Việt Bắc- “Thủ đô gió ngàn”- “Thủ đô kháng chiến” là nơi sống và làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. “Bản làng Việt Bắc là nơi Bác Hồ trực tiếp xây dựng cơ sở để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước… Tên tuổi của Người đã gắn liền với lịch sử đấu tranh của các dân tộc, với căn cứ địa Cao Bắc Lạng, Thái Tuyên Hà, với hang Cốc Bó, với cây đa Tân Trào, với mái đình Hồng Thái lịch sử” (1). Chính vì vậy mà Việt Bắc đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho những vần thơ tuyên truyền của Bác kính yêu.
Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhất là trong công tác vận động, tuyên truyền, Bác có nhiều bài nói chuyện, bài viết ngắn gọn, dể hiểu, dễ nhớ. Với Bác, trong công tác tuyên truyền, người tuyên truyền cần phải biết điều gì “nên”, điều gì “không nên” và nhất thiết phải cụ thể, thiết thực. Cho đến bây giờ, những lời Bác dạy về công tác tuyên truyền hẳn còn nguyên giá trị và tính thời sự: “… không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực và tiêu cực …”; “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lê-nin…”; mà nên “nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”, và đặc biệt là phải “tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình” (2). Vì thế, những ngày đầu Đảng, Chính phủ và Bác Hồ lên Chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã luôn có nhiều hình thức tuyên truyền, khuyến khích, động viên và định hướng cho cả dân tộc vượt lên mọi khó khăn, thử thách, anh dũng kháng chiến. Trong các hình thức tuyên truyền, Người thường dùng những vần thơ mộc mạc, giản dị để mọi người dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ làm theo. 70 năm trôi qua, nay đọc lại những vần thơ của Bác trên Chiến khu Việt Bắc trong những năm tháng gian khổ, ác liệt những cũng rất đỗi tự hào đó, ta lại thấy Bác của chúng ta thật là một con người tuyệt vời! Từ những vần thơ đó, chúng ta cảm nhận được Việt Bắc đã trở thành quê hương thân thuộc của Người, núi rừng Việt Bắc là hình ảnh tượng trưng của Tổ quốc, của cách mạng, của kháng chiến. Nương bãi Việt Bắc đã trở thành những vườn rau xum xuê hoa trái hàng ngày in dấu chân Người. Cỏ cây hoa lá nơi đây đã trở thành người bạn tâm tình của Người, và cả bóng cây cổ thụ, tiếng suối rì rào, trong vắt cũng đã đi vào thơ Người như một tiếng hát xa. Có phải thế chăng mà cảnh núi rừng Việt Bắc, con người Việt Bắc đã để lại trong thơ Bác những dấu ấn sâu đậm: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”. Đọc thơ, ta có cảm giác rằng, phong cảnh Việt Bắc hiện ra trong thơ Bác thật rộn ràng, tươi mát và đậm đà tình nghĩa. Đặc biệt, khi hai câu kết của bài thơ khép lại, trong mỗi chúng ta như dậy lên một sức mạnh của niềm tin: Niềm tin về cuộc kháng chiến nhất định sẽ thành công. Không có một gian khổ nào, một kẻ thù nào, dù hung bạo, nhiều tiền, lắm của và đầy mưu mô xảo quyệt có thể lay chuyển, đè bẹp được những con người tha thiết yêu vẻ đẹp của quê hương mình, đất nước mình và dám đứng lên cầm súng bảo vệ Tổ quốc, làm chủ non sông, làm chủ cuộc đời mình. Đọc thơ, chúng ta thấy “nhà thơ không những hé cho chúng ta thấy khung cảnh của ngày mai : Một mùa xuân kháng chiến thắng lợi; mà còn truyền cho chúng ta một nghĩa tình trọn vẹn : Trăng xưa hạc cũ với xuân này. Phải chăng nhà thơ như muốn nhắc mọi người : Xuân sau chính có tự xuân này? Một mặt nhà thơ khích lệ tinh thần hăng hái lạc quan của mọi người, mặt khác cũng hứa hẹn một ngày mai trồng cây đến ngày ăn quả” (Lương Duy Thứ- Trăng xưa, hạc cũ, với xuân này).
Quả thực, tính tuyên truyền trong thơ Bác rất cao. Bác yêu Việt Bắc. Và hai tiếng Việt Bắc đã gắn bó với tên tuổi của Người trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc. Bác cũng là người đầu tiên nhận thấy và chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Bác đã sống và làm việc ở Việt Bắc trên 12 năm. 12 năm chói lọi sử vàng. 12 năm Việt Bắc in dấu chân Người. Và bằng những hiểu biết, những khám phá, những cảm nhận của mình về Việt Bắc, Người đã sáng tác những vần lục bát dễ hiểu, dễ nhớ, đưa những địa danh quan trọng của Việt Bắc vào thơ để làm công tác tuyên truyền cho cán bộ : “Cao Bằng Đông bắc giáp Tàu/ Hà Giang, Bắc Cạn ở vào phía Tây/ Nam giáp tỉnh Lạng gần đây/ Bốn nghìn tám dặm tỉnh này gồm bao/ Phiaauắc thật cao/ Hơn hai ngàn thước xôn xao một hàng/ Sông to thì có Bằng Giang/ Xê Lao, Trà Lĩnh chạy ngang hai giòng/ Sông Bắc Vọng nước mênh mông/ Quay Sơn uốn khúc chạy cong về Tàu/ Có gần chín vạn đồng bào/ Bốn vạn người Thổ đứng đầu số đông/ Hơn ba vạn tám người Nùng/ Hơn năm ngàn Hán ở vùng núi non/ Hoa kiều tính hai ngàn tròn/ Người Kinh ít nhất tính tròn ngàn hai/ Phủ Hòa An đất khá dài/ Chung quanh rải rác trong ngoài tám châu/ Thạch An, Hà Quảng đứng đầu/ Nguyên Bình, Bảo Lạc cách châu Phục Hòa/ Châu Quảng Yên cũng không xa/ Thượng Lang đi xuống tức là Hạ Lang …”. Có thể nói, hầu như các tỉnh của khu căn cứ địa cách mạng này đều đi vào thơ Bác một cách tự nhiên. Một tỉnh, Bác làm một bài, người đọc sẽ từ đó mà hiểu được vùng đất mà mình đang hoạt động có bao nhiêu dân, bao nhiêu dân tộc, núi non và tài nguyên. Hiểu được những vấn đề đó rất có ích cho những người làm công tác tuyên truyền. Nhiều người cho rằng, Bác là nhà thơ của Việt Bắc, nên Việt Bắc trong thơ Bác luôn hùng vĩ, tráng lệ, rộn ràng nhưng cũng rất tình tứ : “Đường non khách tới hoa đầy/ Rừng sâu quân đến tung bay chim ngàn/ Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương, dắt trẻ ra vườn hái rau” (Vô đề-Xuân Thủy dịch). Một bức tranh tuyệt vời về núi rừng Việt Bắc. Trong phong cảnh đó, hình ảnh của Người hiện lên ung dung, thanh thản lạ thường. Người như một “ông Tiên” nắm trong tay “việc quân, việc nước”, và cũng vô cùng hiền hậu cùng đứa cháu nhỏ “ra vườn hái rau”. Bài thơ ngắn nhưng đã truyền cho người đọc, người nghe hơi ấm của tình thương yêu sâu sắc và niềm tin mãnh liệt vào khả năng cách mạng lớn lao của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc. Quả thực, Bác luôn là hình tượng của sự “hóa thân”, sự “hóa thân” từ một lãnh tụ của Đảng, Nhà nước thành một “ông ké” hiền lành, nhân hậu, “rất Việt Bắc”. Đồng chí Chu Văn Tấn trong hồi ký của mình đã kể lại rằng : Ông rất ngạc nhiên và cảm phục khi lần đầu tiếp xúc với Bác và được Bác trò chuyện bằng chính tiếng dân tộc mình : “Ông cụ đã để lại dấu chân trên khắp các nước Âu, Á, Phi và đã nói được nhiều thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc v.v… Bây giờ về nước nói được tiếng của đồng bào dân tộc, làm cho tôi vui sướng vô hạn” (Được gặp Bác-Nxb Việt Bắc-1970).
Bài học về sự “hóa thân” của Người chính là bài học quý báu cho những người làm công tác tuyên truyền. Bác “hóa thân” để hiểu Việt Bắc cả về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, phong tục tập quán chỉ với một “ham muốn tột bậc” là phá tan gong xiềng nô lệ để cho nhân dân ở miền núi, miền xuôi, ở miền Nam hay miền Bắc được sum họp một nhà. Cũng chính từ tình ảm giai cấp, tình cảm cách mạng cao đẹp đó, Bác đã nâng niu trân trọng những phẩm chất quý báu vốn có của đồng bào các dân tộc; đồng thời khích lệ họ nêu cao tinh thần cách mạng truyền thống của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Năm 1947, khi biết được ba cụ lão du kích Cao Bằng hăng hái cùng dân tham gia chiến đấu ngăn chặn giặc Pháp càn quét vào làng, Bác đã dành “tiếng thơm Việt Bắc” cho ba cụ: “Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc nghìn thu lẫy lừng!”(Tặng các cụ Lão du kích). Trước đó, biết cô Nông Thị Bảy (Cao Bằng) là một nữ du kích gan dạ và ham học hỏi, Bác đã lấy tên nữ anh hùng dân tộc đặt cho cô. Nông Thị Bảy mang cái tên mới là Nông Thị Trưng. Về sau, để khuyến khích Nông Thị Trưng cùng đội du kích của mình hiểu thêm về quân sự, sáng tạo cách tổ chức, hoạt động và cách đánh địch, Bác đã tặng Nông thị Trưng cuốn “Binh pháp Tôn Tử” do chính Người dịch, ngoài bìa cuốn sách Bác đề mấy câu thơ: “Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là/ Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà”. Tết Trung thu năm 1952, để động viên, khích lệ lớp lớp măng non tùy theo sức của mình mà tham gia kháng chiến, Bác viết thơ với lời lẽ thắm thiết: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Đi tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”…
Đọc những vần thơ tuyên truyền nhưng rất trữ tình của Bác, hẳn trong ta không thể nào quên những vần thơ Bác làm khi Tết đến, Xuân về: “Cờ đỏ sao vàng bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng!/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công” (Thơ chúc Tết 1947); “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua yêu nước thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua” (Thơ chúc Tết 1949); “Xuân này, Xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chiến thắng trăm phần trăm/ Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta/ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” (Thơ chúc Tết 1952)… Những vần thơ chúc tết, những vần thơ tuyên truyền cổ động của Bác giản dị đến mức như “chẳng có gì đặc biệt cả” (3). Mục đích của Bác lúc bấy giờ là viết sao cho “dân hiểu, dân nhớ, dân làm”, thành thơ thì tốt, nhưng không thành thơ cũng chẳng sao. Tuy nhiên, theo cố nhà thơ Xuân Diệu thì : “Nhiều bài thơ tuyên truyền cổ động của Bác nhiều khi đã đạt tới chất thơ”; còn cố nhà phê bình Hoài Thanh thì nhận định: “Mục đích của Bác là năm mới kêu gọi làm nhiệm vụ mới. Bác hoàn toàn không có ý định làm thơ. Mặc dù vậy, không ít bài chan chứa chất thơ”. Còn mới đây, tại Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Lời của non sông” nhân kỷ niệm 70 năm lần đầu tiên Bác đọc thơ chúc Tết trên làn sóng Đài TNVN (1947-2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định lại rằng : “…Bác làm thơ là để nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp lý tưởng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân “kháng chiến, kiến quốc”; Vì làm thơ cho mọi người dễ nghe, dễ đọc, dễ hiểu nên từ ngữ trong thơ Bác giản dị, trong sáng; tứ thơ rõ ràng, đẹp đẽ; nhịp thơ khoan thai, vững chắc…”. Chủ tịch nước nhấn mạnh : “Lời thơ của Bác là lời non nước, là tiếng hịch non sông. Tựa lưng vào lịch sử, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đọc thơ của Bác, ta càng tự hào với truyền thống quật cường, nhân nghĩa của dân tộc, đưa “Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng” vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của chúng ta nhất định thành công”…
Tháng 5 năm 2017 lại về. Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Bác, 70 năm ngày Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu về ATK Việt Bắc, đọc lại những bài thơ mang đậm tính tuyên truyền của Bác trên mảnh đất được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến” , “Thủ đô gió ngàn” của một thời không thể nào quên vừa để chiêm nghiệm và học tập, làm theo tấm gương của Bác, vừa để khắc mãi trong ta niềm tự hào về Bác kính yêu.
----------------
(1) : Lời kêu gọi của Ban Thường vụ Khu ủy và UBHC Khu tự trị Việt Bắc trong ngày lễ tang Hồ Chủ tịch.
(2) : Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5-Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995.
(3) : Đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng nói: “Bác giản dị đến mức như chẳng có gì là đặc biệt cả”.
Nguyễn Thị Thọ