Hướng dẫn một số điểm về thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ (Hướng dẫn số 34-HD/BTCTW ngày 8-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương)

Thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X và chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 24-HD/BTClW ngày 6-3-2009 "về việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư".

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tiếp theo Hướng dẫn số 33- HD/BTCTW ngày 25-9-2009, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số điểm về việc đảng bộ cấp trên cơ sở thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

Thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ nhằm những mục đích, yêu cầu sau đây:

- Tiếp tục thí điểm việc mở rộng dân chủ trực tiếp trong Đảng, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp.

- Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Phát huy trí tuệ, đề cao ý thức trách nhiệm của toàn đảng bộ và đại biểu dự đại hội đảng bộ cấc cấp; chống các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, tư tưởng cục bộ, bè phái, mất đoàn kết.

- Thực hiện thí điểm đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ là chủ trương mới, cần được chuẩn bị và tổ chức thực hiện chu đáo, thận trọng. Các cấp uỷ đảng cần lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên.

2. Phạm vi, đối tượng và thời gian thực hiện

(1) Việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ được tiến hành ở l5-20% đảng bộ cấp huyện, do ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh lựa chọn, quyết định, 15%-20% đảng bộ cấp tỉnh do Bộ Chính trị lựa chọn, quyết định.

(2) Để đánh giá việc thí điểm được toàn diện, cần lựa chọn các đảng bộ đại diện cho các loại hình và tính chất nhiệm vụ, các đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ lãnh đạo cấp uỷ và cấp uỷ đoàn kết; địa phương hoặc cơ quan, đơn vị đó không có những tiêu cực phức tạp.

3) Thời gian tổ chức đại hội thí điểm đối với các đảng bộ cấp huyện do ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh xem xét, quyết định; đối với cấp tỉnh do Bộ Chính trị xem xét, quyết định trong khung thời gian quy định tại Chỉ thị 37- CT/TW của Bộ Chính trị.

3. Về quy trình công tác nhân sự

3.1. Quy trình chuẩn bị nhân sự bí thư cấp uỷ: Thực hiện theo quy trình công tác nhân sự nêu tại Hướng dẫn số 33-HD/BTCTW ngày 25-9-2009 của Ban Tổ chức Trung ương.

3.2. Quy trình đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ:

(1) Sau khi đại hội bầu và công bố kết quả bầu cử ban chấp hành đảng bộ khoá mới, đoàn chủ tịch đại hội tổ chức lấy ý kiến (bằng phiếu) của đại biểu dự đại hội giới thiệu nhân sự bí thư cấp uỷ trong số các đồng chí vừa trúng cử vào ban chấp hành đảng bộ khoá mới.

(2) Ban kiểm phiếu của đại hội thu phiếu, kiểm phiếu, báo cáo kết quả phiếu giới thiệu của đại biểu đại hội với đoàn chủ tịch đại hội và cấp uỷ khoá mới.

(3) Cấp uỷ khoá mới họp (triệu tập viên của phiên họp này, thực hiện theo Khoản 1, Điều 22, Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 220-QĐ/TW ngày 17- 4-2009 của Bộ Chính trị khoá X), tiếp thu ý kiến của cấp uỷ cấp trên trực tiếp (ý kiến của ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh đối với đảng bộ cấp huyện; ý kiến của Bộ Chính trị đối với đảng bộ cấp tỉnh) về phương án nhân sự bí thư cấp uỷ; nghiên cứu danh sách cán bộ được quy hoạch vào chức danh bí thư và phương án nhân sự bí thư khoá mới của cấp uỷ cấp triệu tập đại hội; kết quả giới thiệu nhân sự bí thư của đại biểu đại hội; trên cơ sở đó mà thảo luận, tiến hành giới thiệu bí thư cấp uỷ (bằng phiếu kín). Sau đó, các cấp uỷ viên khoá mới trở về các đoàn đại biểu để thực hiện việc ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp uỷ tại đoàn.

(4) Ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp uỷ tại các đoàn đại biểu theo trình tự:

- Đại diện cấp uỷ khoá mới thông báo với đoàn đại biểu một số nội dung để các đại biểu tham khảo trước khi tiến hành ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp uỷ bao gồm: ý kiến của cấp uỷ cấp trên trực tiếp về phương án nhân sự bí thư cấp uỷ; kết quả giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh bí thư của các đại biểu dự đại hội; phương án nhân sự bí thư cấp uỷ do cấp uỷ khoá mới giới thiệu.

- Các đại biểu trong đoàn trao đổi ý kiến, sau đó ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp uỷ theo mẫu phiếu do đoàn chủ tịch đại hội phát hành.

(5) Đoàn chủ tịch đại hội tập hợp danh sách ứng cử, đề cử từ các đoàn đại biểu; thông báo kết quả với cấp uỷ khoá mới.

(6) Đại hội tiến hành bầu bí thư cấp uỷ. Tuỳ từng trường hợp mà xử lý như sau:

- Trường hợp danh sách ứng cử, đề cử chức danh bí thư cấp uỷ của đại hội đúng với phương án nhân sự đã được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý; hoặc trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập) đề cử nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý nhưng nhân sự này có trong quy hoạch chức danh bí thư cấp uỷ khoá mới, thì đại hội tiến hành bầu bí thư cấp uỷ, không phải báo cáo, xin lại ý kiến của cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

- Trường hợp đa số đại biểu dự đại hội (trên 50% tổng số đại biểu được triệu tập) đề cử nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý, nhưng nhân sự này không có trong quy hoạch chức danh bí thư cấp uỷ khoá mới, thì cấp uỷ khoá mới họp thảo luận, cân nhắc kỹ và biểu quyết (bằng phiếu kín) về nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu:

+ Nếu đa số cấp ủy viên khoá mới (trên 50% tổng số cấp uỷ viên khoá mới) nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, thì đại hội tiến hành bầu cử, không phải xin lại ý kiến của cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

+ Nếu đa số cấp uỷ viên khoá mới không nhất trí với phương án nhân sự được đa số đại biểu đại hội giới thiệu, thì cấp uỷ khoá mới phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên trực tiếp.

- Nếu đại hội bầu chức danh bí thư cấp uỷ lần thứ nhất không có đồng chí nào trúng cử thì cần thảo luận kỹ trước khi bầu lần thứ hai. Nếu bầu lần thứ hai vẫn không có ai trúng cử thì việc đại hội có bầu tiếp hay giao lại cho ban chấp hành đảng bộ khoá mới bầu bí thư cấp uỷ (theo quy định của Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng) là do đại hội quyết định.

- Danh sách bầu bí thư cấp uỷ có thể có số dư hoặc không có số dư.

4. Tổ chức thực hiện

- Căn cứ Hướng dẫn này, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; chọn 15%-20% đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ mình để thực hiện thí điểm chủ trương đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp uỷ; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra sâu sát để đảm bảo thực hiện được những mục đích, yêu cầu nêu tại Điểm 1 của Hướng dẫn này.

- Ngay sau khi thực hiện thí điểm, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả về Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất