Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Cần ứng xử văn hóa với các thiết chế văn hóa (tiếp theo)

Sân chơi "Nỏ thần" Đông Anh là gợi ý cho các địa phương trong việc kết hợp xây dựng sân chơi vừa là nơi để trẻ vui chơi vừa học tập. (Ảnh chụp trước thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội) (Ảnh: Ngô Khiêm).

Thêm hấp dẫn nhờ những “điểm nhấn”

Thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) lâu nay được biết đến là điểm sáng của phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong khuôn viên nhà văn hóa còn có một thư viện sách khang trang, rộng rãi, góp phần tạo nên một quần thể vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao bổ ích. Theo thủ thư Trần Quang Điền, với 2.000 cuốn sách, thư viện là kho tri thức mà người dân An Hiền luôn nâng niu, trân trọng gìn giữ. Xác định tri thức là điều quan trọng để thay đổi nhận thức, hành vi trong xây dựng nếp sống văn hóa nên năm 2015 người dân thôn quyết tâm xây dựng thư viện từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 200 triệu đồng. Khi chưa có dịch COVID-19, thư viện mở cửa vào hai buổi chiều trong tuần, thu hút đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Ông Điền cũng nhấn mạnh, xã hội hiện đại, con người có nhiều mối quan tâm nhưng có thể nói thư viện đã thành công trong việc thu hút người dân và đặc biệt là các em nhỏ đến với sự đọc, từ đó bồi đắp kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, pháp luật... Nhằm giúp thư viện thôn luôn mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc, cứ ba tháng một lần Thư viện Hà Nội lại mang đến cho chúng tôi mượn các đầu sách mới.

Nếu có dịp về Tổ dân phố số 3, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước ý tưởng xây dựng sân chơi “Nỏ thần” mang đặc trưng của mảnh đất Đông Anh - nơi phát tích truyền thuyết Nỏ thần gắn với đời vua An Dương Vương. Hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ bị phân thành 4 phần, rải quanh sân chơi, ẩn hiện giống hình ảnh từng đoạn thành Cổ Loa trong hiện tại biểu trưng cho sự hiện diện của lịch sử giữa thị trấn sầm uất. Chúng tôi cảm tưởng khi các em nhỏ chơi đùa và chạm vào móng thần trên nỏ thần cũng như được học thêm về lịch sử của kinh đô Âu Lạc và những bài học của nó sẽ không bị lãng quên trong xã hội hiện nay. Đây là công trình nằm trong Dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ, doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) trực tiếp xây dựng từ ý tưởng của nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm. Trao đổi với chúng tôi, bà Đặng Thị Phương Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 3, thị trấn Đông Anh đánh giá: “Đây là sân chơi cộng đồng thân thiện, bổ ích, là nơi giải trí an toàn, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Nhưng hơn hết, đó còn là sân chơi mang tính giáo dục, có ý nghĩa, giá trị lịch sử sâu sắc bởi hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ cũng như thành Cổ Loa được tái hiện, được “sống lại” một cách sinh động, hấp dẫn”.

Khó khăn này chưa qua, bất cập khác lại tới

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Thạch Thất, Phú Xuyên, Quốc Oai…, cho thấy các thôn, làng đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, có khuôn viên sạch, đẹp. Một số địa bàn, nhà văn hóa thôn được xây dựng 2 tầng, có thư viện, phòng chơi bóng bàn… Mặc dù vậy, tại một số huyện như Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ… việc xây dựng nhà văn hóa còn nhiều khó khăn. Ví dụ, huyện Phúc Thọ mới có 88/163 nhà văn hóa, nhà hội họp đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (chiếm 54%). Một trong những nguyên nhân mà chính quyền địa đưa ra là nhiều nhà văn hóa được xây dựng cách đây 15-20 năm, có quy mô nhỏ và đã xuống cấp nên không đạt chuẩn. Đặc biệt là do địa phương khó khăn về nguồn kinh phí. Chính quyền cấp xã mong muốn huyện và thành phố quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân.

Đã thành thông lệ, nhiều năm nay cứ mỗi dịp hội họp, người dân thôn Quảng Phúc (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) lại sang nhờ địa điểm tại Nông trường Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ. Nguyên nhân là do thôn chưa có nhà văn hóa, mọi người đành sinh hoạt tạm bên nông trường và đã được đơn vị tạo điều kiện cho mượn phòng họp. Theo chia sẻ của nhiều người trong thôn, vì không có nhà văn hóa, mọi hoạt động bị hạn chế. Trong khi đó, nhiều nơi có nhà văn hóa, địa phương còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi - giải trí, thành lập các câu lạc bộ, thu hút rất đông người lớn, trẻ nhỏ tham gia. Theo bà Phùng Thị Họa My, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì, toàn huyện có tới hơn 10 thôn thiếu nhà văn hóa, huyện đang lên kế hoạch vận động từ nhiều nguồn kinh phí để sớm hoàn thành mục tiêu 100% thôn có nhà văn hóa đến hết năm 2022 như mục tiêu mà thành phố đề ra. Đa phần, người dân các thôn này phải sinh hoạt tạm tại di tích, trường học, trụ sở hợp tác xã hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của xã. Tình trạng này diễn ra tập trung trong 3- 4 năm nay, do việc chia tách thôn trên toàn huyện.

Vấn đề xây dựng nhà văn hóa thôn ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nhiều năm qua là bài toán nan giải với địa phương. Xã thiếu nhà văn hóa thôn không phải do thiếu kinh phí xây dựng mà cái khó ở đây là vướng quy hoạch làng cổ Bát Tràng phục vụ phát triển thương mại, du lịch. Vấn đề này sau khi được giải quyết xong, lại tiếp tục vướng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố toàn TP. Hà Nội. Trong tổng số 10 thôn (từ Thôn 1 đến Thôn 5 của làng Giang Cao và từ Thôn 1 đến Thôn 5 của làng Bát Tràng), hiện nay xã rút xuống còn 5 thôn. Gần đây trên địa xã đã xây dựng 2 nhà văn hóa thôn, còn lại 3 thôn (Giang Cao 1, 2, 3) vẫn còn thiếu nhà văn hóa. Bát Tràng là làng nghề truyền thống được quy hoạch thành điểm du lịch làng nghề trọng điểm của Hà Nội, do vậy việc xây dựng các nhà văn hóa thôn cũng được thiết kế đặc thù. Theo kế hoạch của xã Bát Tràng thì mỗi nhà văn hóa thôn có diện tích khoảng 200m2, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân. Tầng 1 sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm, là nơi nghỉ chân của du khách sau khi tham quan làng cổ; tầng 2 là hội trường văn hóa. Mẫu thiết kế cũng mang đặc trưng văn hóa làng gốm cổ Bát Tràng.

Chạy theo… tiêu chí nông thôn mới

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, nhìn về tổng thể, hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao đã hình thành trên địa bàn thành phố, mặc dù chưa thật sự phủ khắp ở các huyện một cách đầy đủ và hoàn thiện. Với hệ thống đã có này, nếu hoạt động hiệu quả, chắc chắn sẽ tác động rất lớn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao ở vùng nông thôn vẫn chưa thật sự khai thác hết công năng, thậm chí rơi vào tình trạng đầu tư rồi bỏ không lãng phí. Nếu có hoạt động thì cũng thiếu vắng người tham gia hoặc chỉ hoạt động cầm chừng vào các dịp lễ, Tết. Nhiều nhà văn hóa thôn xây dựng khang trang, nhưng sau khi khánh thành cũng bị bỏ không trong một thời gian dài và trở nên cũ nát hoặc hoạt động không hết công suất.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng yếu kém của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là do phần lớn các công trình được xây dựng đã lâu, không theo quy hoạch và thiết kế thống nhất, quá nhỏ hoặc không phù hợp sinh hoạt và thực tế địa phương. Kinh phí đầu tư cho hoạt động và trang thiết bị thiếu hoặc không có dẫn đến tình trạng xuống cấp của các công trình và khiến việc khai thác sử dụng gặp khó khăn, không phát huy hiệu quả. Tùy theo khả năng ngân sách của huyện mà mỗi nơi chi cho hoạt động văn hóa, thể thao ở mức độ khác nhau. Hiện tại, kinh phí hoạt động ở các nhà văn hóa, khu thể thao của các vùng nông thôn là do nhân dân đóng góp và cũng chỉ đủ cho các hoạt động kỳ cuộc, không có nguồn thu cho hoạt động thường xuyên. Ðội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở ở cấp xã, thôn còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.

Cách đây vài năm, các quận nội thành Hà Nội có nguồn thu ngân sách lớn thường hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nhà văn hóa thôn, xã. Một mặt, việc huy động nguồn xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa giúp nhiều thôn làng có nơi sinh hoạt, hội họp. Huyện Ba Vì có tới 40 - 50 nhà văn hóa của 7 xã miền núi được xây dựng theo phương thức này. Tuy vậy, khoảng vài năm trở lại đây, do những quy định về sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương này sang địa phương khác, việc xây dựng nhà văn hóa theo phương thức này cũng bị hạn chế. Hiện nay đa phần các địa phương xây dựng nhà văn hóa đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

Cũng có trường hợp nhiều nhà văn hóa ở các thôn được xây lên với tiến độ “chóng mặt” chỉ với mục đích “đánh bóng”, để đủ tiêu chí về đích nông thôn mới mà không chú trọng việc khai thác, sử dụng có hiệu quả. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí thì xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Tiêu chí “chấm điểm” xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao mỗi giai đoạn lại được điều chỉnh theo hướng đáp ứng ngày càng cao hơn. Ví như, ở giai đoạn 2011-2015, chỉ cần có nhà hội họp là cũng có thể được điểm tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, nhưng hiện nay đòi hỏi phải có nhà văn hóa đạt chuẩn… Chính vì vậy, các địa phương cần không ngừng nâng cao chất lượng các nhà văn hóa, khai thác sử dụng có hiệu quả để nhà văn hóa thực sự là nơi sinh hoạt cộng đồng bổ ích, thiết thực với nhân dân địa phương.

(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất