TP. Hồ Chí Minh: Tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ còn thấp do hết vắc-xin
Đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo.

Đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Theo số liệu của HCDC tính đến ngày 26-9, về số mũi tiêm liều 3 cho trẻ em 12-17 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh đạt 34,6%, thấp hơn trung bình cả nước là 57,9%. Đối với mũi 1, số trẻ tiêm ở độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 62,4%, thấp hơn trung bình cả nước là 88,6%. Còn mũi 2 là 34,9%, thấp hơn trung bình cả nước là 60,9%.

Theo đồng chí Trần Hồng Tâm, vắc-xin hết nên không thể tăng tỷ lệ tiêm, đây là nguyên nhân khách quan. Trước tình hình này, Thành phố vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp để đảm bảo cho trẻ em tiêm chủng nhiều nhất. Cụ thể, Sở Y tế và Ngành Giáo dục thành phố tổ chức tiêm cho trẻ tại trường, tại các điểm lưu động; thậm chí hỗ trợ tổ chức các xe tiêm lưu động để sẵn sàng hỗ trợ các quận, huyện có nhu cầu tiêm cho trẻ.

Trước đó, ngày 13-9, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phân bổ thêm 23.000 liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 9 và 10.

Hơn một tháng qua, Thành phố bị gián đoạn cung ứng vắc-xin Moderna, khiến 116.000 trẻ đã tiêm mũi một không có vắc-xin để tiêm mũi hai. Ngày 20-9, Bộ Y tế cho biết Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức điều chuyển vắc-xin giữa các địa phương, phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc để có thể sớm tiếp nhận vắc-xin Moderna, đảm bảo trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ liều.

Đồng chí Trần Hồng Tâm - Phó giám HCDC phát biểu tại buổi họp báo.

Đồng chí Trần Hồng Tâm - Phó Giám HCDC phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: H.Hào).

Cũng theo đồng chí Trần Hồng Tâm, trước nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm khi học sinh đi học trở lại, công tác phòng, chống dịch bệnh được Sở Y tế và Ngành Giáo dục thành phố phối hợp chặt chẽ, có những biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe cho thầy cô và các em học sinh.

Đối với bệnh tay chân miệng, Ngành Y tế thành phố khuyến cáo giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, khử khuẩn các bề mặt thường xuyên. Với bệnh sốt suất huyết, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo nhà trường thường xuyên phát quang bụi rậm, không để ứ đọng nước, phát sinh lăng quăng; cũng như phối hợp với trường học tổ chức các buổi truyền thông chuyên đề về phòng, chống dịch bệnh cho giáo viên và học sinh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất