|
Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh. Ảnh: TL
|
Bài 1:
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở Vĩnh Phúc:
LẤY HIỆU QUẢ THỰC TIỄN LÀM THƯỚC ĐO
Với tinh thần quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên mọi lĩnh vực công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đạt dấu mốc mới, tăng cường thế và lực để tỉnh bứt phá phát triển, nâng cao vị thế của Vĩnh Phúc trên hành trình đổi mới. Thực tiễn đó là thước đo hiệu quả nhất để khẳng định niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua. |
Quyết tâm đổi mới
Quyết liệt đổi mới tư duy ngay từ bước khởi đầu, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay, năng lực lãnh đạo, dự báo, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã được nâng lên rõ rệt. Đảng bộ tỉnh đã tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời triển khai có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy với trọng tâm: xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ và kiểm tra, giám sát.
Từ Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ, BTV Tỉnh uỷ cụ thể hóa ban hành 19 nghị quyết, 47 chỉ thị, 16 quy định, 20 đề án, 15 chương trình...; đồng bộ hệ thống văn bản ở hầu hết các lĩnh vực. Nhờ vậy đã tạo cơ sở chính trị quan trọng để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần khơi thông các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, Tỉnh uỷ xác định coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt, kịp thời, hiệu quả. Bởi vậy, Vĩnh Phúc đã có những đổi mới toàn diện trong công tác cán bộ, đưa công tác cán bộ thành một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025, tạo động lực mạnh mẽ để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm.
Vĩnh Phúc là địa phương tiên phong đổi mới công tác cán bộ bằng chủ trương giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, từng bước đổi mới có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ thông qua việc đánh giá đa chiều. Từ năm 2021, BTV Tỉnh ủy đã thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho bí thư, chủ tịch các huyện, thành ủy và lãnh đạo một số sở, ngành; trên cơ sở đó thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm theo nội dung Quy định số 371-QĐ/TU, ngày 22-9-2021 của BTV Tỉnh ủy. Đây được coi là bước đột phá để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ. Với cách làm khoa học, tư duy sáng tạo, việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đã cho thấy những hiệu quả tích cực, nhiều điểm nghẽn, tồn tại gây bức xức dư luận trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ như giải phóng mặt bằng, vi phạm đất đai được xử lý dứt điểm, nhiều nguồn lực được giải phóng phục vụ sự phát triển của tỉnh.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện tốt mục tiêu bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương, qua đó khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương, phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc theo hướng khoa học, hiệu quả, quyết tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Trong cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện luôn sâu sát, lãnh đạo quyết liệt thông qua tổ chức đảng và đảng viên bằng việc gắn trách nhiệm cụ thể đối với đồng chí đứng đầu cấp ủy, tập thể cấp ủy, các đồng chí cấp ủy viên.
Cùng với hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, cán bộ còn có trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước nhân dân”. Để nêu gương trở thành phương thức lãnh đạo hiệu quả của Đảng, BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên BTV, ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân. Các quy định, quy chế đã góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, đồng thuận trong xã hội, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Chính sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các đồng chí ủy viên BTV cấp ủy các cấp đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cũng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Tỉnh uỷ yêu cầu các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tập trung nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KH/TW, ngày 25-10-2021, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương cho cán bộ, đảng viên cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về kết quả triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị và lấy kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và các quy định này là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá cán bộ.
BTV Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy phụ trách chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc học tập, quán triệt, triển khai tại các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết và các quy định tại các huyện, thành ủy và các cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng triển khai và tổ chức thực hiện, hằng năm Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện tại các hội nghị như: Hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; hội nghị cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; cán bộ chủ chốt mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; hội nghị cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các sở, ban, ngành trong tỉnh; hội nghị với các đồng chí cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý đã nghỉ hưu nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí, quyết tâm trong toàn Đảng bộ về thực hiện Nghị quyết và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Do đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều các tấm gương, điển hình trong công tác và trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã tập trung, chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới lề lối làm việc; nghiêm khắc với bản thân, giữ gìn đạo đức, lối sống; tự soi, tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi trong công tác, trong cuộc sống của bản thân và gia đình cán bộ, đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ có nhiều đổi mới với số lượng kiểm tra, giám sát nhiều nhất từ trước tới nay. Qua kiểm tra, giám sát nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Các nghị quyết, đề án “lấy Dân làm gốc”
Quan điểm thống nhất, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy là chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy Dân làm gốc, làm trung tâm, đặt lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Bởi vậy các chỉ thị, nghị quyết được ban hành đã đổi mới theo hướng tập trung vào những vấn đề khó, vấn đề mới, tháo gỡ “nút thắt”, khơi thông “điểm nghẽn”, tính khả thi cao, chú trọng đến việc cân đối các nguồn lực và điều kiện để triển khai có hiệu quả.
|
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ đại hội (từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII). Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ đại hội là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, trong đó ngay từ Đại hội XII (1997) đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế - xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức.
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy luôn đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Tỉnh ủy chỉ đạo phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực, tạo chủ động cho các cấp, các ngành; đồng thời tăng cường giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị; ủy quyền cho cấp huyện chủ động quyết định những công việc thuộc phạm vi địa bàn nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc triển khai các giải pháp cấp bách ở cơ sở, nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và phát huy vai trò chủ động của các cơ quan Nhà nước.
Quan điểm “mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh” trở thành tư tưởng xuyên suốt trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn đau đáu với mục tiêu chuyển hóa được những thành quả tăng trưởng thành sự thụ hưởng của người dân. Bởi vậy mà trong bối cảnh bộn bề khó khăn chung của cả nước, vượt lên những thách thức những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã về đích thành công hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, giữ vững thế trận lòng dân và củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Những con số “biết nói” đã thể hiện những chuyển biến về chất và lượng cuộc sống của người dân Vĩnh Phúc: Các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân đều đứng ở tốp 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước: Chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 9; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 9, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc với mức 132 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,3-1,4 lần so với mức bình quân của chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc đến nay là 0,61% (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc là hơn 4%). Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh phục vụ đời sống nhân dân được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Lĩnh vực thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng; các chỉ số đo lường tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của Vĩnh Phúc như Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số xanh cấp tỉnh đều đứng trong tốp 10 tỉnh đứng đầu cả nước.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiễu mẫu và xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu ở Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nên sức sống mới ở các miền quê. Tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 177 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 6 thôn đạt chuẩn NTM thông minh. Toàn tỉnh có 28 Làng văn hoá kiểu mẫu đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng khu thiết chế văn hóa - thể thao hiện đại, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Những kết quả toàn diện về mọi mặt của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã minh chứng cho những nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Luôn lấy thực tiễn làm thước đo cho sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vậy nên ý Đảng đồng thuận với lòng Dân, các nghị quyết của Đảng được hiện thực hoá trong cuộc sống, tạo động lực phát triển, xây dựng quê hương cách mạng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
(Còn nữa)
Bảo Yến