Giới thiệu Kỷ yếu Hoàng Sa


Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam bắt đầu bằng bức ảnh bia chủ quyền ghi bằng chữ Pháp: Cộng hòa Pháp - Vương quốc Đại Nam. Quần đảo Hoàng Sa 1816. Đảo Hoàng Sa 1838 khẳng định nơi đây, từ năm 1816 vương triều Đại Nam đã xác lập chủ quyền.

Tiếp đó là trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định với cả thế giới rằng: “Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.


Tài liệu tổng hợp Quần đảo Hoàng Sa - Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của UBND huyện Hoàng Sa cung cấp cho độc giả thông tin về 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, cùng đặc điểm địa chất, địa mạo, điều kiện tự nhiên nơi đây.


TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ trong bài Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa nêu rõ: Nhà nước Đại Việt thời Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã xác lập và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa mà bằng chứng hùng hồn là Đội Hoàng Sa được thành lập, lo việc kiểm soát, đo đạc thủy trình, khai thác sản vật và do thám, bảo vệ vùng biển nơi đây. Chính Hải ngoại ký sự (Trung Quốc) viết năm 1696 cũng đã ghi nhận về hoạt động của Đội này. Trải qua bao thăng trầm, và cho dù hiện nay Hoàng Sa đang bị nước ngoài chiếm đóng, chúng ta vẫn có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định rằng: Hoàng Sa là của Việt Nam!


2 bản vẽ thuyền buồm Đội Hoàng Sa và 10 bức ảnh chụp quang cảnh và hoạt động của người dân và các cá nhân, đơn vị Bảo an người Việt được cử ra đóng tại đảo Hoàng Sa từ những năm 1937 đến 1959 là Những hình ảnh khẳng định sự có mặt, chiếm hữu lâu đời và liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Như: Tượng Phật bà Quán thế âm; Cột Hải đăng trên đảo (1937); toàn cảnh các cơ sở hành chính và kỹ thuật trên đảo Hoàng Sa (1938); tàu Hải quân Pháp neo đậu trong khu vực đảo Hoàng Sa (1939), v.v.


Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa
với rất nhiều Các văn bản quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Trước năm 1975 có 15 bản sao chụp văn bản quan trọng, như Chỉ dụ số 10, ngày 29-2-1938 của vua Bảo Đại sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên; Sắc lệnh của Khâm sứ Trung kỳ ngày 12-8-1941 về việc cử người ra quản lý đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; các Công điện của Chỉ huy đảo DUCAN (Hoàng Sa) gửi Tỉnh đoàn Bảo an Quảng Nam về việc theo dõi, điều tra, bắt giữ, xử lý thuyền và người của Trung Cộng cập đảo Hoàng Sa năm 1961; … Sau năm 1975, có trích Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 30-7-1979 về việc “có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam” đối với Hoàng Sa và Trường Sa; Quyết định số 194/HĐBT ngày 11-12-1982 của HĐBT về việc thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Quyết định 2971/QĐ-UBND ngày 21-4-2009 của Chủ tịch TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa… Ngoài ra, còn 40 bức ảnh chọn lọc phản ánh sinh động hoạt động hướng về biển đảo quê hương của cán bộ, nhân dân huyện Hoàng Sa.

Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử
 được xem là nội dung độc đáo của Kỷ yếu, thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi đã tập hợp được hình ảnh và bút tích của 24 nhân chứng lịch sử và đương đại từng sống, chiến đấu với mảnh đất - vùng biển Hoàng Sa. Đó là ông Nguyễn Văn Đức - đảo trưởng Hoàng Sa năm 1969. Các ông Phan Ngọc Chung 77 tuổi, Lê Châu 82 tuổi, Nguyễn Văn Dữ 59 tuổi, Trần Văn Hảo 74 tuổi, Phạm Khôi 70 tuổi, Trần Văn Sơn 92 tuổi, Tạ Song 75 tuổi; Nguyễn Văn Thành 68 tuổi, Trần Hòa 58 tuổi, Trần Văn Sơn 65 tuổi đều là lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam, từng ra Hoàng Sa nhận nhiệm vụ bảo vệ Đảo. Các ông Võ Như Dân 75 tuổi, Nguyễn Văn Lễ 94 tuổi, Trần Huynh 80 tuổi, Nguyễn Văn Nhự 85 tuổi, Ngô Tấn Phát 79 tuổi thay phiên nhau làm việc ở Trạm khí tượng thủy văn. Các ông Bùi Văn Khiển 83 tuổi, Trương Văn Quảng 72 tuổi - hải quân Việt Nam Cộng hòa từng theo tàu ra Đảo. Đối với ông Lê Lan 60 tuổi, y tá quân y và Nguyễn Văn Cúc 60 tuổi, kỹ sư xây dựng, thì năm 1973 là “Những năm tháng không bao giờ quên”, nhất là “ký ức đau buồn khi chứng kiến Hoàng Sa bị rơi vào tay Hải quân Trung Quốc” và 2 ông còn bị bắt đem về giam ở Hải Nam (Trung Quốc). Ông Phạm Sô 78 tuổi, thợ xây dựng ở Hoàng Sa năm 1957; ông Trần Hữu Cát, 91 tuổi, từng ra thi công nhà công vụ, sửa ca nô, dựng trạm thu phát tín hiệu trên đảo Hoàng Sa những năm 1940-1945. Ông Trần Thanh Kim 92 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, từng bị giặc Pháp bắt năm 1950 và đưa ra Hoàng Sa làm phu khuân vác xây dựng cầu cảng. Ông Mai Phụng Lưu, ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, biệt danh “Sói biển”, 46 tuổi, 26 năm bám biển Hoàng Sa, 4 lần bị tàu Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản, nợ nần chồng chất, nhưng luôn đau đáu một điều: “Hoàng Sa là của ông bà, tổ tiên tôi, nơi ấy có xương máu của của ông bà tổ tiên tôi đã đổ xuống… Cho nên dù khó khăn đến mấy cha con tôi cũng quyết không xa rời ngư trường…”. Ông chính là người đương thời tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của nhân dân ta.

Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa
mộc mạc, chân tình và sâu lắng: “Hoàng Sa luôn trong trái tim tôi”, “Hoàng Sa và Trường Sa sẽ mãi thuộc về dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta”, “Hoàng Sa là của Việt Nam”, “Hoàng Sa luôn ở trong Tim và sẽ ở trong Tay của dân tộc Việt Nam”,…

Kỷ yếu Hoàng Sa còn có phần
Phụ lục dày dặn. Phụ lục 1Tài liệu, thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, gồm các bản sao chụp Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776); Chỉ thị của Thái phó Tổng lý quản binh dân chư vụ thượng tướng công nhà Tây Sơn; Đơn của Phường An Vĩnh xin tách rời khỏi xã An Vĩnh ngày 11 tháng 2 năm Gia Long thứ 3 (1804); Văn bản phát hiện ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Tờ lệnh của họ Đặng ở đảo Lý Sơn; mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ; mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên chứa đựng nhiều thông tin về Đội Hoàng Sa.

Phụ lục 2
Quần đảo Hoàng Sa trong Châu bản triều Minh Mạng và Thiệu Trị giới thiệu 8 châu bản tiêu biểu về thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn đối với Hoàng Sa. Phụ lục 3 sao chụp 16 Bản đồ Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ trước và sau 1975. Phụ lục 4Một số bài báo và trang sách viết về Hoàng Sa.

 Kỷ yếu Hoàng Sa là một tài liệu quý, bổ ích, để mỗi chúng ta khi cầm nó trên tay, đọc và cảm nhận được công lao của cha ông, những người đi trước đã đổ bao mồ hôi, công sức và cả xương máu để xác lập và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với phần lãnh thổ thiêng liêng Hoàng Sa. Để rồi, nỗi “đau đáu với một phần lãnh thổ tổ quốc chưa về với đất mẹ” sẽ là nguồn thôi thúc chúng ta “giữ vững lập trường, khẳng định và chứng minh một cách thuyết phục với thế giới rằng: Hoàng Sa là của Việt Nam” như Lời ngỏ mà Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã viết trong trang đầu Kỷ yếu.

Trương Thị Bạch Yến
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất