TP.HCM: Dự kiến đến đầu tháng 1-2022 sẽ dạy và học trực tiếp trên phạm vi toàn thành phố

Dự kiến đến đầu tháng 1-2022 sẽ dạy và học trực tiếp trên toàn TP.HCM.

Số bệnh nhân xuất viện nhiều hơn nhập viện, số bệnh nhân tử vong 2 con số

Về tình hình dịch bệnh, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ 00 ngày 6-10-2021, có 403.997 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 403.501 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 496 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 20.905 bệnh nhân, trong đó có 1.735 trẻ em dưới 16 tuổi, 631 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tính từ ngày 2-10 đến 6-10, số bệnh nhân xuất viện luôn cao hơn số bệnh nhân nhập viện. Riêng ngày 6-10 có 1.205 bệnh nhân nhập viện, 2.740 bệnh nhân xuất viện; tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 225.304.

Số bệnh nhân nhập viện, xuất viện

Có 92 trường hợp tử vong trong ngày 6-10 (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 15.525).

Tổng số vắc-xin đã triển khai tính đến ngày 6-10-2021, mũi 1 là 7.013.921 và mũi 2 là 4.951.439.

Hiện có 20 địa phương trên địa bàn Thành phố đề nghị công nhận đã kiểm soát được dịch.

Đã có 2 bệnh viện chính thức chuyển đổi công năng hoàn toàn, trở về nhiệm vụ ban đầu là tiếp nhận bệnh thông thường là Bệnh viện Quận 7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Tuy nhiên, hiện số lượng bệnh nhân khám ngoại trú các bệnh thông thường tại 2 bệnh viện này chưa cao. Bệnh viện Quận 7 khoảng 500 bệnh nhân/ngày (trước dịch, bệnh viện tiếp nhận 800-1.000 bệnh nhân/ngày). Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, sau khi hoạt động với chức năng  cũ, ước tính khoảng 1.500 - 2.000 bệnh nhân/ngày.

Dự kiến đầu tháng 1-2022 sẽ dạy và học trực tiếp tại trường

Thông tin về tình hình giảng dạy tại TP.HCM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở đang triển khai dạy học trên in-tơ-nét, qua truyền hình và các phương tiện khác. Thống kê cho thấy, khối tiểu học và trung học cơ sở học trực tuyến khá cao trên 97%, trung học phổ thông trên 99%. Khối tiểu học hiện có trên 30.000 em đang còn ở tại các tỉnh, thành phố khác; có khoảng 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại TP.HCM, hơn 5.000 học sinh đang học tạm tại các trường tiểu học địa phương, hiện có một số ít các em không có thiết bị để học trực tuyến và thầy cô đã chuyển các phiếu học tập, hướng dẫn học tập đến nhà cho các em.

Tính đến nay, khối trung học phổ thông thì đã học được 4 tuần, trung học cơ sở thì 2 tuần đã trải qua việc dạy học trên in-tơ-nét. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nhận thấy rằng việc dạy và học trên in-tơ-nét vẫn còn nhiều khó khăn do số lượng học sinh rất lớn. Nếu tính từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông là hơn 1,3 triệu em. Với số lượng này, khi các em cùng đăng nhập lên hệ thống thì hệ thống không chịu nổi. Vì vậy, Sở cũng đã có văn bản gởi Sở Thông tin và Truyền thông, Công viên phần mềm Quang Trung nâng cấp dung lượng đường truyền, bổ sung máy chủ để tăng khả năng phục vụ công tác dạy và học trên môi trường in-tơ-nét.

Cách dạy và học ở Thành phố cũng khác với một số tỉnh, thành phố khác, dạy trực tuyến không chỉ là lên livetream mà phải chuẩn bị cho quá trình dạy có quản lý, có tổ chức, có phân công nhiệm vụ, học sinh tự nghiên cứu bài học, trao đổi và giao tiếp với thầy, cô giáo, với bạn bè trước khi bước vào giờ học chính thức. Để giảm bớt thời lượng trực tuyến nhằm để giảm tải đường truyền Sở cũng phân luồng ra thành nhiều hệ thống, hiện có 12 phần mềm do các đơn vị trên địa bàn Thành phố cung cấp miễn phí cho các trường.

Về kết quả dạy học, theo ông Hiếu, trong 2 tuần đầu, việc tiếp nhận kiến thức của học sinh ở cấp tiểu học tương đối tốt. Các clip dạy học trên chương trình truyền hình phong phú, đáp ứng nhu cầu học của học sinh tiểu học, cụ thể là lớp 1 và 2.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dạy và học trực tiếp. Hiện có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được sử dụng phục vụ cho việc phòng, chống dịch COVID-19, mới có 150 cơ sở có chủ trương trả lại và đang được khử khuẩn, sữa chữa để chuẩn bị đưa vào dạy học trực tiếp. Theo dự kiến giữa tháng 11 sẽ hoàn tất việc chuyển giao các trường học cho Sở Giáo dục và Đào tạo, việc dạy và học trực tiếp sẽ được tổ chức trở lại đầu tháng 1-2022.

Hiện nay, UBND huyện Cần Giờ đã có văn bản đề nghị Thành phố cho dạy học trực tiếp tại 2 trường ở Cần Giờ, Sở đã có đi kiểm tra và đề nghị xây dựng bộ tiêu chí của trường và đội phòng, chống COVID tại chỗ để đảm bảo an toàn khi các em học sinh đến trường trở lại. Dự kiến vào ngày 11-10, học sinh lớp 1, 2, 6, 9, 12 tại 2 trường thuộc xã đảo Thạnh Anh (Cần Giờ) sẽ được học trực tiếp trở lại.

Dự kiến đến đầu tháng 1-2022 sẽ dạy và học trực tiếp trên toàn thành phố (Ảnh: TTXVN).

Hơn 2,3 triệu người đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3

Tại Họp báo, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Nguyễn Văn Lâm cho biết, về việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, tính đến nay, 2.373.049 người tại TP.HCM đã nhận được hỗ trợ. Có 3 quận dẫn đầu về tiến độ giải ngân gồm: quận Phú Nhuận (96,3%), Quận 5 (92, 2%), Quận 1 (92,5%). Với tiến độ trên, dự kiến đến cuối tuần này, một số quận sẽ hoàn thành việc chi trả. “Đến ngày 15-10, dự kiến công tác chi trả hỗ trợ tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ được hoàn tất đúng tiến độ”, ông Lâm cho hay.

Đã có 28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại

Về phương án mở lại các chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú thông tin, đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã có 28/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Theo khảo sát, các chợ này tập trung tại Quận 5 (5 chợ), huyện Củ Chi (7 chợ), huyện Cần Giờ (8 chợ). Dự kiến ngày 8-10, Thành phố tiếp tục mở thêm 3 chợ truyền thống để đảm bảo công tác cung ứng lương thực và hàng hóa cho người dân.

Nguồn hàng về chợ đầu mối, dù chưa hoạt động nhưng các chợ đều có các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Hiện nay, các điểm này đang hoạt động ổn định, nguồn hàng về tăng dần so với thời gian trước ngày 1-10 (khoảng 1.100 - 1.200 tấn/ngày)”, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết.

Tiếp nhận khoảng 9.000 đơn đề nghị di chuyển liên tỉnh

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Bùi Hoà An, hiện tại, Sở tiếp nhận khoảng 9.000 đơn đề nghị di chuyển liên tỉnh của người dân và đã giải quyết hơn 1/3 số đơn đề nghị.

Chiều ngày 6-10, Sở Giao thông vận đã tải tiến hành thử nghiệm, cho người dân đăng ký hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Sở (thay vì đăng kí qua email). Từ đó, Sở nhận thấy việc thực hiện và phản hồi nhanh hơn trước.

Đối với phương án lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, Sở Giao thông vận tải thành phố đã có Văn bản 3252 gửi một số địa phương, đề nghị các tỉnh thống nhất phương án, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển. Đến nay, TP.HCM đã nhận được phản hồi từ các tỉnh và đang hoàn thiện phương án theo góp ý.

Liên quan đến việc tiếp nhận, hỗ trợ người dân muốn về quê thông qua đường dây nóng của Bộ Tư lệnh thành phố, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh thành phố Thượng tá Nguyễn Thanh Phong thông tin, từ khi tổ chức đường dây nóng, hiện nay Bộ Tư lệnh thành phố ghi nhận có trên 200 người dân đăng kí về quê ở 45 tỉnh, thành phố. Về vận chuyển, Sở Giao thông vận tải Thành phố vừa có Văn bản số 10722/SGTVT-VP về việc hướng dẫn đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cần thiết. Khi người dân gọi qua đường dây nóng của Bộ Tư lệnh thành phố, người dân sẽ được hướng dẫn để thực hiện đăng ký theo Văn bản 10722/SGTVT-VP của Sở Giao thông vận tải thành phố.

H.Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất