Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một ngày sau, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, trong đó có vấn đề: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ”. Cùng ngày Người ký Sắc lệnh số 14 quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước. Đây là ý nguyện mà Người đã trăn trở từ lâu là “Làm thế nào để quyền lực Nhà nước đích thực thuộc về nhân dân”. Không lâu sau, ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên. Tiếp đó, vào ngày 26-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 39 về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử gồm 9 thành viên, là: Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Hữu Tiêu, Lê Văn Giạng và cô Tâm Kính. Ngày 17-10-1945, Người ký Sắc lệnh số 51 quy định thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày 23-12-1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc. Ngày 16-11-1945, tham dự phiên họp Hội đồng Chính phủ, Người nêu vấn đề dân chủ bầu cử, ứng cử, đề nghị Chính phủ ra thông báo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù có đảng phái hay không đảng phái. Cũng trong phiên họp này, để cho công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo hơn, Người đã đề nghị hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946.
Để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia một cách đầy đủ ngày hội Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng trên báo Cứu Quốc số 130, ra ngày 31-12-1945. Bài báo nêu rõ: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử... hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà quốc dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân... Ngày 1-1-1946, trong “Tuyên bố chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời”, Người nêu rõ: Từ nay đến Quốc hội, Chính phủ liên hiệp lâm thời bàn đến các vấn đề thực tế như sau: ...về chính trị: Làm cho cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc được mỹ mãn... Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, Người đã có “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, đăng trên báo Cứu Quốc số 134, ngày 5-1-1946. Rất giản dị, Người đi vào vấn đề cụ thể, gọn rõ: Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình (...). Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước (...). Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do. Cũng vào chiều ngày 5-1-1946, trước hơn 2 vạn đồng bào Thủ đô đang mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử, Người căn dặn: ... Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình.
Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, được hưởng quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội. Hơn 90% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu. Ngay trong vùng có chiến sự, đồng bào vẫn tìm cách tham gia bầu cử. Riêng đối với Bác kính yêu, vào ngày 6-1-1946, ngay từ 6 giờ sáng, Người đã xuất hành làm nhiệm vụ công dân của mình ở thùng phiếu số 10 phố Hàng Vôi. Người vui vẻ trình thẻ cử tri, nhận phiếu bầu, ra bàn ngồi ghi rồi gấp phiếu lại ngay ngắn, cẩn thận bỏ vào thùng phiếu. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu, Ô Đông Mác. Buổi trưa, Người ghé thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động cho Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc. Kết quả, toàn dân đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với 98,4% tổng số phiếu bầu.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, để ứng phó kịp thời với tình hình mới, Bác Hồ đã chủ trương triệu tập cuộc họp Quốc hội. Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Gần 300 đại biểu Quốc hội của cả nước đã về dự kì họp. Kì họp đã được tiến hành một cách khẩn trương và có kết quả. Tại kỳ họp, Quốc hội nghe thông qua danh sách 70 đại biểu của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội bổ sung vào Quốc hội không thông qua bầu cử. Quốc hội công nhận Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập; bầu Ban Thường trực Quốc hội, Tiểu ban dự thảo Hiến pháp, Kháng chiến ủy viên hội và Đoàn Cố vấn tối cao... Thành công của cuộc Tổng tuyển cử và thắng lợi của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I là thành công lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và củng cố chính quyền, đưa đất nước ta vượt qua những thử thách to lớn ban đầu, chuẩn bị điều kiện để tiến lên giai đoạn mới.
Cuối năm 1946, dù chúng ta muốn hòa bình, dù chúng ta đã nhân nhượng, nhưng với dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa, thực dân Pháp cứ lấn tới. Như trong lời khai mạc tại kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Bác đã khẳng định: Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến nên thời kì này, các đại biểu Quốc hội cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chung sức chung lòng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chín năm kháng chiến, Đảng, Bác đã chuyển từ thủ đô gió ngàn về Thủ đô Hà Nội (10-1954). Và từ ngày 20 đến 26-3-1955, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra kì họp thứ tư Quốc hội khóa I, kì họp đầu tiên của Quốc hội tại thủ đô sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Tại phiên khai mạc, Bác nhấn mạnh: Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, đã góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, đem lại hòa bình cho đất nước. Tại phiên bế mạc, Người nhấn mạnh: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ, Chính phủ là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Chính phủ chỉ có một mục đích duy nhất là hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Từ đó cho đến ngày Bác mất (2-9-1969), những dấu ấn của Người in thật đậm trong các kỳ họp, phiên họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II (từ ngày 7 đến 15-7-1960), Quốc hội đã bầu Người giữ chức Chủ tịch nước, bầu cụ Tôn Đức Thắng giữ chức Phó chủ tịch nước. Và đúng như lời Người phát biểu trong kì họp: Việc Quốc hội nhất trí bầu cụ Tôn Đức Thắng làm Phó chủ tịch nước, chứng tỏ nhân dân miền Nam nhất trí với nhân dân miền Bắc, nước ta nhất định sẽ thống nhất. Trong kì họp thứ sáu, Quốc hội khóa II (8-5-1963), Người đã từ chối nhận Huân chương Sao vàng do Quốc hội trao tặng với mong muốn chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho Người Huân chương cao quí... Ước mong lớn nhất của Người là: Nam - Bắc sum họp một nhà; Tổ quốc yêu dấu hòa bình, thống nhất. Tại kì họp thứ nhất Quốc hội khóa III (từ 27-6 đến 3-7-1964) tại Hà Nội, Quốc hội vẫn tiếp tục nhất trí bầu Người giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức Phó chủ tịch nước, đồng chí Trường Chinh tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBTVQH, và đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp tục giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Trong phiên bế mạc, Người nói: Thay mặt những đồng chí đã được bầu vào cơ quan lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm. Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Trong các kì họp tiếp theo của Quốc hội khóa III, Người luôn thể hiện điều mong mỏi lớn nhất như Người hằng nhấn mạnh là: Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước... Tất cả chúng ta hãy đoàn kết, triệu người như một quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Ước mong đó của Người đã thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm gạt bỏ mọi khó khăn, tiến lên phía trước, đạp bằng gian khổ để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thực hiện lời căn dặn thiêng liêng nhất của Bác là Nam-Bắc sum họp một nhà, thống nhất đất nước ...
Chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào ngày 22-5-2011 này, nhắc lại những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội để ôn lại những trang sử vẻ vang của Quốc hội nước ta, những trang sử đã gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, để “chúng ta càng cảm nhận sâu sắc tư tưởng của Người về vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước” (Xuân Tùng). Vâng, mong muốn lớn nhất của Người và cũng chính là của mỗi một người dân Việt Nam yêu nước là xây dựng được một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, và vì dân; một Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh và hoạt động có hiệu quả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Thị Thọ
Trường CĐSP, 123 Nguyễn Huệ, TP.Huế