Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Cần ứng xử văn hóa với các thiết chế văn hóa (tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Phát huy vai trò “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

PGS, TS. Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội): Phải vượt qua thiết chế của Nhà nước



PGS, TS. Bùi Hoài Sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Các nhà văn hóa khi được xây dựng đều có mục đích cụ thể, là thiết chế để người dân cùng nhau sinh hoạt văn hóa, sẻ chia giá trị cộng đồng, từ đó tạo nên sự đoàn kết, giúp xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều nhà văn hoá không thực hiện đúng với chức năng vốn có của nó. Đôi khi thực tiễn với lý thuyết có khoảng cách khá xa vời. Nhìn về truyền thống lịch sử thì có thể thấy đình làng là thiết chế văn hóa có tác dụng tạo ra sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần cho người dân, từ đó hình thành giá trị, định hướng để người dân sống theo giá trị chân - thiện - mỹ, đời sống tinh thần tốt hơn. Đình làng phát huy tốt thiết chế văn hóa của cộng đồng vừa là địa điểm sinh hoạt văn hóa vừa sinh hoạt tín ngưỡng. Chính sự kết hợp hài hòa đó khiến đình bao lâu nay là trung tâm của làng, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Trong thời đại hôm nay chúng ta mong muốn xây dựng nhà văn hóa cũng chính là thực hiện chức năng của đình. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay nhiều người đã hình thành sự giải trí mang tính cá nhân, đời sống tinh thần phong phú, đa dạng hơn nên việc sinh hoạt tại nhà văn hóa không phải là ưu tiên, là duy nhất. Kèm theo đó là việc chúng ta tổ chức xây dựng nhà văn hóa không hiệu quả khiến cho việc sử dụng gặp nhiều bất cập.

Mong muốn đạt được hiệu quả trong sử dụng nhà văn hóa trong bối cảnh nhiều thay đổi là việc hết sức khó khăn. Chúng ta có lẽ phải thay đổi quan niệm sinh hoạt, hình thức, nội dung của nhà văn hóa để nó đúng với tầm vóc, với mong muốn để nâng cao đời sống tinh thần, tạo ra sự đoàn kết, lan tỏa sự tốt đẹp, từ đó giáo dục nhân cách, đạo đức cho con người. Làm sao cho nhà văn hóa sinh hoạt phong phú? Đó là việc bên cạnh sinh hoạt câu lạc bộ phải kết hợp sinh hoạt khác, để nhà văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng và cho cộng đồng. Nhà văn hóa phải đa năng, có thể là các hoạt động giáo dục, giải trí, có thể là sinh hoạt chính trị, thực hiện nhiệm vụ tổng hợp tạo cho người dân thói quen đến với nhà văn hóa, trao tình yêu với thiết chế văn hóa. Từ thói quen, sự yêu thích ấy thì người dân sẽ đến với nhà văn hóa nhiều hơn và khi ấy nhà văn hóa sẽ phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tìm thêm giải pháp từ cộng đồng, người dân và doanh nghiệp. Nhà văn hóa phải vượt qua thiết chế của Nhà nước, mà phải là của người dân, cộng đồng và của cả doanh nghiệp. Khi có sáng kiến, tham gia, đóng góp của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trong việc xây dựng nội dung, hoạt động, đầu tư thì nhà văn hóa sẽ trở nên sinh động, sạch đẹp, hấp dẫn hơn, từ đó để người dân thêm hiểu về thiết chế văn hóa này.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh: Không nên cứng nhắc hóa



Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh (bìa phải) trong một chương trình truyền hình về văn hóa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Là người nhiều năm nghiên cứu văn hóa, tôi cho rằng chúng ta không nên cứng nhắc hóa trong việc sử dụng các nhà văn hóa. Trong điều kiện có thể, việc “phủ sóng” được các nhà văn hóa là điều tốt. Nhưng không vì thế mà chúng ta chạy theo thành tích mỗi thôn nhất định phải có một nhà văn hóa. Nếu nhà văn hóa ấy chưa đạt chuẩn, chưa có khoảng không gian vừa đủ và chưa có đủ tiện ích để mọi người vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng thì chúng ta có thể gộp lại 2, 3 thôn có một nhà văn hóa đúng nghĩa. Như vậy sẽ có người hỏi 2, 3 thôn chung một nhà văn hóa thì hội họp thế nào? Nhưng có phải ngày nào thôn đó cũng họp đâu, chúng ta có thể chia lịch quản lý vào những ngày khác nhau sao cho hài hòa, hợp lý. Điều tôi cũng muốn nói đến hiện nay là nhận thức của những người được cho là có trách nhiệm quản lý nhà văn hóa. Họ vẫn coi nhẹ việc vui chơi, giải trí mà nặng việc sinh hoạt hội họp, cho nên có trường hợp một số người có trách nhiệm với làng đề xuất phá tường bao, hàng rào rồi xin một số đồ chơi gắn ở sân cho trẻ con chơi thì lại bị phản đối vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến công tác an ninh, cơ sở vật chất trong nhà văn hóa. Rõ ràng đây là cách làm rất không hợp lý và cần được chấn chỉnh lại ngay.

Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh: Phải gắn liền với lợi ích của cộng đồng



Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh trong một tọa đàm về văn hóa (Ảnh: Báo Hà Nội Mới).

Huyện Đông Anh chúng tôi tự hào có một mô hình được coi là một hình mẫu để phát huy hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa. Đó là Dự án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP. Hà Nội” thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12-2016 tại Nhà văn hóa thôn Đoài (xã Nam Hồng). Với sự hướng dẫn mang tính gợi ý ban đầu, cộng đồng dân cư nơi đây tự thấy nhu cầu văn hóa cần được chia sẻ của mình và tìm cách để tự đáp ứng. Chị em phụ nữ thích có một câu lạc bộ để khuyến khích và truyền dạy nghệ thuật, hội họa; cựu chiến binh muốn thành lập câu lạc bộ di sản và ký ức… Và với sự giúp đỡ của dự án, các chị em đã có Câu lạc bộ làm hoa và cắm hoa nghệ thuật, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian giúp nhau tập hát chèo, hát quan họ rồi Câu lạc bộ khiêu vũ kết hợp thể dục dưỡng sinh...

Không cần trụ sở, không xin kinh phí, các hoạt động chủ yếu diễn ra tại hội trường nhà văn hóa thôn và mọi người đều hào hứng tham gia. Thực tế ấy chứng minh, khi gắn liền với lợi ích của cộng đồng thì thiết chế văn hóa sẽ có sức sống mạnh mẽ. Nếu thiết chế văn hóa không gắn kết với không gian xung quanh, không tạo ra tiện ích trong quá trình sử dụng, không đặt người dân vào vị trí trung tâm thì sẽ khó tránh khỏi cảnh “xây rồi đóng cửa để đấy”, không thu hút được đông đảo người dân tham gia. Có thể thấy được sức sống của các giá trị văn hóa Việt xưa nay thường nằm trong cộng đồng, được cộng đồng nuôi dưỡng, duy trì và bảo tồn. Và trong cơ cấu tổ chức cộng đồng, tổ dân phố, thôn xóm là thành tố cơ bản nên các hoạt động văn hóa được tổ chức ở đây có sức tác động mạnh mẽ đến người dân.

Đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì: Cần xây dựng quy chế và thành lập ban quản lý



Đồng chí Vũ Hồng Khanh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì (bìa phải) trao đổi về vấn đề văn hóa với các đồng nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Để phát huy hết công năng, sử dụng đúng mục đích của nhà văn hóa, theo tôi cần xây dựng quy chế và đồng thời thành lập ban quản lý. Huyện Thanh Trì mấy năm qua đã xây dựng quy chế mẫu quản lý nhà văn hóa, yêu cầu các xã, thôn dựa vào quy chế để thực hiện. Tất nhiên, việc áp dụng cũng không nên máy móc vì đặc thù mỗi xã, thôn khác nhau. Sau khi triển khai, hầu hết các xã, thôn đã quản lý tốt các nhà văn hóa. Có người sẽ hỏi thành lập ban quản lý rồi chi phí đâu để duy trì? Thực tế việc quản lý nhà văn hóa thường giao cho trưởng thôn, bí thư chi bộ để họ kiêm nhiệm công việc được coi là “vác tù và hàng tổng” này. Hiện nay nhiều địa phương rơi vào tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Tức là ở trên đã đồng ý chủ trương cải tạo nhà văn hóa nhưng lại vướng phải rắc rối về chuyện đất cát. Ví dụ vị trí nhà văn hóa đó thuộc đất của một công ty lâu năm trên địa bàn, vị giám đốc mới có khi rất trẻ và được hỏi đến hồ sơ thì gần như không có. Bản thân những người công nhân nhu cầu rất lớn cũng muốn có nơi sinh hoạt văn hóa. Có điều mình là cơ quan nhà nước phải làm đúng, không thể xây dựng nhà văn hóa không phải đất của mình, cũng không ai cho phép như thế.

Đồng chí Trần Quang Huy, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ): Cần xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với từng vùng miền



Đồng chí Trần Quang Huy, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Có thể khẳng định chủ trương đến hết năm 2022 Hà Nội quyết tâm “phủ kín” nhà văn hóa ở mỗi thôn là hoàn toàn đúng đắn, đó là sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng văn hóa ở cơ sở cũng như hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn là không riêng người dân mà cán bộ ở địa phương không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ về thiết chế văn hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, văn hóa phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Cho nên việc giáo dục tuyên truyền, đào tạo để có cán bộ văn hóa ở cơ sở là rất quan trọng mà lâu nay chúng ta dường như lại chưa chú trọng. Ở cấp thôn không có cán bộ văn hóa chuyên trách, không có người phụ trách văn hóa, không có người quán xuyến thì ắt hoạt động thiết chế văn hóa sẽ không thể hiệu quả.

Bài toán đặt ra là xây dựng thiết chế văn hóa phải trở thành nhu cầu cấp thiết, đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Ngoài việc đầu tư cơ sở kỹ thuật thì phải quan tâm đến vận hành, tức là nói đến con người. Cái chính là đời sống tinh thần của nhân dân phải được lôi cuốn, phải được nâng lên từ thiết chế văn hóa. Muốn vậy, phải có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để có đầu tư kinh phí, kỹ thuật, xây dựng thiết chế văn hóa. Cùng với đó là cán bộ văn hóa ở cấp cơ sở phải được đào tạo, phải có chế độ đãi ngộ động viên, khuyến khích. Công tác tuyên truyền nhân dân đến với nhà văn hóa phải được thường xuyên, liên tục. Về lâu dài Nhà nước cần phải xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương để cán bộ cơ sở vận dụng, thực hiện mang tính đồng bộ, căn cơ. Nếu làm được những điều đó, tôi tin rằng đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, từ đó tạo động lực mới, khí thế mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất