Nơi ghi dấu một thời hoa lửa
“Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”  

Cựu binh Lê Bá Dương, người từng cầm súng chiến đấu trong trận chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 tặng tôi tấm ảnh chính tay anh chụp cảnh thả hoa bên dòng Thạch Hãn. Tấm ảnh ghép tái hiện lại cảnh chiến đấu của quân, dân Thành cổ, cạnh đó là các cựu binh thả hoa viếng đồng đội trên dòng Thạch Hãn. Chân tấm ảnh ghi bốn câu thơ: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Người cựu binh năm xưa ngân ngấn nước mắt nhìn vào tấm ảnh nói: “Dòng Thạch Hãn lẫn máu đồng đội tôi. Xương cốt của các chiến sĩ tận đáy sông lẫn vào cát bụi. 42 năm rồi chẳng thể nguôi ngoai. Nếu có dịp đến Thành Cổ, anh sẽ đón chú”. Ông Dương nói với tôi như vậy lần gặp trong hội nghị cộng tác viên báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần tại Tp Hồ Chí Minh.  

Theo lời hẹn, tôi đến Quảng Trị sau hành trình gần một ngày đêm không nghỉ. Lần đầu đặt chân lên mảnh đất linh thiêng, lòng tôi như chùng xuống xúc động bởi những dấu tích chiến tranh còn hiện hữu nơi Thành cổ. Ông Dương chỉ tay phía cánh đồng lúa xanh mơn mởn bảo: “Chú biết không. Nơi này trước đây là túi bom Mỹ thả. Cánh đồng lúa này trước đây là chiến trận. Trong lòng đất này còn bao thịt xương của đồng đội và người dân Quảng Trị mình”. Ông Dương bắt đầu kể trận chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong trào dâng xúc động.  

Ngày 28-6-1972, Mỹ-Ngụy bắt đầu mở cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 72”. Chúng huy động cả lực lượng bộ binh, thủy quân lục chiến, không quân, với hàng loạt vũ khí hiện đại, như máy bay phản lực, tàu khu trục và tuần dương hạm; cùng các loại bom bi, bom phạt, bom đào, bom dù, pháo khoan, pháo chụp… với mục tiêu cao nhất là nghiền nát Quảng Trị và chiếm bằng được Thành cổ”. Tại đây, chúng đã dội hàng ngàn tấn bom đạn xuống các làng mạc, dọc bờ sông Thạnh Hãn và các căn cứ quân sự của ta. Tính trung bình một ngày, địch huy động từ 150 đến 220 lần máy bay phản lực, từ 70 đến 90 lần máy bay B52, từ 12 đến 16 tàu khu trục và tuần dương hạm đánh vào Thành cổ. Trước âm mưu và những đòn tấn công nham hiểm của quân thù, bộ đội chủ lực cùng quân và dân Quảng Trị do đồng chí Lương Chí Hiền ở tiểu đoàn 808 (mật danh quân sự gọi là K8) chỉ huy đã bám đất giữ làng, vận dụng các hình thức chiến thuật như bí mật, phục kích, vận động, chống càn, tổ chức nhiều trận đánh, từng bước đẩy lùi những tấn công dữ dội của địch. Cuộc chiến đấu không cân sức một bên là bộ đội chủ lực cùng quân dân Quảng Trị với tinh thần yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc, một bên là hàng chục ngàn binh lính Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn với vũ khí hiện đại. Song với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quân dân Quảng Trị đã chiến đấu ngoan cường và giành nhiều thắng lợi. Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, máu xương của hàng nghìn chiến sĩ đã đổ xuống sông Thạch Hãn, hòa vào lòng đất mẹ. “Cho đến hôm nay, gần 42 năm kể từ ngày quân Mỹ nổ súng tấn công Thành cổ Quảng Trị, vẫn chưa có tài liệu, hay con số thống kê chính xác về số liệt sĩ đã ngã xuống. Thế nhưng có một điều ai cũng biết: các anh nằm xuống khi tuổi đời rất trẻ, có chiến sỹ mới 14 tuổi, gác lại bao ước mơ, hoài bão thời trai trẻ, dâng hiến tuổi xuân của mình vì nền độc lập của Tổ quốc”, ông Dương cho biết.  


                                                        Thả hoa trên dòng Thạch Hãn.

Khi tôi hỏi lý do thả hoa huệ trên dòng Thạch Hãn, ông Dương xúc động bảo: “Đó là nghĩa cử của những người đang sống, là chút tình tri ân đối với đồng đội đã vĩnh viễn hi sinh. Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. Tự dưng ông Dương nhìn sâu xuống dòng Thạch Hãn đọc bốn câu thơ ấy như nói với đồng đội đang vĩnh hằng an nghỉ dưới dòng sông. Nước mắt ông chảy dài trên khuôn mặt sạm nắng.  

Nước mắt rơi nhòa trên mộ  

Những ngày này cuối tháng 4 lịch sử, nghĩa trang Trường Sơn đón hàng triệu lượt người đến thăm viếng. Trong dòng chảy bất tận ấy, có những mái tóc bạc phơ đi tìm đồng đội, có người vợ đi tìm mộ chồng, có những người con đi viếng mộ cha, và cả những người khách thập phương đến nghĩa trang chỉ mong thắp một nén hương thành kính tri ân lên mộ các liệt sĩ.  

Đi thành hàng lặng lẽ, chúng tôi cố giữ những giây phút thiêng liêng, vậy mà vẫn bật ra tiếng nấc nghẹn ngào. Nghĩa trang Trường Sơn ngột ngạt hơn bởi nắng lửa, gió Lào nhưng cũng không ngăn được bước chân của ngàn người hành hương. Cả Trường Sơn một màu khói trắng, nghi ngút khói hương và dòng người viếng thăm bất tận.  

Mặc dù trước khi lên xe đến Trường Sơn, chúng tôi đã phân công mỗi người một việc, nhưng đến nghĩa trang, sự rạch ròi ấy không còn phân định được nữa. Ai cũng mong mình làm việc bằng hai và coi đó như nghĩa cử đối với các liệt sĩ. Chị Thu Trang, công nhân giày da ở Vũng Tàu không cầm được nước mắt khi cầm hương cắm vào những mộ liệt sĩ chưa biết tên: “Lần đầu tiên em đến Nghĩa trang Trường Sơn. Em thực sự không thể nào cầm được nước mắt. Đến đây, em mới hiểu sự hi sinh của các anh quá lớn. Thế hệ của chúng em hôm nay có làm bao nhiêu chăng nữa, cũng là thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là nghĩa cử, lòng tri ân đối với những người đã khuất”.  

Đồng chí Trần Kim Danh, Bí thư Huyện đoàn huyện Long Điền, Vũng Tàu chia sẻ: “Về với Trường Sơn lần này là về với cội nguồn, với tất cả tấm lòng và nghĩa cử của thế hệ trẻ đối với các anh hùng liệt sĩ. Không phải riêng tôi, mà tất cả mọi người, ai cũng chung một tấm lòng, một nghĩa cử thiêng liêng như thế. Thế hệ chúng tôi hôm nay, được sống và học tập là nhờ công ơn chiến đấu và sự hy sinh quên mình của các anh. Tiếp bước truyền thống cha anh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa tình của những người đang sống đối với những người đã khuất ”. Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Bí thư đoàn cơ sở Đoàn M Hải quân dẫn 200 đoàn viên thanh niên khối lực lượng vũ trang về với Trường Sơn nói trong xúc động: “Về với các anh là về với đồng đội. Trong thời chiến, các anh đã hy sinh quên mình để dành độc lập, thì chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn sự độc lập ấy. Đó là sứ mệnh người lính thời bình, là tình đồng đội thiêng liêng của những người cùng chung màu áo lính”.  

Trong chuyến hành hương về Nghĩa trang Trường Sơn lần này, trong đoàn chúng tôi có chị Nguyễn Vân Liên, con liệt sĩ Nguyễn Văn Hạnh. Mộ ba của Liên nằm ở khu B. Thắp nén hương khấn ba bình an nơi chín suối, mắt Liên đỏ hoe xúc động: “Em sinh ra không thấy mặt ba, chỉ biết ba qua di ảnh và lời mẹ kể. Năm nào em cũng đến Trường Sơn vào dịp tháng tư. Mỗi lần đến đây là một lần xúc động. Em tự hào vì được nối tiếp truyền thống của gia đình. Thế hệ thanh niên chúng em hôm nay, phải hành động bằng việc làm thực tế, cùng chung lưng góp sức xây dựng đất nước giàu đẹp hơn, với tất cả lòng kính trọng và nghĩa cử cao đẹp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.  

Những người lặng thầm khói nhang  

Hiện nay, ở nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9 Nam Lào có hơn 20.000 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều mộ liệt sĩ chưa biết tên, là nghĩa trang quy tập nhiều mộ liệt sĩ nhất của cả nước, chia thành nhiều khu, với nhiều phần mộ, như khu mộ liệt sĩ thời chống Pháp, thời chống Mỹ, khu mộ các anh hùng, liệt sĩ chưa biết tên. Những người trông coi ở nghĩa trang này được người dân gọi thân mật là “những người thầm lặng khói nhang”.  

Theo ông Nguyễn Văn Thông, một trong những người chuyên nhang khói cho các liệt sĩ: “Để quy tập mộ liệt sĩ theo khu vực, thẳng hàng lối, biết bao mồ hôi công sức trí tuệ, máu và nước mắt của nhiều người, có người đã vĩnh viễn nằm lại trên những cung đường, những cây cầu đi tìm mộ đồng đội. Những ngày tháng tư lịch sử này, người đổ về đây nhiều hơn. Người đi tìm mộ, người đi thăm viếng. Công việc của những người trông coi nghĩa trang cũng nhiều hơn. Ngoài tu chỉnh vệ sinh, sơn sửa, chúng tôi đã đào gần 1.000 hố sẵn đón hài cốt liệt sĩ  thất lạc tìm kiếm được đem về”.  

Tạm biệt Quảng Trị, tạm biệt Trường Sơn, tạm biệt các anh hùng liệt sĩ! Vòng hoa viếng trước mộ các anh hôm nay, gói trong đó ân tình, nghĩa cử và lòng biết ơn sâu sắc của những người lính Cụ Hồ và thanh niên cả nước đối với các anh - những con người quyết tử cho Tổ quốc, giành lại độc lập cho hôm nay và mai sau.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất