TPHCM đang tương ứng cấp độ 2; xây dựng 4 kịch bản tương ứng với 4 tình huống dịch

Đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo chủ trì Họp báo.

Số bệnh nhân thở máy giảm liên tục nhiều ngày

Tính đến 18 giờ 00 ngày 24-10-2021, có 425.674 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 425.162 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 512 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 10.996 bệnh nhân, trong đó: có 746 trẻ em dưới 16 tuổi, 286 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24-10: có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 247.155).

Số bệnh nhân nặng thở máy giảm liên tục trong nhiều ngày liền (ngày 20-10 là 333, 21-10 là 318, 22-10 là 296, ngày 23-10 là 291 và ngày 24-10 là 286).

Số bệnh nhân tử vong giảm xuống còn 2 con số, trong ngày là 24-10 là 40 (ngày 20-10 là 41, 21-10 là 33, 22-10 là 42, ngày 23-10 là 30, ngày 24-10 là 40); tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 16.514.

Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 24-10-2021: tổng số mũi 1 là 7.146.125,  mũi 2 là 5.603.627.

Tổ chức 3 đoàn kiểm tra tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức

Đồng chí Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố cho biết, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 3456 ngày 16-10-2021 về việc tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra về tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại 24 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Về nội dung kiểm tra; thứ nhất là kiểm tra tình hình việc thực hiện chính sách theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố và Công văn 2209 ngày 1-7-2021 của UBND TPHCM; thứ hai là thực hiện kiểm tra chính sách hỗ trợ theo Công văn số 2627 ngày 8-8-2021 và Công văn 2799 ngày 21-8-2021 của UBND TPHCM; thứ 3 là kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 97 của HĐND thành phố ngày 22-9-2021 và Công văn 3181 của UBND thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH phát biểu tại buổi Họp báo.


Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB &XH, từ 29-10 đến 31-10 các thành viên trong đoàn tổ chức hội ý, ngày 26-10 Phó Chủ tịch sẽ tổ chức họp 3 đoàn để thống nhất việc tổ chức kiểm tra. Từ ngày 1-11 đến 15-11 tất cả các đoàn tổ chức kiểm tra ở 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức; ngày 16 -11 đến 20-11 các đoàn tổng hợp báo cáo cho UBND thành phố; ngày 23-11 Sở sẽ thông qua báo cáo và có tờ trình gởi cho UBND để UBND thành phố trình HĐND thành phố.

Đã có 120 chợ/234 chợ truyền thống đã được mở lại

Tại buổi Họp báo, đồng chí Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, lượng hàng hóa cung ứng cho Thành phố đã tương đối ổn định, bình quân khoảng 6.000tấn/ngày. Về tổ chức trạm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối, bình quân có khoảng 1.700 tấn hàng hóa về trong một đêm. Đối với chợ truyền thống đã có 120 chợ/234 chợ truyền thống đã được mở lại, các chợ còn lại dự kiến được mở trong thời gian tới. Hiện còn 2 quận, huyện chưa mở lại được chợ nào vì các quận, huyện này vẫn còn đang xem xét mức độ an toàn của dịch bệnh. Dự kiến từ ngày 26-10 đến 31-10, Thành phố sẽ mở lại 19 chợ truyền thống nữa.

Thành phố đang tương ứng cấp độ 2

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, về kịch bản ứng phó với hệ thống điều trị cho từng tình huống, từng cấp độ cho giai đoạn thưc hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dich COVID-19. Hiện nay, số ca mắc mắc mới trên Thành phố có giảm và Thành phố công bố đang tương ứng với cấp độ 2. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, nếu chỉ dựa vào tiêu chí là ca mắc mới của 100.000 dân/tuần thì Thành phố đang ở cấp độ 3 nhưng do Thành phố có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, trên 18 tuổi đạt 99% và tỷ lệ tiêm đủ mũi cho người trên 65 tuổi đạt trên 91,8%. Do đó, áp theo tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ thì Thành phố được xếp vào nhóm cấp độ 2. Hiện số ca mắc mới tại Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao nên công tác phòng, chống dịch Thành phố và các kế hoạch ứng phó của ngành Y tế vẫn ở cấp độ 3, cần phải thận trọng trong thời điểm hiện nay, không được chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh. Người dân nghe Thành phố được đánh giá dịch đang ở cấp độ 2 nên có tư tưởng chủ quan, không tuân thủ 5K.

Trong cuối tháng 11, Thành phố phải hoàn toàn tự lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh vì tất cả các đoàn y tế hỗ trợ cho Thành phố đều phải rút đi hết – đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu.

Xây dựng 4 kịch bản tương ứng với 4 tình huống dịch

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngành Y tế đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó tương ứng với các tình huống dịch bệnh trong giai đoạn mới, cụ thể:

Thứ nhất, nếu tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố được kiểm soát tốt, số ca mắc mới tương ứng mức độ 1. Đối với các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cách ly và điều trị tại nhà. Đối với các trường hợp cần nhập viện để điều trị thì các bệnh viện thu dung điều trị là: Bệnh viện Dã chiến số 16; Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Từ Dũ với 2.000 giường (trong đó có 1.040 giường ô-xy và 360 giường ICU), 120 giường cho trẻ em và 60 giường cho phụ nữ mang thai. 

Thứ hai, nếu tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 2 thì đối với các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cách ly và điều trị tại nhà. Đối với các trường hợp cần nhập viện để điều trị thì các bệnh viện thu dung điều trị là: 2 bệnh viện dã chiến Thành phố (dã chiến số 13 và số 16); các bệnh viện quận, huyện; 2 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2); 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương) với 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường ô-xy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai. 

Thứ ba, nếu tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca mắc mới tương ứng mức độ 3 thì đối với các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cách ly và điều trị tại nhà. Đối với các trường hợp cần nhập viện để điều trị thì các bệnh viện thu dung điều trị là: 3 bệnh viện dã chiến thành phố (Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16); bệnh viện dã chiến quận, huyện; 3 bệnh viện hồi sức COVID-19 (Chợ Rẫy, Quân y 175, Bệnh nhiệt đới); 3 bệnh viện chuyên khoa nhi (Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2, Nhi đồng 1) và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Từ Dũ, Hùng Vương; với tổng cộng 11.623 giường (trong đó có 3.815 giường ô-xy và 803 giường ICU), 180 giường cho trẻ em và 120 giường cho phụ nữ mang thai. 

Thứ tư, nếu tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố bùng phát lại, số ca mắc mới tăng cao tương ứng mức độ 4, ngoài các bệnh viện được huy động ở mức độ 3 thì mỗi quận, huyện phải đảm bảo có một bệnh viện dã chiến 300-500 giường. Tổng giường điều trị COVID-19 là 16.556 giường (bao gồm 6.568 giường ô-xy và 2.029 giường ICU).

Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ

Hiện nay có phản ánh một số chung cư yêu cầu khách đến phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định, điều này là không đúng với tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Ông cho biết, công tác xét nghiệm chỉ được thực hiện khi người dân có triệu chứng hoặc đang ở khu cách ly, vùng cấp độ 4.

Theo Phó Giám đốc HCDC Nguyễn Hồng Tâm, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Tại Quyết định này, Bộ Y tế chỉ rõ, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ (các trường hợp có triệu chứng; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe, siêu thị, cơ sở khám chữa bệnh,…; các nhóm nguy cơ di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều người như người giao hàng, người chạy xe chở khách…; tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, công sở…).

Còn một số trường hợp tử vong do COVID-19 không có địa chỉ

Về việc bàn giao tài sản, di vật của các nạn nhân tử vong do COVID-19, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh thành phố cho biết, ngày 21-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức đã ký ban hành Công văn số 3499 đồng ý giao Bộ Tư lệnh thành phố chủ trì tiếp nhận, thống kê, lưu giữ và bàn giao di vật, tài sản cho gia đình các nạn nhân tử vong do COVID-19.

Theo kế hoạch, 14 giờ ngày 28-10, Bộ Tư lệnh thành phố cùng với Công an thành phố, Sở Y tế và đại diện UBND các quận - huyện, TP. Thủ Đức sẽ tổ chức triển khai văn bản này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vẫn còn một số trường hợp không có địa chỉ hoặc vô danh, Bộ Tư lệnh thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm để bàn giao di vật của người đã mất về với gia đình, người thân sớm nhất có thể” - Thượng tá Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Hoàng Hào

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất