Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố:
Tình hình dịch bệnh tại TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ ngày 9-7 đến 06 giờ ngày 15-7-2021 có 9.454 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố, đã có 142 trường hợp tử vong; trung bình mỗi ngày phát hiện 1.305 ca bệnh; đa số ca nhiễm được ghi nhận tại các khu cách ly, khu phong tỏa; số ca nhiễm khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp. Hiện đang điều trị 20.411 trường hợp dương tính mới, trong đó có 246 ca đang thở máy, 7 trường hợp cần can thiệp ECMO. TPHCM cũng đang cách ly tập trung 14.968 người và cách ly tại nhà 37.400 người.
Những kết quả đạt được
Về chỉ đạo, điều hành
TPHCM đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại trụ sở UBND TP để theo dõi, xử lý nhanh chóng tình hình dịch bệnh trên địa bàn gồm 16 thành viên, chỉ huy trưởng là Chủ tịch UBND TP; thành lập cơ quan thường trực Sở Chỉ huy gồm 6 thành viên do đồng chí Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách chung, các thành viên của Sở Chỉ huy luân phiên trực 24/24 để xử lý công việc; thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 của TPHCM, đặt tại Trụ sở UBND TP, do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP là Trưởng Trung tâm; thành lập Trung tâm Thông tin, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM; thành lập Trung tâm Mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trong thời gian đại dịch COVID-19; thành lập Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng Trung tâm, trung tâm này có nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM thực hiện điều phối, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn.
Ngoài ra, TPHCM còn phát động và triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu vận động toàn thể nhân dân và cả hệ thống chính trị TP cùng đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia cùng chính quyền TPHCM đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong vòng 15 ngày.
Về tổ chức xét nghiệm
TPHCM thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng Trung tâm. Trên cơ sở đó, 22 quận - huyện - TP. Thủ Đức đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo xét nghiệm, có trách nhiệm điều hành toàn bộ công tác lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả với phương châm “Rõ - Chắc - Nghiêm - Nhanh".
Về công tác cách ly và điều trị
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16, số ca bệnh trong khu cách ly, khu phong tỏa chưa có dấu hiệu giảm, do đó TPHCM đã tập trung thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý, đảm bảo thực hiện giãn cách như: lắp đặt hệ thống camera giám sát; phát huy tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng trong khu vực phong tỏa, tăng cường kiểm tra, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, hộ gia đình cách ly với hộ gia đình; hỗ trợ mạng truy cập di động để người cách ly có điều kiện giải trí, nâng cao tinh thần.
Về năng lực cách ly
Hiện nay, ngoài 14 khu cách ly F1 ban đầu do TPHCM quản lý (trong đó đã chuyển 3 khu thành khu điều trị F0) với quy mô 7.000 người; thì UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có 88 khu cách ly tập trung với sức chứa 10.000 người; đã vận động 55 khách sạn thực hiện cách ly có thu phí với sức chứa khoảng 4.000 người.
Về năng lực điều trị
Dưới áp lực của sự gia tăng về số ca nhiễm trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16, trong vòng 3 ngày TPHCM đã tập trung sửa chữa, đưa vào sử dụng 5 khối nhà chung cư đang trống thuộc Khu tái định cư ở phường An Khánh, TP. Thủ Đức (quy mô 24.000 giường) và Trung tâm Hồi sức COVID-19 với cấu trúc hạ tầng hiện đại, có khả năng hỗ trợ hô hấp cùng lúc lên đến 1.000 bệnh nhân.
Đến nay, TPHCM có thể khẳng định đã sẵn sàng cho việc ứng phó khi có 20.000 ca nhiễm COVID-19. Tổng năng lực hiện nay của TPHCM là 39.240 giường, trong đó có 23 bệnh viện điều trị COVID-19 (gồm 9 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị; 13 bệnh viện điều trị; 1 bệnh viện hồi sức). Hiện đang điều trị cho 15.990 bệnh nhân (chiếm 40% tổng năng lực).
Về trang thiết bị y tế chuyên dùng
Như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân,… sẽ được ngành Y tế huy động nguồn lực sẵn có từ các bệnh viện trên địa bàn TPHCM và sẽ sử dụng các trang thiết bị hiện đại được trang bị cho khoa Hồi sức của BV Ung bướu cơ sở 2. Ngoài ra, sẽ ưu tiên phân bổ các trang thiết bị do Mặt trận Tổ quốc TP chuyển đến từ các nhà tài trợ, cũng như các thiết bị y tế được Bộ Y tế chi viện.
Về công tác tiêm vắc-xin
Qua 4 đợt tiêm, tổng số lượt người đã được tiêm là 991.872, trong đó có 943.215 mũi 1 và 48.657 mũi 2.
Thực hiện các giải pháp sản xuất an toàn
Để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu đảm bảo sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết; UBND TP đã ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung các nội dung sau:
Cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM khi đảm bảo một trong hai trường hợp sau:
Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.
Doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
TPHCM đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất; thực hiện xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự chi trả.
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động; thời gian dừng hoạt động bắt đầu từ 00 giờ 00, ngày 15-7-2021 cho đến khi có chỉ đạo mới.
Sau thẩm định, số doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện đã đăng ký tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất tại khu chế xuất - khu công nghiệp là 216 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 205 doanh nghiệp. Số lao động đang lưu trú tại doanh nghiệp đã triển khai thực hiện là 26.570. Về chuẩn bị nhà xưởng, nhà kho làm nơi cách ly tạm thời: đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng. Trong đó: KCX Tân Thuận đã sử dụng nhà xưởng 2 tầng với 4.000m2; KCX Linh Trung đã sử dụng nhà xưởng với 1.800m2.
Công tác hỗ trợ người lao động, người dân, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19:
Các quận huyện và TP. Thủ Đức đã tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TPHCM. Đến nay đã giải ngân chi hỗ trợ được 310,2 tỉ đồng cho 206.795 người, đạt 35%.
Bên cạnh việc hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP, các địa phương cũng đã chủ động vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí trên 123,4 tỉ đồng, bao gồm tiền mặt và hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Một số địa phương có mức vận động khá như quận Bình Tân vận động được trên 29,3 tỉ, quận Bình Thạnh vận động được 11,9 tỉ, thành phố Thủ Đức 11,9 tỉ đồng, các quận 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Củ Chi vận động được trên 8 tỉ đồng…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động các nguồn hỗ trợ (bằng vật phẩm và hiện kim) từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung tay. Từ đó, tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ chăm lo đời sống cho người dân nghèo, khó khăn trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP đã tiếp nhận số tiền hơn 996 tỷ 524 triệu đồng; trong đó, đã phân phối tiền và hàng hóa, trang thiết bị trị giá 869 tỷ 208 triệu đồng.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người yếu thế, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 TP đã chi số tiền 3.900.000.000 đồng (Ba tỷ chín trăm triệu đồng) để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu (300.000 đồng/phần) cho người yếu thế, hộ khó khăn trên địa bàn TPHCM.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân:
TPHCM đã tổ chức khảo sát, đánh giá, đảm bảo điều kiện cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, TP. Thủ Đức gồm 106 siêu thị, 2.616 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn và 28.700 cửa hàng bách hóa; đồng thời, triển khai đến các hệ thống phân phối về phương châm “tiêu thụ đến đâu, lấp đầy đến đó” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó, đã yêu cầu các hệ thống phân phối nâng cao năng lực dự trữ và bán hàng với 5.000 tấn thực phẩm tươi sống, 6.000 tấn rau củ quả hàng ngày, đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thành đoàn TPHCM tổ chức Chương trình “Chợ nghĩa tình” từ ngày 23-6-2021 đến nay (theo mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ https://chonghiatinh.vn), thực hiện thí điểm thành công việc đưa hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 2 khu vực thuộc huyện Hóc Môn và 1 khu vực ở quận Bình Tân. Đến nay, đã hỗ trợ đến người dân tại các khu cách ly, vùng phong tỏa 3.907 sản phẩm gồm: 1.700 sản phẩm cho khu vực huyện Hóc Môn và 2.207 sản phẩm cho khu vực quận Bình Tân.
Ngoài ra, Thành đoàn TPHCM, Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã phối hợp triển khai Chương trình “Siêu thị 0 đồng” từ ngày 26-6-2021 đến nay, nhằm giúp người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cung cấp các nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày, qua đó đã trao tặng 8.000 giỏ hàng nhu yếu phẩm (phiếu mua hàng, người dân tự chọn lựa sản phẩm trong siêu thị) với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng.
Tình hình giao thông:
Mật độ giao thông trên toàn địa bàn TPHCM giảm khoảng 70-80% so với thời điểm chưa thực hiện Chỉ thị 16. TPHCM đã tổ chức phân luồng giao thông tại 12 chốt kiểm soát phòng chống dịch tại các cửa ngõ ra vào TPHCM. Đã cấp Giấy ưu tiên phương tiện có mã QR - tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu (từ TPHCM đi các tỉnh, xe quá cảnh qua địa bàn TPHCM) với số lượng hơn 28.500 xe cho gần 50 đơn vị, góp phần đảm bảo vận chuyển lưu thông hàng hóa thuận lợi. TPHCM đã đề nghị các địa phương điều chỉnh linh hoạt hơn, không lập các chốt cố định mà tăng cường lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát lưu động để phát hiện, nhắc nhở và xử phạt người dân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, trong đó có việc ra đường khi không cần thiết.
Toàn cảnh buổi sơ kết (Ảnh: TT báo chí TPHCM).
Công tác kiểm tra, giám sát:
Từ ngày 9-7 đến nay, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã thành lập 969 đoàn kiểm tra; xử phạt 3.991 vụ với tổng số tiền 8 tỷ đồng (chủ yếu các lỗi vi phạm do tập trung đông người, các loại hình tạm ngưng kinh doanh nhưng vẫn cố tình hoạt động, đi ra ngoài không có lý do chính đáng…).
Công tác thông tin, tuyên truyền:
Các cơ quan báo chí đã tập trung và đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung trọng tâm liên quan đến công tác chống dịch COVID-19 của TPHCM, trong đó trọng tâm: thí điểm cách ly F1 tại nhà; Chăm lo cho các đối tượng khó khăn, không thường trú trên địa bàn; Cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân; Triển khai Cổng thông tin 1022 để kịp thời giải quyết nhanh các phản ánh, kiến nghị của người dân.
TPHCM đã có nhiều giải pháp để nắm bắt thông tin và tình hình dư luận quần chúng nhân dân, đồng thời chủ động tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về quá trình thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì họp báo định kỳ và cung cấp thông tin khi cần thiết cho báo chí đối với các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh
TPHCM đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác xét nghiệm. Dữ liệu xét nghiệm từ khi lấy mẫu, chuyển đến các cơ sở xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm đã tích hợp về hệ thống ứng dụng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và Trung tâm Dữ liệu dùng chung của TPHCM theo thời gian thực.
Dữ liệu xét nghiệm đã cung cấp kịp thời cho công tác truy vết của HCDC và các quận, huyện. Đồng thời, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống dịch của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Từ ngày 10-7-2021, TPHCM đã thí điểm trả kết quả xét nghiệm bằng mã QR Code và tin nhắn SMS; Đang triển khai liên thông, đồng bộ với hệ thống quốc gia để người dân khi ra khỏi TPHCM vẫn cung cấp kết quả xét nghiệm điện tử qua điện thoại di động thông minh cho các cơ quan có liên quan. Theo kế hoạch, TPHCM sẽ hoàn thành việc kết nối này trong ngày 16-7-2021 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông.
TPHCM sử dụng ứng dụng Bản đồ COVID-19 do Sở Thông tin và Truyền thông vận hành, từ 0h ngày 9-11-2021 thực hiện thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” nhằm kéo giảm số ca phát sinh F0 trong cộng đồng hằng ngày để giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương.
Lắng nghe, tiếp thu kiến nghị và tập trung giải quyết thắc mắc khó khăn của người dân
Đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu (Ảnh: TT báo chí TPHCM).
Đánh giá tổng thể các công tác TPHCM đã triển khai trong 7 ngày qua, đồng chí Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho rằng công tác điều trị cho F0 có triệu chứng là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. TPHCM cần tiếp tục rà soát kế hoạch điều trị, tăng cường nguồn nhân lực và phương thức điều trị với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Cùng đó, các quận - huyện, TP. Thủ Đức cần nghiên cứu các hình thức phù hợp trên từng địa bàn để đẩy mạnh thực hiện chủ trương rút ngắn thời gian cách ly điều trị F0 không triệu chứng và đẩy mạnh cách ly F1 tại nhà, nhằm giảm tải cho các cơ sở thu dung điều trị nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân.
Việc cung ứng hàng hóa là việc cấp bách và quan trọng của TPHCM lúc này. Cần đẩy mạnh các giải pháp khẩn trương, hiệu quả để giải quyết vấn đề về nguồn hàng, vận chuyển từ các địa phương, tiếp nhận và tổ chức kênh cung ứng. Có thể cân nhắc việc mở lại chợ truyền thống nhưng phải đảm bảo an toàn.
Đồng thời, nghiên cứu giải pháp phối hợp, xây dựng các quy trình cơ chế để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế được tham gia vào và xử lý vấn đề của thị trường và giải quyết cấp bách nhu cầu của người dân.
Trên tinh thần “Đảm bảo an toàn mới quyết tâm sản xuất”, các doanh nghiệp cần đánh giá lại kỹ càng, đảm bảo việc tổ chức chỗ ăn chỗ ở đầy đủ cho người lao động thì mới tham gia sản xuất. TPHCM có thể chọn một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất cao, tham gia xuất khẩu nhiều để ưu tiên và hỗ trợ trong việc tổ chức an toàn, duy trì sản xuất.
Phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19” tại một số địa bàn đã triển khai rất tốt. Để tiếp tục phát huy và triển khai mạnh mẽ hơn, cần có sự quán triệt các cấp các ngành và người dân hiểu để cùng thực hiện và giám sát. Từ kết quả thực hiện này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy bày tỏ sự tin tưởng sẽ có nhiều địa phương chuyển hóa thành vùng xanh trên bản đồ COVID-19, giảm mức độ nguy cơ về dịch bệnh.
“7 ngày qua đã thể hiện rõ vai trò của lãnh đạo địa phương, cấp ủy chính quyền. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhiệm vụ sắp tới sẽ còn khó khăn và cần tập trung, quyết liệt hơn nữa. Trong đó, việc lắng nghe, tiếp thu kiến nghị và tập trung giải quyết thắc mắc khó khăn của người dân là những việc làm căn cơ để đảm bảo an sinh xã hội” – Phó Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thành phố tiếp tục tăng tốc để phấn đấu về đích theo kế hoạch đề ra
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy phát biểu (Ảnh TT báo chí TPHCM).
Thông tin về cuộc họp sáng 15-7 của Thường trực Chính phủ với các tỉnh phía nam từ Phú Yên trở vào về tình hình dịch COVID-19 đang lây lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh phía nam, nhất là TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy cho biết, nhận định chung của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam là đúng hướng. Tuy nhiên trước tính chất, diễn biến của chủng mới Delta làm nhiều nơi gặp khó khăn, lúng túng.
TPHCM đang tập trung thực hiện các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 toàn TP nhằm ngăn chặn, kiềm chế, kéo giảm, từng bước kiểm soát dịch bệnh, đây là trách nhiệm cao và thách thức lớn không chỉ với TPHCM.
Theo Bí thư Thành ủy, nhìn lại 7 ngày qua, công tác phòng, chống dịch của TPHCM đã tập trung triển khai các biện pháp như kế hoạch đề ra. Toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn đã ra quân thực hiện trên tinh thần nỗ lực quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất; đặc biệt là sự tham gia, ủng hộ, đồng tình của người dân TPHCM, sự ủng hộ của các tỉnh, thành, người dân cả nước là động lực lớn để TPHCM quyết tâm thực hiện.
TPHCM đã chuyển sang trạng thái mới từ công tác chỉ đạo, điều hành đến cách thức tổ chức phòng, chống dịch. Đó là có sự phân công rõ ràng, cụ thể theo từng công đoạn, công việc từ xét nghiệm, thu thập dữ liệu xử lý, điều trị thu dung; nhất là sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương; huy động được nhiều nguồn lực xã hội, tiếp nhận sự hỗ trợ của nhiều tỉnh thành. Đồng thời, tập trung thực hiện tương đối đồng bộ chiến lược phòng chống dịch về xét nghiệm khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị, tiêm vắc xin… quyết liệt, hiệu quả và có trách nhiệm cụ thể hơn.
Công tác cách ly điều trị đã vượt sự chuẩn bị trước đó, nhưng TPHCM và các quận - huyện đã khắc phục khó khăn để cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, TPHCM có khoảng 30.000 trường hợp cách ly phát sinh trong thời gian ngắn, đặt ra áp lực lớn trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe, nơi ăn chỗ ở cho người dân…
Qua 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, số ca F0, F1 tăng nhanh theo năng lực và phương thức xét nghiệm của lực lượng Y tế. Qua thực tế cho thấy, các trường hợp F0 vẫn còn ở cộng đồng, nhiều nơi chưa phát hiện. Vì vậy cần tập trung lực lượng để tăng cường xét nghiệm, truy vết, phát hiện sớm để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù còn khó khăn về nguồn cung nhưng việc chuẩn bị cho kế hoạch tiếp nhận và tiêm vắc xin cơ bản sẽ thực hiện được, không làm ảnh hưởng đến các biện pháp xét nghiệm, truy vết, tầm soát… Đây là sự cố gắng chung của TPHCM, đặc biệt là lực lượng được giao thực hiện công tác này, đảm bảo không để xảy ra tình trạng như trước đây.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: TPHCM đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt, sự đùm bọc, giúp đỡ của các nhà hảo tâm chăm lo cho người nghèo, người bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19. Tới đây TPHCM sẽ tiếp tục bám sát, không để bỏ sót trường hợp nào gặp khó khăn cần giúp đỡ.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng, liên tục phát sinh nhiều vấn đề làm các lực lượng thực thi bị lúng túng. Do đó, các địa phương, cơ sở, lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ cần tiếp tục gần gũi, chia sẻ với người dân, có ứng xử hài hòa, hợp lý, tránh gây bức xúc xã hội và nguy cơ lây nhiễm.
Trên cơ sở đánh giá công tác phòng, chống dịch thời gian qua, Bí thư Thành ủy đề nghị, trong thời gian tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP cần rà soát lại nơi nào thiếu lực lượng, vật tư y tế để bổ sung kịp thời; khi phân công nhiệm vụ cần đảm bảo điều kiện để thực hiện; lãnh đạo các đơn vị, địa phương phải thật sự sâu sát trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị 16 trong 8 ngày còn lại. Tập trung nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế về phân loại F0, F1…; phối hợp với các hộ gia đình để triển khai nhanh cách ly tại nhà trong điều kiện đảm bảo đầy đủ tiêu chí an toàn - xem đây là giải pháp quan trọng nhất trong tình hình hiện nay. Mở rộng công tác xét nghiệm trong cộng đồng để người dân được lấy mẫu xét nghiệm; tập trung nâng cao năng lực điều trị, hạn chế bệnh nhân nặng tử vong.
Thời gian qua, TPHCM có nhiều cố gắng trong chủ động kết nối thông tin, đưa thông tin đến người dân đầy đủ, chính thống. Hơn bao giờ hết, lúc này cần tăng cường và phát huy hơn nữa công tác truyền thông, chuyển tải thông điệp kịp thời đến người dân; trong đó cũng cần xử lý nghiêm việc đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
“Thời gian vàng” còn lại, TPHCM tiếp tục tăng tốc để phấn đấu về đích theo kế hoạch đề ra. Để làm được điều đó, cần sự thống nhất, đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ kỳ vọng từng đồng chí, từng cán bộ, công nhân viên chức, người dân trong từng công việc cụ thể của mình cùng chung tay, chung sức, đồng lòng với TPHCM để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Thành phố đạt được những kết quả bước đầu
Đồng chí Trương Hoà Bình - Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu (Ảnh: TT báo chí TPHCM).Theo đồng chí Trương Hoà Bình - Phó Thủ tướng Thường trực, cơ bản TPHCM đã triển khai nhanh, toàn diện và quyết liệt các biện pháp. Điều này giúp TPHCM đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khiếm khuyết cần khắc phục.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong một tuần lễ nữa, nếu như ca mắc vẫn còn tăng, tỉ lệ ca bệnh nặng, ca tử vong tăng thì TPHCM cần tập trung đánh giá kĩ, đề ra những quyết sách thực hiện trong tuần lễ tới.
Trong đó, cần có phương án cách ly, theo dõi sát F0, F1 ở từng địa phương, có phương án ứng phó nhanh với từng trường hợp. Tăng cường năng lực, khả năng điều trị cấp quận, huyện và TP Thủ Đức để đáp ứng yêu cầu xử lý các ca bệnh nhẹ.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao việc TPHCM tận dụng các cơ sở để cách ly F1 và đề xuất có thể mở rộng thêm cơ sở, thậm chí là cơ sở cách ly dã chiến. Tuy nhiên, vẫn phải tập trung thực hiện cách ly tại nhà với sự giám sát nghiêm ngặt.
Sắp tới sẽ có nhiều nguồn vắc-xin hơn, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung tiêm chủng cho những đối tượng có nguy cơ cao, nhất là lực lượng tuyến đầu, lực lượng quản lý khu cách ly, người làm việc tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, người già, người có bệnh nền…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho rằng, việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân là rất quan trọng, nhất là lực lượng tuyến đầu. Do đó, nên có chính sách kịp thời hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho lực lượng này để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song song với đó là công tác phân phối nhu yếu phẩm, triển khai gói hỗ trợ cho người dân.
Tận dụng tối đa khoảng “thời gian vàng” còn lại
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP phát biểu (Ảnh: TT báo chí TPHCM).Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng các ý kiến trao đổi của các sở - ngành, quận - huyện, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định TPHCM đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Điều quan trọng nhất bây giờ là sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, nỗ lực, để phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được và chủ động khắc phục những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Thành phố đến cơ sở.
TPHCM đã bước qua ngày thứ 7 của đợt giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. TPHCM cần thẳng thắng nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay.
Với mục tiêu tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế hoàn toàn dịch bệnh, đưa TPHCM trở về trạng thái bình thường mới, để tận dụng tối đa khoảng “thời gian vàng” còn lại, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.
H. Hào