Nhà báo Vũ Huyến, cựu sinh viên lớp Văn khóa VIII (1963-1967), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chia sẻ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quý mến bạn bè. Nếu không vướng công việc, Tổng Bí thư không bỏ cuộc họp lớp nào. "Khi đến, bao giờ đồng chí Tổng Bí thư cũng mang theo túi quà nhẹ nhẹ để có thể biếu các thầy cô, cũng có quà để chia sẻ, góp vui với lớp”.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi họp lớp.
|
Khi chiếc xe “cà cộ” ấy vừa dừng bánh, tôi - như một thói quen nghề nghiệp - giơ máy ảnh lên. Anh Nguyễn Phú Trọng bước ra, chân đi dép lê, tay xách túi giấy, cười hiền hậu thay cho lời chào bạn bè.
Khoảnh khắc mang tên "Đi họp lớp" hôm ấy được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội nhiều ngày nay - từ khi người bạn đồng môn của tôi - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - từ trần.
Trong chiếc túi giấy, nếu tôi nhớ không nhầm, là hai chai rượu anh Trọng mang đến - phần để biếu thầy cô, phần để góp vui với lớp.
Lớp Văn khóa 8 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của chúng tôi rất đặc biệt: không chỉ đông, mà còn đa dạng thành phần. Một phần là sinh viên từ Đông Âu về, phần khác từ Khoa Thư viện của trường Đại học Văn hóa gửi sang, còn lại là học sinh giỏi văn phổ thông. Anh Trọng và tôi nằm trong số "giỏi văn" này. Ra trường, chúng tôi mỗi người một việc, tản mát khắp nơi. Bắt đầu từ khoảng những năm 1990, Văn K8 mới tụ họp thường xuyên hơn, gần như sau Tết nào cũng gặp. Càng về sau, lớp càng có nhiều người thành quan chức, “ông này bà nọ”. “To nhất” là Tổng Bí thư Trọng. Nhưng với chúng tôi, anh Trọng chỉ như một người bạn học. Anh cũng chỉ mong được đối xử như thế trong những lần họp lớp.
Lớp chúng tôi có lệ, ai quê ở đâu thì mang theo đặc sản vùng đó đến góp chung mỗi kỳ gặp mặt. Đi họp, anh Trọng cũng xách theo "quà quê" - lúc bầu rượu, khi thì gói bánh; cũng đóng quỹ đúng kỳ, đúng hạn. Chụp ảnh, anh thường đứng sau, dành hàng trước cho thầy cô và các đồng môn lớn tuổi hơn.
Thời sinh viên anh thế nào thì mãi về sau anh vẫn như vậy.
Anh nhỏ nhẹ, hiền lành, không nổi bật trong lớp bằng tài lẻ, không biết đàn hát, cũng không giỏi thể thao. Một lần lớp tôi tổ chức diễn kịch "Nổi gió" của Đào Hồng Cẩm, Trần Đức Chính - sau này là Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động - được đóng Trung úy Phương, Hồng Duệ - về sau là nhà văn, đại tá - đóng chị Vân. Tôi đảm nhận chân "cầm loa", thông báo bà con ngồi xem trật tự. Còn anh Trọng chỉ là người vác bình điện... theo sau tôi.
Nhưng anh khác biệt hẳn so với phần lớn chúng tôi ở sự nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo và khả năng tổ chức, lãnh đạo. Chúng tôi vẫn thường đùa: Trọng có biết hát hò gì đâu, nhưng đôn đốc thì ghê lắm.
Lớp chúng tôi cứ thế bao bọc, chỉ bảo cho nhau, người này học người kia, trước đã vậy và sau này cũng thế. Trong cuộc sống riêng, chúng tôi giúp nhau được việc gì là giúp - như những người bạn thân tình, nhưng không lẫn lộn việc công với việc tư.
Năm 2001, con tôi cưới. Tôi cầm thiệp đến mời, anh Trọng nhận rồi cười - nụ cười cho tôi biết, rằng anh không dự đám cưới được. Tôi nói với anh, vì lớp mình đã thống nhất "chuyện vui cũng báo, chuyện buồn cũng báo", nên tôi tới mời anh, chứ tôi cũng hiểu.
Bốn hôm sau đám cưới, anh đến nhà tôi, đỗ xe tận ngoài phố, rồi đi bộ vào nhà. Cấp dưới của anh chỉ báo trước cho tôi ít phút, nên việc đón tiếp cũng thật sơ sài, chỉ có trà và bánh. Chúng tôi ngồi hàn huyên. Anh gửi phong bì mừng cưới con tôi như mức chung với mọi đám cưới lúc bấy giờ.
Một lần khác, vợ của một người bạn trong lớp qua đời. Anh không tới viếng được. Nhưng sau đó, nhân một dịp gặp nhau trong công việc, anh giữ bạn lại, thăm hỏi rồi gửi chút tiền hỗ trợ bạn.
Ngoài những lần họp lớp cùng nhau, anh Trọng từng hai lần đến nhà tôi chơi. Tôi cũng nhiều lần đến thăm anh và chị Mận, như những người bạn thỉnh thoảng ghé qua nhau.
Đêm trước Quốc tang, tôi đạp xe tới Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Mưa to, tôi lặng lẽ đứng ngoài nhìn vào. Mấy anh bảo vệ, công an vẫn đang làm nốt các công việc chuẩn bị cho buổi đưa tiễn bạn. Sáng hôm qua, một nhóm lớp Văn K8 chúng tôi hẹn nhau tới viếng, rồi cùng ra về, tụ tập lại một chỗ, ôn lại ký ức về anh Trọng.
"Dân người ta biết cả đấy".
Nhìn những hàng dài người dân khắp nơi đội mưa, đội nắng viếng Tổng Bí thư, tôi bỗng thấm thía hơn bao giờ hết câu nói dân dã đó.
Lòng dân đo tất cả.
Dân còn thương là còn tin, là còn lạc quan về con đường phía trước.
Chúng tôi biết anh còn nhiều mong ước, nhiều dự định dang dở. Nhưng tôi tin là rồi mọi việc sẽ đâu vào đó, như những gì thế hệ chúng tôi đã trải qua: học hỏi lẫn nhau, người trước bảo người sau. Các thế hệ tiếp theo sẽ đảm nhận nốt những phần việc còn chưa hoàn thành.
Lần gặp nhau gần đây nhất là năm 2023, lúc ấy anh Trọng còn nói với tôi: "Ông Huyến ơi, sang năm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lớp mình cố gắng để họp nhé. Lớp mình lại gặp nhau thật vui nhé". Nhưng, cuộc hẹn năm 2025 sẽ không thể thành hiện thực!
PV (tổng hợp)