|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc".
(Ảnh minh hoạ)
|
BÀI 2:
CÔNG TÁC CÁN BỘ - KHÂU ĐỘT PHÁ “THEN CHỐT”
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: “Đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, xác định đây là một khâu đột phá” và “Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm”, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm… Tập trung bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua môi trường thực tiễn”. |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, để chủ động thực hiện thắng lợi khâu đột phá trong công tác cán bộ, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22-9-2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết là chiến lược “dài hơi” cho cả nhiệm kỳ để Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác cán bộ - khâu đột phá “then chốt” chính là “chìa khoá” để Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc mở nhiều “cánh cửa”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tiên phong trong đánh giá cán bộ bằng sản phẩm
Xác định việc đánh giá cán bộ là khâu tiền đề quan trọng của công tác cán bộ, BTV Tỉnh ủy đã đổi mới theo hướng lấy hiệu quả công việc để đánh giá, phân loại cán bộ; gắn kiểm điểm, đánh giá cán bộ với trách nhiệm của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ công tác và trách nhiệm của từng đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy phụ trách ngành, lĩnh vực, địa phương; gắn đánh giá cán bộ với đánh giá đảng viên hằng năm và kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
BTV Tỉnh uỷ ban hành Quy định số 371-QĐ/TU và Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 22-9-2021 hướng dẫn về việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm; Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá cán bộ bằng sản phẩm của tỉnh. Theo đó hằng năm, BTV Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho người đứng đầu 4 nhóm cơ quan, đơn vị: (1) nhóm cơ quan quản lý Nhà nước; (2) nhóm các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; (3) nhóm mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; (4) nhóm các huyện, thành phố. Tổng số người đứng đầu được giao nhiệm vụ năm 2021 là 37 đồng chí, năm 2022 là 43 đồng chí, năm 2023 là 48 đồng chí.
Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, nhiều sở, ngành, huyện, thành phố đã triển khai giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm hằng năm cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc. Cách làm này nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Từ năm 2021, 9/9 huyện, thành ủy và 2 đảng ủy khối trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã quyết định giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc. Năm 2021, BTV các huyện thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã thực hiện giao nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ khó cho 413 người đứng đầu các đảng bộ xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trực thuộc với tổng số 1.941 nhiệm vụ. Năm 2022, tiếp tục mở rộng thực hiện giao nhiệm vụ cho 580 người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc với tổng số 5.123 nhiệm vụ. Năm 2023, thực hiện giao nhiệm vụ cho 622 người đứng đầu với tổng số 5.120 nhiệm vụ.
Với cách làm đó, các chỉ tiêu về xây dựng Đảng, hoạt động quản lý nhà nước, quốc phòng - an ninh được lượng hóa thành con số, mức độ hoàn thành hay không hoàn thành. Bên cạnh các chỉ tiêu chung, các ngành, địa phương được giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ riêng phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Thông qua việc triển khai thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tạo áp lực cần thiết để người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; khắc phục trì trệ trong tư duy của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhiều việc khó đã được thực hiện, nhiều “điểm nghẽn” lâu năm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đã được tháo gỡ.
Sau khi giao nhiệm vụ, BTV Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, cán bộ phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm, tỉnh thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá, chấm điểm từng cán bộ. Do mỗi ngành, mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau nên việc nhận xét, đánh giá, chấm điểm được triển khai thận trọng, khoa học theo hướng xây dựng thang điểm cho từng vị trí, gắn với đặc thù từng ngành, từng địa phương, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khuyến khích và có điểm thưởng cho sự đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng trong việc xem xét quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thông qua việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chế độ, chính sách, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng đội ngũ. Hằng năm, BTV Tỉnh ủy ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC các cấp, trong đó hướng tới việc vừa làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, vừa hướng tới trách nhiệm của bản thân cán bộ, CCVC trong thực hiện quyền, nghĩa vụ được đào tạo, bồi dưỡng, tự học, tự rèn luyện.
Vĩnh Phúc đã từng bước mở rộng và nâng cao năng lực hợp tác, đa dạng chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, CCVC ở nước ngoài. Là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức được các chương trình bồi dưỡng với nước ngoài cho giáo viên tiếng Anh các cấp học, nhằm chuẩn hoá giáo viên ngoại ngữ theo đề án của Chính phủ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh thời gian qua đã gặt hái được nhiều kết quả. Tuy nhiên, theo BTV Tỉnh uỷ đánh giá, công tác này vẫn còn một số hạn chế như thiếu tính chiến lược, dài hạn; chưa có nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, chưa đồng bộ với yêu cầu về vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch và bố trí cán bộ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số lĩnh vực mũi nhọn chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, cũng như chưa xây dựng được chương trình bồi dưỡng chuyên sâu cho một số lĩnh vực cấp thiết hiện nay. Trình độ ngoại ngữ của cán bộ, CCVC còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC, BTV Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 5-11-2021 về “Đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025” với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Theo đó, BTV Tỉnh uỷ yêu cầu cấp uỷ các cấp coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách đồng bộ, thường xuyên, khoa học và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Phát huy vai trò của các cấp uỷ đảng, của người đứng đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với quy hoạch và theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, CCVC.
Đề án 06 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu tạo bước chuyển biến trong nhận thức về đào tạo và tự đào tạo. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được tập trung vào các nội dung như: Đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu về những lĩnh vực tỉnh cần, tỉnh còn thiếu, còn yếu. Bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp uỷ các cấp nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các hoạt động lãnh đạo, quản lý. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để xây dựng được đội ngũ cán bộ, CCVC có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Xây dựng được phong trào học tập, tinh thần tự học của đội ngũ cán bộ, CCVC.
Đề án số 06-ĐA/TU ngày 5-11-2021 về đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc đề ra các mục tiêu:
(1) Đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu về những lĩnh vực tỉnh cần, tỉnh còn thiếu, còn yếu.
(2) Bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp uỷ các cấp nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các hoạt động lãnh đạo, quản lý.
(3) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học để xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
(4) Xây dựng được phong trào học tập, tinh thần tự học của đội ngũ cán bộ.
|
Năm 2022, Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh được Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm tổ chức lớp Cao cấp Lý luận chính trị hệ tập trung tại tỉnh với 55 học viên. Tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội mở lớp Văn bằng 2 ngành Luật cho 55 cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện; phối hợp để mở đào tạo sau đại học ngành Quản lý văn hóa, Quản lý Kinh tế.
Từ đầu năm 2023 đến nay, BTV Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ cử 11 đồng chí diện BTV Tỉnh ủy đi bồi dưỡng ngắn hạn tại Ô-xtrây-li-a, Xinh-ga-po, Nhật Bản, Đài Loan... Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, BTV Tỉnh ủy đã mở 1 Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh đương nhiệm và 1 Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn quy hoạch chức danh Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 cho 100% cán bộ được quy hoạch, nhằm trang bị kiến thức cả lý luận và thực tiễn, trang bị những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Điểm mới trong chương trình bồi dưỡng đó là: Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cho học viên 2 lớp thảo luận chủ đề “Định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng tỉnh Vĩnh Phúc và một số vấn đề trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay” để học viên hiến kế cho tỉnh những vấn đề học viên quan tâm, nhiều đồng chí đã đề xuất, trao đổi, thậm chí là phản biện để tìm ra những giải pháp, cách làm khả thi giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện của Vĩnh Phúc đều đạt và cơ bản vượt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm. Trình độ lý luận chính trị của cấp ủy viên cấp tỉnh, huyện đa số vượt chuẩn, cấp ủy viên cơ sở đạt 89.7%, cao hơn tỷ lệ chung toàn Đảng (toàn Đảng là 88,8%); 100% nhân sự được quy hoạch các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đã có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân hoặc đã được cử đi đào tạo trong năm 2022.
Song song với việc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy chú trọng việc tự đào tạo, bồi dưỡng - coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là điểm mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Theo đó, đã cụ thể hóa nội dung này trong Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hằng năm; yêu cầu các cơ quan, đơn vị tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho ít nhất 50% cán bộ, CCVC thuộc thẩm quyền; chỉ đạo các cơ quan khối nhà nước tổ chức kiểm tra, sát hạch kiến thức chuyên môn nghiệp vụ định kỳ mỗi năm một lần cho công chức làm nhiệm vụ chuyên môn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 2-6-2022 về kiểm tra kiến thức đối với cán bộ, công chức khối quản lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 và tổ chức kiểm tra kiến thức cho tối thiểu 50% cán bộ, công chức khối quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện.
Kết quả, năm 2022 có 30/30 cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện với 1450/2599 công chức, đạt tỷ lệ 56%; kết quả xếp loại: 864 người xuất sắc (đạt 59%); 357 người giỏi (đạt 25%); 177 người khá (đạt 12%); 58 người trung bình (đạt 3,97%); 4 người không đạt (0.03%). Sau kiểm tra kiến thức, đa số công chức đã có chuyển biến tích cực về tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tự hình thành thói quen trau dồi chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương về trường chính trị chuẩn, tháng 10-2021, BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Đề án số 08 về “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn”; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn; bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm đủ điều kiện thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Kết quả, tháng 4-2023 Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc là trường thứ 3 trong cả nước được công nhận Chuẩn mức 1 và hiện đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí chuẩn 2. Các trung tâm chính trị cấp huyện cũng được quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng cán bộ tại địa phương.
Luân chuyển cán bộ - một bước đào tạo cán bộ từ thực tiễn
Công tác luân chuyển cán bộ được tỉnh thực hiện đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục, có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị, coi đây là giải pháp hiệu quả để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn.
BTV Tỉnh ủy đã mạnh dạn luân chuyển một số cán bộ trẻ, cán bộ còn 3 nhiệm kỳ công tác trở lên diện BTV Tỉnh ủy quản lý làm bí thư cấp ủy cấp huyện. Trong luân chuyển, đã có sự kết hợp giữa luân chuyển với việc bố trí cán bộ không là người địa phương, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án số 05-ĐA/TU ngày 5-11-2021 về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện việc luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có cơ hội trưởng thành, học tập tích lũy kinh nghiệm, có quan điểm và phương pháp lãnh đạo, quản lý toàn diện. Thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các cấp, các ngành, luân chuyển dọc và luân chuyển ngang kết hợp với chuyển đổi các vị trí công tác theo quy định của Đảng và Nhà nước. Kết hợp luân chuyển với bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không là người địa phương. Phấn đấu đến nhiệm kỳ 2025-2030, hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện phải được luân chuyển, kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới.
Ngoài đối tượng luân chuyển theo quy định, Đề án 05 của Vĩnh Phúc chú trọng luân chuyển cán bộ trẻ (chủ yếu dưới 40 tuổi), có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, có năng lực nổi trội, triển vọng phát triển, trong quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn. Đồng thời chú trọng luân chuyển cán bộ gắn với thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương: bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã.
Tính đến tháng 4-2024, toàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố có bí thư cấp ủy không là người địa phương; 7 huyện, thành phố có chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương. Toàn tỉnh có 38 cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được luân chuyển xuống xã. Nhiều địa phương đã thực hiện luân chuyển ngang cán bộ, công chức cấp xã với nhau.
BTV Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương luân chuyển cán bộ xuống các địa bàn khó khăn, trọng điểm để tăng cường sự lãnh đạo và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ. Đặc biệt, đã tổ chức gặp mặt với cán bộ luân chuyển để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giao nhiệm vụ cho cán bộ luân chuyển.
Qua thực tiễn cho thấy, hầu hết cán bộ qua luân chuyển đã có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, có quan điểm, tầm nhìn và phương pháp công tác ngày càng toàn diện hơn, sát thực tế hơn. Nhiều đồng chí có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương tín nhiệm; nhiều cán bộ trưởng thành, được bổ sung vào cấp ủy, BTV cấp ủy, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cao hơn sau luân chuyển.
Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, luân chuyển cán bộ để rèn luyện, đào tạo qua thực tiễn, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ… là những giải pháp quyết liệt khẳng định quyết tâm chính trị cao của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, chuẩn bị cho nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
(Còn nữa)
Bảo Yến