 năm Ngày thống nhất non sông cũng là ngần ấy thời gian trôi qua mà các thế hệ người Việt Nam ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc, biết ơn và ghi ơn sự mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc.

Dù chiến tranh ngày càng lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài. Những vết thương trên cơ thể những cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hóa học hoặc do bom mìn còn sót lại. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ dù rộng lớn về diện tích và không gian những vẫn còn rất nhiều phần mộ liệt sĩ chưa có tên. Dòng sông Thạch Hãn thời của mùa hè đỏ lửa đó cũng gần như là một “nghĩa trang dưới lòng sông” của nhiều người lính quân giải phóng. Thân thể của họ vẫn mãi nằm ở đáy sông.

Lịch sử phải được tôn trọng, phải được nhìn nhận, đánh giá khách quan, trung thực. Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng mỗi người dân đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cần mãi ghi nhớ rằng: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thắng lợi của chính nghĩa và không thể đảo ngược. Và để có được thắng lợi đó, thế hệ trẻ đừng bao giờ quên hình ảnh của chiếc cầu Hiền Lương bắc trên dòng Bến Hải như là một chứng nhân của lịch sử. Cây cầu đó, dòng sông đó phải chứng kiến nỗi đau của sự chia cắt đất nước suốt 2 thập kỷ để có thắng lợi cuối cùng trong ngày 30-4-1975.

Nhắc lại một thời hoa lửa Quảng Trị không phải để khơi lại nỗi đau của chiến tranh. Ôn lại mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị 50 năm trước để chúng ta luôn trân quý nền hòa bình mà chúng ta đang thụ hưởng, để tưởng nhớ, cảm ơn, ghi ơn và tri ơn các anh hùng liệt sĩ.

Tổ quốc đã ghi công và lịch sử đã khắc ghi. Thế hệ trẻ thời hậu chiến hãy nhớ điều đó. Các học sinh phổ thông lại càng phải hiểu điều đó.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất