Ninh Thuận: Tổ chức Lễ hội Ẩm thực - Chào đón năm mới 2024


Đây là sự kiện văn hoá ẩm thực được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận nhằm giới thiệu, quảng bá những món ăn đặc sắc của các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận, các vùng miền trong cả nước và các quốc gia trên thế giới; tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào đón năm mới 2024, không gian trải nghiệm, thưởng thức văn hoá ẩm thực cho Nhân dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế; đồng thời tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để quảng bá du lịch, ẩm thực Ninh Thuận, xây dựng thương hiệu ẩm thực Ninh Thuận đặc sắc, giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.

Đến với “Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận - Chào đón năm mới 2024”, Nhân dân và du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và đặc sắc, với hơn 80 gian hàng ẩm thực và gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận và các địa phương trong cả nước; được trải nghiệm, thưởng thức trên 100 món ăn hấp dẫn và đặc sắc; tận mắt chứng kiến các chương trình biểu diễn về nghệ thuật nấu ăn của các đầu bếp nổi tiếng; xem Video Clip quảng bá hình ảnh các vùng nguyên liệu đặc trưng của Ninh Thuận như: nho, táo, hải sản, hàu, dê, cừu, măng tây,... tham quan tại các gian hàng, quầy hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, các sản phẩm dụng cụ liên quan đến lĩnh vực bếp, các đồ dùng, nguyên vật liệu chế biến ẩm thực,

Trong khuôn khổ của “Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận - Chào đón năm mới 2024” sẽ diễn ra một số hoạt động mới lạ rất hấp dẫn và đặc sắc như: tổ chức diễu hành cừu; múa lân sư rồng, nghệ thuật đường phố; các hoạt động trò chơi, ẩm thực; cuộc thi đầu bếp ngôi sao tài năng về cừu và hàu Ninh Thuận.

“Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt. Ninh Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế; có văn hóa, sản vật và tài nguyên thiên nhiên độc đáo, khác biệt để phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững”. 

Ninh Thuận có bờ biển dài và đẹp với hơn 105km với những bãi biển có phong cảnh đẹp hoang sơ, hệ sinh thái biển đa dạng cùng thời tiết nắng ấm quanh năm; có tuyến đường ven biển rất đẹp và thuận lợi trong việc kết nối các điểm đến thuộc dải ven biển tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời cũng là tỉnh có bức tranh về văn hoá nhiều màu sắc với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất độc đáo như: Nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, điệu múa Chăm, các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm điển hình như: Lễ hội Katê; dệt thổ cẩm thủ công Mỹ Nghiệp; có làng nghề gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á; có tháp Pô Klông Garai và tháp Hoà Lai được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Đặc biệt, ngày 29-11-2022, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Sự kiện này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022.

Lễ hội Katê tỉnh Ninh Thuận (ảnh Vietnamnet).

Lễ hội Katê tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Vietnamnet).

Thiếu nữ Chăm của làng nghề gốm Bàu Trúc Ninh Thuận.

Thiếu nữ Chăm của làng nghề gốm Bàu Trúc Ninh Thuận.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng; có hệ sinh thái biển, rừng, rạn san hô đa dạng phong phú với cảnh vật thiên nhiên hoang dã, thơ mộng và nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia (Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hoá phi vật thể, 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh); có 2 vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa còn mang đậm nét rừng nguyên sinh với hệ sinh thái thực vật đa dạng và phong phú, trong đó Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thêm vào đó, Vịnh Vĩnh Hy của Ninh Thuận cũng được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

Với khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: măng tây xanh, táo, tỏi, dê, cừu; đặc biệt cây Nho và các sản phẩm từ nho phát triển, đưa Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” của cây nho cả nước.

Vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận.

Vịnh Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận.

Nhằm phát triển du lịch theo hướng toàn diện, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành du lịch Ninh Thuận đã có những định hướng phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2025, ngành du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP; đến năm 2030, ngành du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 6 triệu lượt khách, đóng góp 15% GRDP. Năm 2023, Ninh Thuận đón trên 2,9 triệu lượt khách du lịch; năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách.

Trong những năm gần đây, Ninh Thuận đã tập trung đẩy mạnh khai thác nông - lâm - ngư nghiệp gắn với hoạt động du lịch, điển hình như: Cảng cá Đông Hải, Đầm Nại, Vịnh Vĩnh Hy, làng Nho Thái An, làng Nho xã Phước Thuận, vườn trái cây xã Lâm Sơn và Phước Bình, đồng cừu An Hòa,... cùng với việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển trồng cây Măng tây xanh tại thôn Tuấn Tú, vườn Nha đam tại phường Văn Hải đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, là nguyên liệu chế biến các món ăn mang đặc trưng vùng đất Ninh Thuận. Ẩm thực kết hợp du lịch đã tạo nên hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, chế biến đến trải nghiệm,.... góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng và phát triển thương hiệu ẩm thực Ninh Thuận, góp phần thu hút khách du lịch đến Ninh Thuận.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất