Địa danh Hà Giang được nhắc đến lần đầu tiên trong bài Minh khắc trên chuông chùa Sùng Khánh, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) từ đầu thời vua Lê Dụ Tông (1705). Đến 20-8-1891, tỉnh Hà Giang ra đời theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương. Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Giang là đơn vị hành chính cấp tỉnh trong cơ cấu hành chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V, tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang được hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên (tháng 4-1976). Đến ngày 12-8-1991, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Tuyên thành Hà Giang và Tuyên Quang. Trong tiến trình lịch sử hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn anh dũng, kiên cường chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm, từng bước hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, công cuộc đổi mới ở Hà Giang đã có bước chuyển tích cực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, khai thác mọi nguồn lực, thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2011, Hà Giang có 10 huyện và một thành phố trực thuộc tỉnh, với 195 xã, phường, thị trấn. 100% các xã có đường ô tô được trải nhựa đến trụ sở UBND. Về kinh tế nhiều năm qua liên tục tăng trưởng bình quân 12,7%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, du lịch, giảm tỷ trong nông nghiệp. Sản xuất lương thực ngày một tăng, bình quân đạt trên 460kg/người/năm; thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,8%; giải quyết cơ bản làm hồ treo chứa nước cho 25 vạn đồng bào 4 huyện vùng cao phía Bắc. 100% các xã có trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. An ninh - quốc phòng được củng cố vững chắc, bảo đảm trật tự trị an và an ninh biên giới quốc gia…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ Hà Giang nhiệm kỳ 2010-2015, Hà Giang đã và đang tập trung vào: 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm, 6 nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp chủ yếu, nhằm đưa tỉnh thoát ra khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, chưa thoát khỏi một tỉnh nghèo, nhưng những thành tựu về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại là rất quan trọng và tương đối toàn diện, có thể coi đó là những kỳ tích. Những thành tựu đó là tiền đề vô cùng quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với các tỉnh trong khu vực để thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển. Kỷ niệm trọng thể Ngày thành lập tỉnh, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Giang vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Đảng, Nhà nước trao tặng.
Trong suốt chiều dài 120 năm, Hà Giang được biết đến là tỉnh miền núi phía cực Bắc của Tổ quốc, như tấm áo giáp che chắn, bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia. Hà Giang cũng được biết đến bởi nơi đây có Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam, như một bảo tàng thiên nhiên lưu giữ những giá trị quý báu về khảo cổ và địa chất. Hà Giang cũng được biết đến bởi nơi đây có 22 dân tộc cùng chung tay đoàn kết xây dựng mảnh đất có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang trên con đường tiến lên giàu mạnh.
Tự hào luôn đi cùng với trách nhiệm. Với Hà Giang, lịch sử dân tộc giao phó cho mảnh đất, con người nơi đây một trọng trách to lớn, đó là xây dựng vùng đất này thật giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Xứng đáng là nơi “đầu sóng ngọn gió” canh giữ biên cương của Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc.
Phúc Sơn (tổng hợp).