Kế hoạch tổng kết hai nghị quyết của Bộ Chính trị (khoá IX) về công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý
1. Mục đích, yêu cầu

- Bám sát nội dung hai nghị quyết, các quy định, quy chế, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Trung ương, của các cấp uỷ, tổ chức đảng, căn cứ vào đặc điểm, tình hình đội ngũ cán bộ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để kiểm điểm đánh giá thực chất về nhận thức và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hai nghị quyết nêu trên. Phân tích tác dụng của việc triển khai hai nghị quyết đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; sự gắn kết giữa công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ, nhất là các khâu đánh giá, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ; chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp mới nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ trong thời gian tới.

- Việc tổng kết phải được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ, tổ chức đảng và tiến hành đồng bộ từ dưới lên, bảo đảm chất lượng, thực chất, đánh giá đúng tình hình, tránh qua loa hình thức, hoặc làm lướt cho xong.

2. Nội dung tổng kết

2.1.Tình hình thực hiện Nghị quyết về công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước:

- Kiểm điểm, đánh giá về nhận thức, về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, về kết quả công tác quy hoạch cán bộ từ khi có Nghị quyết 42-NQ/TW đến nay (kèm theo biểu mẫu báo cáo M1A dùng cho các tỉnh uỷ, thành uỷ; biểu mẫu báo cáo M1B dùng cho các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương).

- Phân tích rõ ưu điểm, khuyết điểm của việc thực hiện các mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương pháp nêu trong Nghị quyết số 42-NQ/TW và các nội dung có liên quan được nêu trong các quy định, quy chế, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của các cấp uỷ, tổ chức đảng về công tác quy hoạch cán bộ (đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị; bảo đảm sự đồng bộ và gắn kết với các khâu khác trong công tác cán bộ; "động" và “mở"; đồng bộ từ dưới lên; về các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ để đưa vào quy hoạch; việc thực hiện các quy trình triển khai quy hoạch, rà soát, bổ sung, xác nhận và công khai quy hoạch…; nhận thức về mối quan hệ giữa công tác quy hoạch với việc bổ nhiệm và bố trí, sử dụng cán bộ); những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm.

- Đề xuất các giải pháp mới nhằm đẩy mạnh việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ trong thời gian tới.

2.2. Tình hình thực hiện Nghị quyết về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý:

- Kiểm điểm, đánh giá về nhận thức, về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, về kết quả công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý từ khi có Nghị quyết 11-NQ/TW đến nay (kèm theo biểu mẫu báo cáo M2A dùng cho các tỉnh uỷ, thành uỷ; biểu mẫu báo cáo M2B dùng cho các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương).

- Phân tích rõ ưu điểm, khuyết điểm của việc thực hiện mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phương châm, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW và các nội dung có liên quan được nêu trong các quy định quy chế, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của các cấp uỷ, tổ chức đảng về luân chuyển cán bộ (nhằm đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường cán bộ cho những địa bàn, lĩnh vực khó khăn; khắc phục khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị…; nhận thức giữa luân chuyển với điều động, tăng cường cán bộ); những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Kết quả thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền đối với một số đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện để luân chuyển đào tạo cán bộ và kết hợp tăng cường cán bộ cho các địa bàn khó khăn (Thông báo số 127-TB/TW ngày 2-1-2008 của Bộ Chính trị khoá X); kết quả của việc tăng cường cán bộ biên phòng về làm bí thư chủ tịch huyện, xã miền núi, biên giới, hải đảo và việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.

- Kết quả thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương và việc không giữ một chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị; những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Nguyên nhân ưu điểm, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm.

- Đề xuất giải pháp mới nhằm thực hiện tốt hơn công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian tới.

2.3. Đề xuất với Trung ương về chủ trương, chính sách chung nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ đến năm 2020.

3. Phương pháp tổng kết

- Việc tổng kết phải được thực hiện đồng bộ từ dưới lên (từ cấp huyện đến Trung ương). Thành lập ban chỉ đạo tổng kết ở Trung ương; ở cấp tỉnh và huyện do ban thường vụ cấp uỷ, ở các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương do ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc tổng kết.

- Ban thường vụ cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị vừa trực tiếp chỉ đạo việc tổng kết ở cấp mình, vừa chỉ đạo tổng kết ở cấp dưới; tiến hành tổng kết điểm ở cả những nơi làm tốt và làm chưa tốt; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để việc tổng kết đạt mục đích, yêu cầu đề ra; tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá đúng về tình hình và kết quả thực hiện, tìm giải pháp mới để đẩy mạnh việc thực hiện hai nghị quyết về quy hoạch và luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả hơn, nền nếp hơn; sau tổng kết, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương lập báo cáo gửi Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương (qua Ban Tổ chức Trung ương).

- Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo theo khu vực (với bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và với cán bộ luân chuyển…); tổ chức đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài; trực tiếp nghe báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết ở 23 địa phương, cơ quan, đơn vị: Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Phú Thọ, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lâm Đồng, An Giang, Bến Tre; Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Mình, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

4. Tiến độ thực hiện

- Tháng 6: Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; họp Ban Chỉ đạo để thảo luận kế hoạch, đề cương báo cáo tổng kết.

- Tháng 7 đến hết tháng 8: Các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương triển khai kế hoạch tổng kết ở cấp mình đồng thời chỉ đạo cấp huyện tiến hành tổng kết.

- Tháng 9: Các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết, lập báo cáo gửi Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương (qua Ban Tổ chức Trung ương). Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương tổ chức hội thảo theo khu vực.

- Tháng 10: Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương tổng hợp báo cáo trình Bộ Chính trị về kết quả thực hiện hai nghị quyết.

- Tháng 11: Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, hoàn thiện báo cáo, trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3.

Trên cơ sở kế hoạch nêu trên, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng kế hoạch tổng kết ở cấp mình và chỉ đạo cấp dưới tiến hành tổng kết bảo đảm nội dung, yêu cầu và tiến độ thời gian. Đối với 23 địa phương, cơ quan, đơn vị mà Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương sự trực tiếp nghe báo cáo tổng kết cần đăng ký sớm về thời gian để sắp xếp bố trí lịch làm việc (thực hiện trong tháng 9-2011).

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đồng chí kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương.

                                                                                                             K/T Trưởng Ban
                                                                                                 Phó trưởng Ban Thường trực
                                                                                                            Trần Lưu Hải
                                                                                                                     (đã ký)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất