Xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua việc ban hành hướng dẫn và hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ; chỉ đạo thành lập các tổ công tác của ban thường vụ cấp ủy dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở.
|
Đảng ủy phường Phúc Thắng (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) họp bàn về nâng cao hiệu quả việc sinh hoạt chi bộ cơ sở của cấp ủy.
|
Nhằm triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ nhằm khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng.
Chú trọng đổi mới quy trình xây dựng, ban hành và triển khai các nghị quyết, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng. Đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chi bộ.
Thực hiện chủ trương cấp ủy viên cấp tỉnh nắm tình hình tới tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy viên cấp trên trực tiếp cơ sở nắm tới chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và cấp ủy viên cơ sở nắm tới đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các tổ công tác gồm các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy, định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần về dự sinh hoạt chi bộ cơ sở…
Thông qua việc tham dự sinh hoạt chi bộ, đội ngũ cán bộ cấp ủy các cấp có điều kiện và cơ hội sâu sát hơn với cơ sở; nhiều ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên tại các kỳ sinh hoạt chi bộ được phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều nội dung được chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời...
Các thành viên tổ công tác được phân công về dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở ngoài việc nắm bắt tình hình còn đảm nhiệm vai trò tuyên truyền, quán triệt, phổ biến trực tiếp, kịp thời tới đội ngũ cán bộ, đảng viên những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như những chỉ thị, nghị quyết, quyết định, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đề ra cần tập trung thực hiện.
Bên cạnh đó, những ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên ở cơ sở cũng được các thành viên tổ công tác tiếp thu, tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ đó, giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành các chủ trương, quyết sách “đúng”, “trúng”, “sát” với tình hình thực tiễn ở cơ sở, đảm bảo quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chính trị của tỉnh được toàn diện, hiệu quả...
Hiệu quả của việc dự sinh hoạt với chi bộ cơ sở mà Đảng bộ tỉnh và đảng bộ các huyện, thành phố triển khai thời gian qua không những tạo được mối đoàn kết, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở mà còn giúp các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy hiểu sâu, nắm chắc tình hình ở cơ sở, từ đó, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung trong toàn tỉnh cũng như ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở, ngày 18-7-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Quy định số 28 về chế độ dự sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh của các đồng chí Tỉnh ủy viên và lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở chi bộ.
Chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các ban xây dựng đảng của tỉnh trong việc cung cấp thông tin có tính định hướng về những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, nhất là các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo mới của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương, ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện ở cơ sở.
Tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trọng tâm là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
Kịp thời phát hiện, có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn; xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của các chi bộ.
Ngô Tuấn Anh