- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Ban Bí thư khoá XI;
- Căn cứ Quyết định số 39-QĐ/TW, ngày 19-9-2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, nhiệm kỳ 2011-2016,
Bộ Chính trị quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, cơ quan tham mưu, giúp việc và chính sách cán bộ của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo) như sau:
Chương I
Nhiệm vụ, quyền hạn
Điều 1. Nhiệm vụ
1- Thảo luận, quyết định chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp, chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo cả nhiệm kỳ và hằng năm; xác định kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp hằng quý.
2- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 49-NQ/TW cua Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cải cách tư pháp.
3- Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp.
4- Nghiên cứu, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.
5- Tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Điều 2. Quyền hạn
1- Được yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng và đảng uỷ trực thuộc Trung ương:
- Báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận về lĩnh vực cải cách tư pháp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Cung cấp thông tin và tham gia ý kiến đối với các văn bản về lĩnh vực tư pháp.
2- Tham dự các hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị chuyên đề về lĩnh vực tư pháp của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Chương II
Nguyên tắc, chế độ làm việc và quan hệ công tác
Điều 3. Nguyên tắc làm việc
1- Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị.
2- Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Điều 4. Chế độ làm việc
1- Ban Chỉ đạo làm việc theo chương trình cả nhiệm kỳ và hằng năm, có điều chỉnh khi cần thiết; Ban Chỉ đạo họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp bất thường khi cần thiết.
2- Kết quả các phiên họp của Ban Chỉ đạo phải được thể hiện bằng văn bản và thông báo đến các cơ quan có liên quan để thực hiện.
Điều 5. Quan hệ công tác
1- Ban Chỉ đạo phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tỉnh uỷ, thành uỷ và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương về lãnh đạo việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về cải cách tư pháp.
2- Ban Chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo làm việc trực tiếp với các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan.
3- Ban Chỉ đạo trao đổi thông tin cần thiết với các cơ quan, tổ chức; mời đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương tham dự các hội nghị có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Điều 6. Chế độ báo cáo
Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Bộ tư pháp, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các tỉnh uỷ, thành uỷ định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp; gửi đề án, báo cáo cho Ban Chỉ đạo theo quy định của Ban Chỉ đạo.
Chương III
Cơ quan tham mưu, giúp việc và chế độ, chính sách cán bộ
Điều 7. Cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp là đồng chí Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo có con dấu riêng để giao dịch hành chính, thực hiện trách nhiệm chủ tài khoản theo sự uỷ quyền của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định sau khi trao đổi, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương.
Tổ chức đảng của cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo trực thuộc Đảng bộ Văn phòng Trung ương Đảng.
Điều 8. Chế độ, chính sách cán bộ
1- Các đồng chí Phó trưởng ban, Uỷ viên chuyên trách và Uỷ viên kiêm nhiệm của Ban Chỉ đạo được hưởng chế độ, chính sách như sau:
- Lương và các chế độ, chính sách khác của Phó trưởng ban thường trực: tương đương bộ trưởng.
- Phụ cấp trách nhiệm của các Phó trưởng ban và các Uỷ viên kiêm nhiệm là 10% lương.
- Phụ cấp trách nhiệm của Uỷ viên chuyên trách: 1, 2.
2- Chế độ, chính sách của các chức danh cán bộ, công chức của cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương.
Chương IV
Điều khoản thi hành
Điều 9. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quy định này.
Điều 10. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế các quy định, quy chế trước đây về Ban Chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện, nếu cần điều chỉnh, bổ sung, Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị quyết định.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Lê Hồng Anh (đã ký)