Sáng ngày 11-11-2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. Đến dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, TP. Hồ Chí Minh. Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí: PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng; PGS, TS. Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng; GS, TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng; nhà thơ Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội NHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS, TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng.
Thay mặt Thường trực Hội đồng Lý luận, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học phát biểu khai mạc Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh: Từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII, năm 1998) đến nay, đi đôi với nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta ngày càng coi trọng phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tạo ra sức sức mạnh nội sinh quan trọng, to lớn của đất nước ta nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo về vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật của chúng ta thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững đất nước, chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam. Vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), ngày 9-6-2014, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”. Đề cập tình trạng phát triển văn học, nghệ thuật nước ta trong lĩnh vực xây dựng đạo đức, lối sống, Nghị quyết Trung ương 9 cũng chỉ rõ: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.
Hội thảo tập trung bàn thảo 4 vấn đề:
1. Vấn đề đạo đức xã hội, với tư cách là đối tượng phản ánh của văn học, nghệ thuật đã được thể hiện trong lịch sử văn học, nghệ thuật ở Việt Nam và thế giới thế nào; trong đó, tập trung vào phần văn học, nghệ thuật đương đại.
2. Thực trạng vấn đề đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay – những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật.
3. Với trách nhiệm là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, giới sáng tạo văn nghệ xác định trách nhiệm tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam trong thờì kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là gì, nhằm góp phần đạt được mục tiêu: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào của dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
4. Đề xuất, giải pháp vừa có tính khoa học cao, vừa cụ thể, khả thi nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật nước nhà.
Hoàng Hào