Hướng dẫn về việc thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm tổ chức và phát huy vai trò trách nhiệm của các lực lượng làm công tác dân vận, vận động quần chúng; bao gồm các tổ chức: chi bộ, trưởng thôn, ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội của các đoàn thể nhân dân, những người có uy tín trực tiếp vận động từng hộ, từng người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Nhằm cụ thể hóa công tác dân vận của chi bộ, đổi mới phương thức dân vận vận động quần chúng và hoạt động của mặt trận, các đoàn thể nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

3. Tổ chức và hoạt động của tổ dân vận thôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ của ban công tác mặt trận, các chi đoàn, chi hội, các thành viên và những người có uy tín tham gia làm công tác dân vận. Hoạt động của tổ dân vận thôn phải bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương và tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

II. TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Cơ cấu tổ chức

- Mỗi thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư thành lập một tổ dân vận; do đảng uỷ xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập.

- Thành phần và chức danh của tổ dân vận bao gồm: bí thư chi bộ làm tổ trưởng; trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận làm tổ phó. Các thành viên gồm: chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, phó thôn, thôn đội trưởng, công an viên, người có uy tín, già làng, một số trưởng dòng họ .v.v.

- Đối với những nơi: chưa thành lập chi bộ thôn, căn cứ vào tình hình cụ thể để thành lập tổ dân vận, có thể chi ủy viên hoặc trưởng thôn làm tổ trưởng.

- Một số nơi có thể mời đại diện: doanh nhân, nhà giáo, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu, có uy tín… tham gia tổ dân vận.

2. Chức năng

Tổ dân vận thôn là một tổ chức phối hợp hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm công tác dân vận, vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; có chức năng tham mưu cho chi bộ và trực tiếp vận động các tầng lớp nhân dân, tổ chức các phong trào quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thôn.

3. Nhiệm vụ

- Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, sự hiểu biết của nhân dân; tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong hành động của mọi người dân về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương; các chương trình, các phong trào thi đua của dân vận, mặt trận, các đoàn thể nhân dân để tham mưu cho chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện.

- Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tình hình dân tộc, tôn giáo; đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo chi uỷ, đề xuất giải pháp, trực tiếp vận động, hòa giải, giải quyết ổn thoả, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

- Phối hợp với ban công tác mặt trận, các chi đoàn, chi hội của các đoàn thể triển khai thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào "Dân vận khéo".v.v… Vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

- Vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào "xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quy ước, hương ước ở thôn; xây dựng nếp sống mới trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, việc cưới việc tang, các lễ nghi dân gian; kiên quyết đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tham mưu cho chi uỷ chỉ đạo và trực tiếp vận động nhân dân tham gia vào xây dựng đề án, quy hoạch nông thôn mới; tham gia góp công, góp của vào xây dựng hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh; cải tạo vườn tạp, chỉnh trang tường, dậu, nhà ở, công trình vệ sinh, vườn, ao, chuồng… bảo đảm môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

- Phối hợp tổ chức cho nhân dân tham gia giám sát, góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức trong hệ thống chính trị góp phần xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

- Xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp, nội dung, chương trình hoạt động; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; duy trì chế độ sinh hoạt, hoạt động thường xuyên của tổ dân vận; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thực hiện tốt công tác dân vận, vận động quần chúng.

- Định kỳ hàng tháng, 6 tháng, một năm hoặc đột xuất báo cáo chi bộ và báo cáo khối dân vận cấp xã về tình hình nhân dân và kết quả hoạt động của tổ dân vận thôn.

III. NỘI DUNG SINH HOẠT

- Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của thôn, căn cứ vào nhiệm vụ của chi bộ, của cấp trên giao cho thôn, tổ dân vận tham mưu cho chi bộ ban hành các chủ trương, giải pháp để chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng.

- Thảo luận dân chủ các nội dung, chương trình, giải pháp, phương thức vận động, các bước tiến hành phù hợp đối với các tầng lớp nhân dân, để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, vận động quần chúng.

- Thường xuyên nắm bắt và thảo luận, đánh giá sát tình hình nhân dân, tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, kịp thời phản ảnh với chi bộ có biện pháp phù hợp để vận động, giải quyết.

- Bàn biện pháp phối hợp hoạt động với ban công tác mặt trận, các đoàn thể, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn thôn.

- Hằng tháng hoặc khi cần thiết, họp xem xét, đánh giá về kết quả công tác, về vai trò, trách nhiệm, sinh hoạt, hoạt động và phối hợp hoạt động của tổ dân vận; rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Căn cứ vào hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương, ban dân vận các tỉnh uỷ, thành uỷ tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, giúp cấp ủy hướng dẫn việc thành lập và hoạt động, quy chế hoạt động, chương trình công tác của tổ dân vận, chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng việc thành lập và hoạt động của tổ dân vận thôn.

- Ban dân vận các cấp thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khuyến khích, động viên, khen thưởng những nơi làm tốt, kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo.

- Căn cứ vào các quy định của Nhà nước và tình hình cụ thể của địa phương cơ sở, ban dân vận cấp uỷ phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, hoạt động của tổ dân vận thôn.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm, ban dân vận các tỉnh uỷ, thành uỷ báo cáo Ban Dân vận Trung ương về tình hình và kết quả hoạt động của tổ dân vận thôn trong báo cáo chung của ban dân vận tỉnh uỷ, thành uỷ.

 (*) Hướng dẫn số 80-HD/BDVTW ngày 28-2-2012 của Ban Dân vận Trung ương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất