Hướng dẫn nội dung các môn thi trong kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp năm 2021

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

BAN TỔ CHỨC

HỘI ĐỒNG THI NÂNG NGẠCH

*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2021


HƯỚNG DẪN

nội dung các môn thi trong kỳ thi nâng ngạch

lên chuyên viên cao cấp năm 2021

Thực hiện Kế hoạch số 30-KH/BTCTW ngày 17/8/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức kỳ thi nâng ngạch lên ngạch chuyên viên cao cấp đối với cán bộ, công chức trong cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội năm 2021; để thí sinh chuẩn bị thi và đạt kết quả tốt, Hội đồng thi nâng ngạch hướng dẫn các nội dung như sau:

A. CÁC MÔN THI

1. Môn kiến thức chung (môn điều kiện)

a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên máy tính.

b) Nội dung thi: 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của ngạch dự thi; những vấn đề thời sự quan trọng của quốc gia.

Bộ câu hỏi ôn thi được đăng tải trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, mục Văn kiện - Tư liệu (địa chỉ: xaydungdang.org.vn).

c) Thời gian thi: 60 phút.

2. Môn ngoại ngữ (môn điều kiện)

a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên máy tính.

b) Nội dung thi: 30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của ngạch chuyên viên cao cấp.

c) Thời gian thi: 30 phút.

3. Môn chuyên môn, nghiệp vụ

a) Thi viết đề án, người dự thi tự chọn chủ đề viết đề án theo gợi ý ở mục B; thời gian tối đa 08 giờ, được chấm với thang điểm 100.

b) Thi bảo vệ đề án, thời gian tối đa 30 phút, được chấm với thang điểm 100.

4. Yêu cầu

- Đối với 2 môn điều kiện: Mỗi môn thi phải có số câu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên (trừ trường hợp miễn thi); nếu môn nào không đạt (từ 50% số câu hỏi trở lên) người dự thi sẽ dừng, không thi các môn sau.

- Môn chuyên môn, nghiệp vụ: Phải đạt từ 100 điểm trở lên (trong đó điểm bài thi viết đề án và bài thi bảo vệ đề án phải đạt từ 50 điểm trở lên của mỗi bài thi); lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong trường hợp có thi cạnh tranh.

B. HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Để giúp cán bộ, công chức dự thi lựa chọn đề án, viết và bảo vệ đề án thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp năm 2021, Hội đồng thi hướng dẫn cụ thể các nội dung như sau:

I. Yêu cầu đề án

- Đề án phải đề cập những vấn đề mới cấp bách, thiết thực, gắn với với thực tế và đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương công tác.

- Bản đề án được trình bày kết cấu theo mục II. Nội dung lập luận lôgic, mạch lạc, dẫn chứng số liệu chính xác, có sức thuyết phục, các nhiệm vụ, giải pháp đề xuất phải khả thi, phù hợp với thực tiễn.

- Nghiêm cấm sao chép của người khác hay các đề án đã có (nếu phát hiện sẽ bị chấm điểm liệt hoặc trừ điểm).

II. Kết cấu đề án - Nội dung đề án bố cục theo các phần chính:

1. PHẦN MỞ ĐẦU: Phần này bao gồm các mục chính, như: tính cấp thiết của đề án; mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề án,…

2. PHẦN NỘI DUNG: Phần này bao gồm các mục chính, như: cơ sở/ căn cứ xây dựng đề án; thực trạng vấn đề, nguyên nhân và giải pháp; tổ chức thực hiện (phân công trách nhiệm, tiến độ, nguồn lực thực hiện); giá trị, tác động của đề án đem lại,…

3. KIẾN NGHỊ: Nêu rõ nội dung kiến nghị và địa chỉ kiến nghị.

4. TÀI LIỆU THAM KHẢO: Gồm các tài liệu liên quan cần thiết, cập nhật.

III. Viết và bảo vệ đề án

- Người dự thi tự chọn chủ đề để viết đề án có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác đang đảm nhiệm.

- Đề án viết dài ít nhất 16 trang giấy thi theo quy định, trong thời gian tối đa 08 giờ.

- Bảo vệ đề án: Người dự thi chuẩn bị bản tóm tắt nội dung đề án đã viết của mình (2 bản), gửi cho 2 thành viên Hội đồng bảo vệ đề án khi thực hiện bảo vệ đề án. Thời gian bảo vệ đề án tối đa 30 phút.

IV. Những gợi ý chọn lĩnh vực xây dựng đề án

1. Lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng

1.1. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan, ban Đảng trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

1.2. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

1.3. Công tác đánh giá, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quy hoạch, luân chuyển cán bộ; chính sách cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật...

1.4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, đạo đức, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

1.5. Công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đội ngũ đảng viên; kết nạp đảng viên mới.

1.6. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

1.7. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

1.8. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, chống “chạy chức”, “chạy quyền”. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

1.9. Xây dựng khung năng lực, vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

1.10. Các công tác khác về tổ chức xây dựng Đảng.

2.  Lĩnh vực công tác tuyên giáo

2.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và bộ máy của Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp hiện nay. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

2.2. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

2.3. Công tác khoa giáo trong tình hình hiện nay.

2.5. Hoạt động tuyên truyền của cơ quan, đơn vị (báo chí, truyền thông...). Vai trò, trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái,…

2.5. Công tác tổ chức điều tra dư luận xã hội, nằm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư, ý kiến,…

2.6. Triển khai tuyên truyền, giáo dục về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

2.7. Triển khai tuyên truyền, giáo dục về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng.

2.8. Các công tác khác về lĩnh vực Tuyên giáo.

3. Lĩnh vực công tác kiểm tra, giám sát

3.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Ủy ban kiểm tra các cấp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

3.2. Công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

3.2. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong kiểm tra, giám sát.

3.3. Cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng giữa Ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng và cơ quan liên quan.

3.4. Giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.

3.5. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chế tài xử lý vi phạm,...

3.6. Các công tác khác về kiểm tra, giám sát.

4. Lĩnh vực công tác dân vận

4.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Ban Dân vận các cấp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

4.2. Công tác dân vận thời kỳ phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng.

4.2. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.

4.3. Tổ chức và hoạt động của ban Dân vận cấp ủy các cấp hiện nay.

4.4. Nội dung, phương pháp tập hợp, vận động quần chúng.

4.5. Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở.

4.6. Công tác dân vận trong tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định của Đảng trong tình hình mới.

4.7. Công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

4.8. Các công tác khác về dân vận

5. Lĩnh vực công tác nội chính

5.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy Ban Nội chính các cấp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

5.2. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tình hình mới; các giải pháp kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

5.3. Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

5.4. Tổ chức và hoạt động của Ban Nội chính các cấp trong tình hình mới.

5.5. Công tác tham mưu của Ban Nội chính về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

5.6. Cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi, “chạy chức”, “chạy quyền”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,…

5.7. Xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, công chức, viên chức.

5.8. Các công tác khác về nội chính.

6. Lĩnh vực công tác văn phòng cấp uỷ

6.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động Văn phòng cấp ủy. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

6.2. Hoạt động của Văn phòng cấp ủy. Công tác quản lý ngân sách, tài chính, tài sản của cấp ủy.

6.3. Cải cách hành chính trong Đảng. Ứng dụng công nghệ thông tin.

6.4. Các công tác khác về văn phòng cấp ủy.

7. Lĩnh vực kinh tế - xã hội

7.1. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về các lĩnh vực kinh tế- xã hội đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

7.2. Công tác tham mưu, thẩm định các đề án, dự án lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế,…

7.3. Công tác tham mưu sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan về các lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.

7.4. Công tác tham mưu đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, thích ứng với nền kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế sâu rộng.

7.5. Công tác tham mưu về lĩnh vực phát triển bền vững, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường….

7.6. Các công tác khác về lĩnh vực kinh tế - xã hội.

8. Lĩnh vực công tác đối ngoại

8.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

8.2. Tổ chức và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới, thích ứng với toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

8.3. Công tác tham mưu về các chiến lược, chương trình, đề án, quy định về đối ngoại của Đảng trong tình hình mới.

8.4. Cơ chế phối hợp của các bên liên quan trong và ngoài nước trong hoạt động đối ngoại song phương, đa phương.

8.5. Các công tác khác về lĩnh vực đối ngoại.

9. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

9.1. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình mới.

9.2. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

9.3. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thích ứng với yêu cầu tình hình mới.

9.4. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

9.5. Công tác xây dựng và phát triển tổ chức đoàn, hội.

9.6. Quản lý ngân sách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

9.7. Các công tác khác về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

 HỘI ĐỒNG THI NÂNG NGẠCH

Bộ Câu hỏi ôn thi trắc nghiệm môn Kiến thức chung: Bo cau hoi KTC CVCC 2021.xls

Hướng dẫn thi CVCC 2021


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất