Vững tay súng canh biển, đảo Tổ quốc
Chiến sĩ Nhà giàn Dk1 chuẩn bị mâm quả đón Tết
1. Ai đã từng đến Trường Sa chạm tay vào cột mốc chủ quyền, ai đã vượt sóng đến Nhà giàn DK1 leo lên hệ thống cầu thang dốc cao trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt sóng to gió lớn, mới hiểu hết được sự hy sinh gian khổ và cống hiến quên mình của các chiến sĩ, mới hiểu hết ý nghĩa cao cả, sứ mệnh lớn lao và niềm tự hào của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Dẫu vẫn biết chiến tranh hay thời bình nỗi vất vả gian truân bao giờ cũng đặt lên vai người lính, nhưng sự vất vả gian lao của người lính Trường Sa, DK1 được tính bằng máu xương và không bao giờ nói hết bằng lời. Mang trên mình màu xanh đất nước, những người lính Trường Sa, DK1 như mang dáng hình Tổ quốc trên vai mình. Trên đôi vai trọng trách ấy là chủ quyền biển đảo, là nhiệm vụ Đảng giao, là niềm tin của nhân dân cả nước gửi gắm.

Trong niềm vui của mùa Xuân mới, những người lính Nhà giàn DK1 không quên những tháng ngày gian khổ, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, lăn lộn với biển cả, đối mặt với bão tố. Để Nhà giàn DK1 mãi là thế đứng Việt Nam trên thềm lục địa, nhiều chiến sĩ đã gác lại bao ước mơ hoài bão, hi sinh tuổi thanh xuân của mình để dấn thân nơi đầu sóng. Năm 1990, nhà giàn Phúc Tần 3 chìm vào lòng biển cuốn theo 9 cán bộ chiến sĩ xuống đêm đen. Trung úy, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi, để lại quê nhà người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới. Đêm 23 Tết năm 1991, cơn bão lốc bất ngờ đã nhấn chìm tàu HQ-666 ở vùng biển Tư Chính. Máy trưởng Lê Tiến Cường buộc dây mồi quanh người lao xuống biển trong đêm đen bơi ra cứu xuồng và đồng đội đang trôi mỗi lúc một xa. Và chính đêm 23 Tết ấy, Lê Tiến Cường và thuyền phó quân sự Phạm Tảo đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Tháng 12-1998, trong bão tố, nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị nhấn chìm cuốn theo 3 chiến sĩ xuống tận biển sâu. Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh ở tuổi chớm 30 chưa kịp yêu người con gái, để lại quê nhà bố mẹ già và em gái bé bỏng Út Hồng. Liệt sĩ Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ tận Ninh Bình và đứa con trai 2 tháng tuổi chưa kịp đặt tên và chưa một lần nhìn thấy mặt. Liệt sĩ Lê Đức Hồng mãi mãi nằm lại lòng biển mẹ, ấp ủ những lá thư màu tím kết bạn trên báo Tiền Phong chưa kịp gửi về đất liền.

2. Đã là mùa xuân thứ 26 kể từ sau sự kiện 14 tháng 3 năm 1988, quần đảo Trường Sa đã có những khoảnh khắc bình yên, để hàng ngàn các công trình được xây dựng mới trên các điểm đảo, để Tổ quốc Việt Nam được được tôn cao thêm giữa trùng dương bao la, nhưng những người lính Trường Sa chưa có giây phút nào được ngơi tay súng. Mặc cho bão táp mưa dông, mặc cho quân thù nhòm ngó, người lính đảo vẫn hiên ngang như cây phong ba sừng sững bên cột mốc chủ quyền, bên những vọng gác tiền tiêu, hầm hào công sự. Vì sự bình yên của nhân dân cả nước, vì một Trường Sa trong lòng Tổ quốc, các anh đã chấp nhận tất cả, sẵn sàng hi sinh quên mình. Trung úy Liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, trước họng súng quân thù hô vang “Hãy để máu của mình nhuộm đỏ lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân” rồi ngã vào lòng biển. Trung úy Liệt sĩ Đinh Văn Nam ở Lữ đoàn 125 Hải quân đã dũng cảm cứu tàu tránh mắc cạn, để rồi quên mình giữa đảo Phan Vinh B. 64 cán  bộ chiến sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988, là biểu tượng của ý chí kiên cường lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc, với tinh thần “quyết tâm bám đảo, một tấc không đi, một ly không rời”. Máu đào của các anh đã hòa vào biển cả, xương cốt của các anh nằm tận đáy san hô, tên các anh đã tạc vào lịch sử, để thanh niên cả nước tự hào về các anh- những người lính Hải quân quên mình vì dân, vì nước.

3. Ở nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, những người lính Trường Sa, DK1 đã vượt lên trên khắc nghiệt của thời tiết và nhiều khó khăn gian khổ đời thường, trăm bề thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ. Ngày thường nỗi nhớ đất liền đã canh cánh trong lòng, khi Tết đến xuân về nỗi nhớ ấy càng thêm da diết. Trong những phút giây lặng lẽ, những người lính Trường Sa, DK1 không phải không có những trăn trở lo toan, nghĩ về người mẹ già ở quê sớm khuya tần tảo, về người vợ đảm đang lo toan gánh vác gia đình, về người em hối hả với nhịp sống thị trường, nhưng lẽ sống của các anh là tình yêu Tổ quốc, là trách nhiệm đối với một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam mà vị trí chiến lược của nó không thể tách rời. Các anh đã vượt lên cuộc sống bằng những giọt mồ hôi và đôi vai người chiến sĩ, chắt chiu từng ca nước ngọt, sẻ chia từng cọng rau xanh, hộp thịt. Bão gió khô cằn có thể làm cho nước da các anh chai sạm, nhưng không bao giờ làm phai nhạt niềm tin. Ý chí giữ biển, đảo quê hương đã ngấm vào máu thịt, kết tinh thành nghị nghị lực phi thường không kẻ thù nào khuất phục nổi, đó là sức mạnh của người lính Hải quân Việt Nam.
Gian khổ khó khăn là vậy, song những người lính Trường Sa, DK1 luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, sự đùm bọc nghĩa tình của nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể trong cả nước. Những người cha, người mẹ, người em đã chắt chiu dành dụm từ đồng tiền, bát gạo để chia sẻ với các chiến sĩ. Từ cuốn sách, bì thư, tấm chăn, manh áo; từ hạt gạo thơm đến cành mai, đào nở sớm đã giúp các anh ấm lòng, thêm vững vàng tay súng. Nơi tặng chiến sĩ Trường Sa xuồng CQ cao tốc giúp các anh tuần tra quanh đảo, nơi giúp các anh hàng chục tấn đất vi sinh và hạt mầm giúp phủ kín mầu xanh. Thấu hiểu được nỗi lòng người lính xa nhà, nhiều tỉnh, thành đã gửi tặng các chiến sĩ những phương tiện thông tin nghe nhìn như ti vi, đài catssetre, đầu thu vệ tinh, băng hình... để sau những giờ huấn luyện gian khổ, chiến sĩ Trường Sa được hòa mình với dòng chảy sôi động của đất nước với những điệu múa lời ca dung dị thắm đượm tình người, tình đời, tình chiến sĩ.

Mùa Xuân Giáp Ngọ này, các em học sinh trên mọi nẻo đường đang mang đến cho người lính Trường Sa những cánh thư còn thơm mùi mực tím, nhiều cánh thiệp in dấu ấn đẹp đẽ về bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân. Những lá thư ấy là nhịp cầu nối Trường Sa với đất liền thêm gần gũi, để Trường Sa mãi mãi là của chúng ta. Một trong những tỉnh thành đóng góp nhiều nhất cho Trường Sa phải kể đến thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1988 đến nay, quân, dân Trường Sa đã đón nhận trên một ngàn tỷ đồng, riêng năm 2013, gần 20 tỷ đồng mua sắm thiết bị huấn luyện và nhiều cơ sở vật chất đã được chuyển đến Trường Sa.
 
Xuân về, người lính Trường Sa xúc động trước những nghĩa cử của đồng bào cả nước. Những người lính giữ gìn biển đảo xin gửi tới quân và dân cả nước lòng biết ơn sâu nặng. Ở nơi “chân trời” Tổ quốc ấy, các anh đang vững vàng tay súng canh giữ biển trời để nhân dân cả nước đón Tết thanh bình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất