Cần cụ thể hoá tiêu chuẩn đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016
Bác Hồ gặp cử tri tại Phúc Tân (Hà Nội) ngày 5-1-1946

Điều 3, Luật bầu cử đại biểu HĐND năm 2003 quy định đại biểu HĐND phải có 05 tiêu chuẩn sau: "1) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương;

2) Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

3) Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế - xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương;

4) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; 5) Có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND".
Đó là những tiêu chuẩn chung nhất mà tất cả đại biểu HĐND phải đạt được, song đối với từng cương vị công tác và nghề nghiệp khác nhau, thiết nghĩ bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn chung nêu trên,
cần phải cụ thể hóa thêm những tiêu chuẩn sau:

Thứ nhất, đối với người giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy được dự kiến giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu HĐND, người được giới thiệu ứng cử để giữ các chức danh lãnh đạo chính quyền các cấp phải thực sự tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức và sự cống hiến; có khả năng tiếp cận, nắm bắt, xử lý vấn đề mới và vấn đề phức tạp nảy sinh, khả năng đoàn kết, quy tụ cán bộ; có phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, tận tâm với việc giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; không quan liêu, tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật; có điều kiện và sức khỏe để tham gia các hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ đại biểu HĐND.

Thứ hai, đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh và để giữ chức vụ trưởng, phó các ban của HĐND tỉnh phải đảm bảo tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 của Bộ Nội vụ, cụ thể: Có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có khả năng nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Hiểu biết sâu về nghiệp vụ quản lý thuộc lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành sẽ được giao; có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, điều hành; am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, tối thiểu phải tốt nghiệp đại học và cao cấp lý luận chính trị…

Thứ ba, đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã phải đảm bảo tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn cấp uỷ viên cấp huyện và cấp xã. Ở Quảng Trị quy định như sau: Đại biểu HĐND chuyên trách cấp huyện nói chung phải tốt nghiệp đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đại biểu HĐND cấp cơ sở nói chung phải tốt nghiệp hoặc đang học trung cấp chuyên môn và trung cấp lý luận chính trị trở lên (riêng các xã miền núi nói chung phải tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương và tốt nghiệp hoặc đang học trung cấp lý luận chính trị trở lên). Các đồng chí vì hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà chưa được đào tạo cơ bản theo quy định, nhưng có năng lực nổi trội trong chỉ đạo thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; những đồng chí là cán bộ người dân tộc thiểu số cần xem xét một cách thích hợp.

Thứ tư, đối với người ứng cử đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể tương đương tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã quy định tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-01-2004 của Bộ Nội vụ trở lên, đó là: Về học vấn phải tốt nghiệp trung học phổ thông. Về lý luận chính trị phải có trình độ trung cấp trở lên. Về chuyên môn, nghiệp vụ đối với khu vực đồng bằng và đô thị phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; đối với khu vực miền núi phải được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn tương đương trình độ sơ cấp trở lên, nhưng nếu tham gia giữ chức vụ phải có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên. Đồng thời, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế.

Thứ năm, phải cụ thể hóa quy định về độ tuổi. Người ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách lần đầu nói chung phải đủ tuổi công tác từ 2 khóa trở lên, ít nhất cũng phải đủ tuổi để tham gia trọn 01 khóa; người tái ứng cử đại biểu HĐND chuyên trách phải đủ tuổi tham gia ít nhất 03 năm. Người ứng cử đại biểu HĐND các cấp lần đầu là cán bộ, công chức, viên chức nói chung phải đủ tuổi công tác từ 2 khóa trở lên, ít nhất cũng phải đủ tuổi để tham gia trọn 1 khóa; trường hợp cần thiết phải giới thiệu người ngoài độ tuổi nêu trên thì do ban thường vụ cấp ủy cùng cấp quyết định...

Do tính chất hoạt động, do cương vị, nghề nghiệp công tác và do yêu cầu nhiệm vụ được giao nên tiêu chuẩn của từng đại biểu HĐND cũng phải có những yêu cầu riêng. Song, cốt lõi, căn bản của mỗi đại biểu HĐND là bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối, tính tiên phong gương mẫu cao, đạo đức cách mạng trong sáng, có quan điểm quần chúng, tận tuỵ với công việc và phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất