Bảo hiểm y tế- Nguồn tài chính quan trọng chăm sóc sức khỏe toàn dân

Điểm tựa an sinh

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những rủi ro về bệnh tật. Đó là lúc mỗi người cần có một “điểm tựa” để vượt qua. Khi đó, bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ là một giải pháp quan trọng để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khoẻ toàn dân, mang tính chia sẻ giữa người giàu và người nghèo, giữa người khỏe và người ốm đau, giữa lúc trẻ với lúc già nua, ốm yếu…

Giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh

Phát biểu tại Chương trình “BHYT toàn dân- Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” nhân kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam (1-7-2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng đến BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh (KCB)…”.

Thực tế nhiều năm qua, BHYT đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao phó, trở thành nguồn tài chính quan trọng trong công tác KCB và nguồn thu chủ yếu của các cơ sở y tế. Sau 8 năm thực hiện Luật BHYT, việc thực hiện chính sách này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 8, cả nước đã có 78,39 triệu người tham gia BHYT, bao phủ 84,2% dân số, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2017. Đáng chú ý, đã có sự dịch chuyển tích cực ở các nhóm tham gia BHYT. Đối tượng được NSNN đóng có xu hướng giảm, trong khi đối tượng cá nhân tự đóng tăng- thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về sự cần thiết của BHYT.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho thấy, tỉ trọng tài chính công (bao gồm NSNN và BHYT) cho chi tiêu y tế đang có xu hướng tăng lên, chiếm 42,4% tổng chi y tế. Đặc biệt, định hướng của Chính phủ trong đổi mới tài chính y tế hiện nay là phải chuyển dần hỗ trợ cơ sở KCB sang hỗ trợ trực tiếp người dân, thông qua việc tăng mức hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, chuyển BHYT thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí y tế. Chủ trương này đang được hiện thực hóa bằng nhiều văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ như: Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Luật BHYT 2014, Thông tư 37 quy định tăng giá DVYT… Chiến lược Tài chính Y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025 cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng- hiệu quả- phát triển- chất lượng. Theo đó, một trong những giải pháp chủ yếu được Bộ Y tế và các chuyên gia quốc tế chỉ ra là phải đạt tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân, đồng thời sử dụng nguồn quỹ hợp lý, hiệu quả…

Một minh chứng về hiệu quả của chính sách BHYT là kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016) đã khẳng định sự hài lòng ngày càng tăng của người dân với BHYT. Theo đó, chất lượng các dịch vụ và lợi ích BHYT mang lại đã được 14.000 người dân từ 63 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát chấm 3,48/4 điểm- mức cao nhất trong 6 năm thực hiện khảo sát này. Nhóm tác giả thực hiện khảo sát đã đánh giá, chính sách BHYT đã có ảnh hưởng nhất định tới mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ y tế công lập. Điều này được lý giải phần lớn là nhờ số lượng người có BHYT tăng nhanh qua từng năm.

Chính sách linh hoạt về BHYT, trong đó có thông tuyến KCB BHYT đã ảnh hưởng nhất định tới đánh giá của người dân. Bên cạnh đó, so với những năm trước, cảm nhận của người dân về BHYT đã có nhiều thay đổi. Cụ thể: Năm 2016, có hơn 55% số người được hỏi cho biết BHYT “có tác dụng rất tốt”, trong khi năm 2015 là 51%; còn tỉ lệ người cho biết BHYT “có tác dụng ít nhiều” giảm từ 8% năm 2015 xuống còn 4% năm 2016. Chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ dưới 6 tuổi được đánh giá cao hơn, với 32% cho biết “rất tốt”- cao hơn tỉ lệ 23% năm 2015... Mức độ quan tâm của người dân đến chính sách này cũng được thể hiện qua con số gần 73% người được hỏi đã biết thông tin người nghèo được hỗ trợ mua BHYT (năm 2015 là 68,41%). Tương tự, 70,05% người được hỏi cho biết, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí KCB, tăng hơn 7% so với năm 2015...

Chính sách ngày càng tăng “độ mở”

Hiện nay, chính sách BHYT đang ngày càng thu hút người dân tham gia vào hệ thống. Chúng ta đang có trên 2.000 cơ sở KCB các tuyến và khoảng 10.000 cơ sở y tế tuyến xã đã KCB cho khoảng 130 triệu lượt người có thẻ BHYT mỗi năm, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện rõ rệt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Luật BHYT 2014 cũng đã mở rộng rất nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT. Chính sách thông tuyến KCB đã tạo thuận lợi rất nhiều cho người bệnh BHYT khi đi KCB. Theo đó, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã, tuyến huyện không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến huyện khác. Những người tham gia BHYT đăng ký KCB tại cơ sở y tế tuyến Trung ương, tuyến thành phố, tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện trong cả nước. Nhờ đó, người bệnh có nhiều sự lựa chọn hơn để tìm đến các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Đặc biệt, các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và bảo đảm quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện trên phạm vi cả nước, mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác.

Thông tuyến cũng tạo sự cạnh tranh công bằng, buộc các cơ sở y tế phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy người dân tham gia BHYT. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hạng bệnh viện thống nhất trên toàn quốc được thực hiện từ 133-2016 cũng tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế, khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, giúp người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ cao ngay trên địa bàn. Đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, giá dịch vụ y tế cũng đã được điều chỉnh từ ngày 1-6-2016 theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, tạo sự công bằng với người tham gia BHYT.

Luật BHYT 2014 cũng tăng mức hưởng BHYT đối với trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến, người tham gia BHYT 5 năm liên tục, mở rộng phạm vi thanh toán cho nhiều trường hợp như điều trị các tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi, tai nạn giao thông…

 Phát triển BHYT bền vững

Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế bền vững không chỉ cần đạt độ bao phủ số người tham gia, mà còn cần bảo đảm cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; đồng thời tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân. Để đạt mục tiêu này, chúng ta luôn cần có nguồn quỹ an toàn và được sử dụng hợp lý.


Những cảnh báo…

Khẳng định sự cần thiết của chính sách BHYT trong đời sống xã hội, ngay từ năm 1992, Điều 39 Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ghi: “Thực hiện BHYT, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khỏe”. Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 cũng tái khẳng định điều này: “Thực hiện BHYT toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bàodân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn”.

Tại Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 26-6-2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016- 2020, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020 tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt tỉ lệ bao phủ BHYT từ trên 90% dân số trở lên. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và là mục tiêu khả thi, khi chúng ta đã có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân tham gia BHYT. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã bố trí kinh phí để mở rộng nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT, nâng tổng kinh phí đóng và hỗ trợ đóng BHYT giai đoạn 2013- 2015 lên gần 62.800 tỉ đồng; từ năm 2012 bình quân mỗi năm tăng chi hỗ trợ mua BHYT khoảng 4.300 tỉ đồng…

Tuy nhiên, về cơ chế, vẫn còn vướng ở một số nhóm đối tượng như: Người dân vẫn chưa quen mua BHYT theo hộ gia đình, chỉ mua BHYT khi có bệnh; cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp còn hạn hẹp (mới được hỗ trợ 30% mức đóng và không được hưởng mức giảm trừ như tham gia theo hộ gia đình). Nhóm HSSV chưa đạt 100% như mong muốn, nhất là sinh viên năm thứ hai trở đi thường “quên” trách nhiệm tham gia BHYT, trong khi chế tài lại không rõ ràng. Đối với hộ cận nghèo, dù Chính phủ đã giao các địa phương huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ (trước mắt hỗ trợ 30% mức đóng còn lại), song đến nay vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện, khiến tỉ lệ tham gia của nhóm này chưa đạt 100%. Tính tuân thủ pháp luật của NLĐ và DN còn thấp, nên vẫn còn gần 50% NLĐ thuộc các DN, nhất là các DN NVV, DN ngoài quốc doanh chưa tham gia BHYT. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT vẫn còn phổ biến…

Vấn đề đáng quan tâm là tính an toàn, bền vững của quỹ BHYT. Độ “mở” của chính sách tạo thuận lợi cho người tham gia, đồng thời cũng tạo nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đơn cử, khi thực hiện thông tuyến KCB BHYT, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở KCB, nhất là cơ sở tư nhân (tặng quà, khuyến mại người dân, tạo nhu cầu ảo, chỉ định tăng số lượng xét nghiệm và dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn, thuốc đắt tiền…), làm tăng chi phí KCB BHYT. Xuất hiện tình trạng người đi KCB nhiều lần trong ngày, trong tháng. Nhiều cơ sở y tế đẩy tần suất KCB cao đột biến so với bình quân chung cả nước...

Cơ cấu chi quỹ BHYT cũng có sự thay đổi đáng lưu ý. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù vẫn chiếm tỉ trọng chi cao nhất, nhưng mức chi từ quỹ BHYT cho thuốc đã giảm từ 43,69% xuống 36,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi tiền khám và tiền giường từ 2,2% tăng lên 21,2% (từ 740,7 tỉ đồng tăng lên 9.214 tỉ đồng). Phân tích của Hệ thống giám định BHYT chỉ rõ, chi phí giường bệnh tăng cao là do nhiều cơ sở KCB BHYT chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày nằm viện quá mức cần thiết; xuất hiện tình trạng một số cơ sở KCB tách nhiều hồ sơ trong một đợt điều trị để thanh toán thêm tiền khám bệnh, tăng số lượt để giảm mức chi bình quân.

Hệ thống thông tin giám định BHYT đã phát hiện trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở KCB đã có 717.777 lần tách đợt điều trị, đề nghị thanh toán sai 6,9 tỉ đồng tiền khám và 4,4 tỉ đồng thuộc trách nhiệm cùng chi trả của người bệnh. Mức chi xét nghiệm cận lâm sàng cũng tăng 14,7%; chi chẩn đoán hình ảnh tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 22 địa phương có mức chi vượt dự toán năm. Số chi phí do các cơ sở y tế đề nghị thanh toán lên tới 39.000 tỉ đồng.

Năm 2016, quỹ BHYT đã bội chi khoảng 7.500 tỉ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2020 chưa tăng mức đóng BHYT, theo tính toán của BHXH Việt Nam, với nguồn kết dư hiện nay, ước tính năm 2017, quỹ dự phòng sẽ bù chi khoảng 10.000 tỉ đồng. Từ năm 2018 trở đi, nguồn kết dư quỹ BHYT sẽ dần cạn kiệt.

Cần quyết tâm và sự đồng lòng

Là cơ quan thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam đang quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có cải cách TTHC để tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT. Hệ thống đại lý thu BHYT được mở rộng với sự tham gia của 33.000 nhân viên của hệ thống Bưu điện, UBND cấp xã và các hội, đoàn thể. BHXH Việt Nam cũng đang xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất của Ngành, thực hiện cấp mã số BHXH đối với mọi cá nhân để quản lý người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT được thuận lợi, chính xác.

Đặc biệt, hệ thống thông tin giám định BHYT được vận hành từ cuối năm 2016 vừa cắt giảm thời gian chờ đợi, tối giản TTHC cho người bệnh, vừa tăng hiệu quả quản lý và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ. Hệ thống đã được kết nối với các đơn vị thuộc ngành Y tế và các bệnh viện, góp phần chia sẻ kịp thời thông tin. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, hệ thống đã chủ động giám định và từ chối thanh toán trên 300 tỉ đồng…

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ngoài nỗ lực của ngành Y tế và BHXH, còn cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý và tổ chức thực hiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHYT và các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế mua sắm thuốc, vật tư y tế theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị,doanh nghiệp và mọi người dân hiểu và tích cực tham gia BHYT…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất