Hướng dẫn công tác nhân sự uỷ ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

 

 - Căn cứ Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá X;

- Căn cứ Quyết định số 25-QĐ/TW, ngày 24-11-2006 của Bộ Chính trị khóa X về hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng;

- Căn cứ Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;

- Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 18 và ngày 23-9-2009 về nhân sự uỷ ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;

- Căn cứ Quy định số 222-QĐ/TW, ngày 8-5-2009 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy;

Sau khi trao đổi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, như sau:

I- Về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn

1- Cơ cấu tổ chức và số lượng uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

1.1- Uỷ ban kiểm tra của tỉnh ủy, thành uỷ trực thuộc Trung ương:

+ Số lượng từ 9 đến 11 uỷ viên, trong đó có 2 ủy viên kiêm chức; riêng Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh số lượng từ 13 đến 15 ủy viên, Thanh Hoá, Nghệ An số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do tỉnh ủy, thành uỷ quyết định).

+ Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, không quá 3 phó chủ nhiệm và một số ủy viên. Trong đó, 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm và một cấp ủy viên làm phó chủ nhiệm thường trực (riêng Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thanh Hoá, Nghệ An không quá 4 phó chủ nhiệm).

+ Uỷ viên kiêm chức gồm: Trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức của cấp uỷ là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp.

1.2- Uỷ ban kiểm tra của Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương:

+ Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên (do Đảng uỷ khối quyết định).

+ Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, không quá 3 phó chủ nhiệm và từ 3 đến 5 ủy viên, có 1 đến 2 cấp ủy viên, trong đó có 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm.

+ Uỷ viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, bí thư, phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đảng ủy khối.

1.3- Uỷ ban kiểm tra của Đảng uỷ khối Doanh nghiệp Trung ương:

+ Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng uỷ khối quyết định).

+ Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, không quá 3 phó chủ nhiệm và từ 4 đến 6 ủy viên; có 1 đến 2 cấp ủy viên, trong đó có 1 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm.

+ Uỷ viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, bí thư, phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đảng ủy khối.

1.4- Uỷ ban Kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương:

Số lượng từ 11 đến 13 uỷ viên (do Đảng uỷ Quân sự Trung ương quyết định), trong đó có 9 đến 10 uỷ viên chuyên trách và từ 2 đến 3 uỷ viên kiêm chức, có 2 đến 3 uỷ viên là cấp uỷ viên cùng cấp.

Các uỷ viên chuyên trách gồm: Từ 3 đến 4 phó chủ nhiệm, trong đó có 1 đồng chí phó chủ nhiệm thường trực, các phó chủ nhiệm có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; các uỷ viên chuyên trách có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng Cục trưởng Cục tổ chức, Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị.

Uỷ viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm Uỷ ban là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.

1.5- Uỷ ban Kiểm tra của Đảng uỷ Công an Trung ương:

Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng uỷ Công an Trung ương quyết định), trong đó từ 9 đến 11 ủy viên chuyên trách và 2 ủy viên kiêm chức.

Các uỷ viên chuyên trách gồm: 4 Phó Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban là Đảng uỷ viên Đảng uỷ Công an Trung ương có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng Tổng cục trưởng, 3 phó chủ nhiệm có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng phó tổng cục trưởng và 5 đến 7 uỷ viên chuyên trách có nhóm chức vụ, trần quân hàm bằng cục trưởng.

Uỷ viên kiêm chức: Chủ nhiệm Uỷ ban là đồng chí Phó Bí thư hoặc Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.

* Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở thuộc các đảng bộ: Quân sự Trung ương, Công an Trung ương, Khối các cơ quan Trung ương, Khối Doanh nghiệp Trung ương. Bộ Chính trị giao cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có hướng dẫn riêng sau khi thống nhất với các đảng ủy trên và Ban Tổ chức Trung ương.

1.6- Uỷ ban kiểm tra của cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành uỷ:

+ Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ, đảng uỷ trực thuộc tỉnh ủy, thành uỷ có từ 5 đến 7 uỷ viên (do cấp uỷ quyết định), trong đó đồng chí chủ nhiệm là thường vụ cấp uỷ, từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp uỷ viên) và một số uỷ viên chuyên trách, 2 ủy viên kiêm chức gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp uỷ viên và chánh thanh tra cùng cấp.

+ Uỷ ban kiểm tra quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ thuộc tỉnh ủy, thành uỷ có từ 7 đến 9 uỷ viên (do cấp uỷ quyết định); trong đó chủ nhiệm là thường vụ cấp uỷ, từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp uỷ viên) và có một số uỷ viên chuyên trách, 2 ủy viên kiêm chức gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp uỷ viên và chánh thanh tra cùng cấp.

1.7- Uỷ ban kiểm tra của đảng ủy cấp trên cơ sở:

Uỷ ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở: Có từ 5 đến 7 ủy viên (do cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định), trong đó chủ nhiệm là thường vụ cấp ủy, từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là chuyên trách) một số ủy viên chuyên trách; một số ủy viên kiêm chức là đồng chí phụ trách công tác tổ chức cán bộ, thanh tra ngành…

1.8- Uỷ ban kiểm tra của đảng uỷ cơ sở:

 Số lượng từ 3 đến 5 uỷ viên (do cấp uỷ cơ sở quyết định), trong đó đồng chí phó bí thư hoặc uỷ viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy làm chủ nhiệm. Trường hợp không có ban thường vụ cấp ủy thì đồng chí phó bí thư làm chủ nhiệm; phó chủ nhiệm và các ủy viên khác có thể là cấp uỷ viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân.

1.9- Đảng uỷ bộ phận:

Đảng ủy bộ phận và chi ủy không lập uỷ ban kiểm tra; tập thể cấp uỷ thực hiện công tác kiểm tra và phân công 1 cấp uỷ viên phụ trách. Ngoài ra, có thể lựa chọn phân công một số đảng viên có điều kiện giúp đồng chí cấp uỷ viên phụ trách làm công tác kiểm tra.

* Căn cứ hướng dẫn nêu trên, các đơn vị nghiên cứu, vận dụng cơ cấu tổ chức và số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra cho phù hợp tình hình thực tế của đơn vị. Nếu có trường hợp khác với hướng dẫn thì cấp uỷ phải báo cáo với cấp uỷ cấp trên và ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp, khi được sự đồng ý mới tổ chức thực hiện.

2- Tiêu chuẩn:

Đối với ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp, tiêu chuẩn được vận dụng theo tiêu chuẩn cấp uỷ viên cùng cấp theo tiêu chuẩn cấp ủy viên được quy định Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đồng thời cần chú ý một số tiêu chuẩn sau:

- Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng, có nghiệp vụ, chuyên môn và hiểu biết sâu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lãnh đạo chủ chốt của uỷ ban kiểm tra phải thực sự tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và sự cống hiến, có uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

- Không đưa vào uỷ ban kiểm tra những đồng chí để cơ quan, đơn vị quản lý xảy ra mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện tham nhũng, những đồng chí có nhiều dư luận về phẩm chất đạo đức, lối sống, bản thân và gia đình thiếu gương mẫu; uy tín thấp; những đồng chí có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật; những đồng chí ngại va chạm, ngại đấu tranh bảo vệ lẽ phải, cơ hội, cục bộ địa phương, cá nhân, không có bản lĩnh chính kiến, không chấp hành sự phân công công tác của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.

* Về độ tuổi vận dụng như tuổi tham gia cấp uỷ cùng cấp, đảm bảo tính kế thừa, có cán bộ nữ, trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số, căn cứ vào tình hình cụ thể các cấp ủy vận dụng bố trí cho phù hợp.

II- Chuẩn bị nhân sự uỷ ban kiểm tra trước đại hội

1- Uỷ ban kiểm tra các cấp phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp chuẩn bị đề án nhân sự uỷ ban kiểm tra khoá tới, báo cáo cấp ủy đương nhiệm.

2- Căn cứ đề án do uỷ ban kiểm tra và ban tổ chức báo cáo, cấp uỷ đương nhiệm thảo luận tập thể, dự kiến số lượng, cơ cấu, nhân sự cụ thể uỷ ban kiểm tra khoá tới.

3- Cấp uỷ đương nhiệm chỉ đạo công tác chuẩn bị và giới thiệu nhân sự uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra với cấp uỷ khoá tới. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự uỷ ban kiểm tra, cấp uỷ cần phối hợp với uỷ ban kiểm tra cấp trên và sau khi đã dự kiến số lượng, cơ cấu nhân sự phải trao đổi và thống nhất với uỷ ban kiểm tra cấp trên về nhân sự của uỷ ban kiểm tra khoá tới (số lượng, danh sách cụ thể).

4- Về trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra cấp trên trong công tác nhân sự uỷ ban kiểm tra cấp dưới:

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình công tác nhân sự uỷ ban kiểm tra cấp dưới.

- Cho ý kiến về số lượng, cơ cấu nhân sự uỷ ban kiểm tra cấp dưới.

III- Việc bầu cử uỷ ban kiểm tra

Việc bầu uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra thực hiện theo quy chế bầu cử trong Đảng:

- Trong phiên họp đầu tiên của cấp uỷ khoá mới, cấp uỷ nghe báo cáo về công tác chuẩn bị và đề án nhân sự uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ vừa mãn nhiệm, thảo luận về số lượng, cơ cấu, nhân sự và tiến hành bầu uỷ ban kiểm tra:

+ Biểu quyết số lượng uỷ ban kiểm tra.

+ Bầu uỷ ban kiểm tra.

+ Bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

+ Uỷ ban kiểm tra bầu các phó chủ nhiệm và phân công các đồng chí trong uỷ ban. Nơi chưa bầu được chủ nhiệm thì phân công đồng chí phó chủ nhiệm là cấp uỷ viên phụ trách việc điều hành các công việc của uỷ ban kiểm tra cho đến khi cấp uỷ bầu được chủ nhiệm.

IV- Thủ tục đề nghị chuẩn y uỷ ban kiểm tra

Sau khi cấp uỷ bầu uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, uỷ ban kiểm tra bầu các phó chủ nhiệm, cấp uỷ có văn bản báo cáo đề nghị cấp uỷ cấp trên chuẩn y uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra (gửi qua uỷ ban kiểm tra cấp trên), thủ tục gồm:

- Tờ trình của cấp uỷ đề nghị chuẩn y ủy ban kiểm tra và các chức danh của uỷ ban kiểm tra kèm theo biên bản bầu cử uỷ ban và các chức danh trong uỷ ban.

- Danh sách các đồng chí trong uỷ ban kiểm tra (theo mẫu gửi kèm hướng dẫn).

- Sơ yếu lý lịch của từng đồng chí trong uỷ ban kiểm tra có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ.

Hướng dẫn này được phổ biến tại hội nghị cán bộ chủ chốt các cấp về công tác nhân sự đại hội đảng. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần bổ sung, làm rõ, thì ấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp dưới phản ánh về cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên./.

                                                             T/M Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

                                                                 Phó Chủ nhiệm Thường trực

                                                                    Phạm Thị Hải Chuyền (đã ký)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất